pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sống khổ tại dự án thủy lợi lớn nhất Nghệ An
Nhà của vợ chồng anh Đào Văn Minh và chị Vi Thị Ngọc bị xuống cấp khiến cả gia đình phải đi ở nhờ nhà bố mẹ
Nhà sập vẫn chưa thể di dời
Vượt qua con đường đất đá lởm chởm, xuyên qua những cánh rừng keo, chúng tôi đến thôn Bình Quang, xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu, Nghệ An). Bản Bình Quang chỉ cách trung tâm xã Châu Bình khoảng 5km nhưng cuộc sống của người dân ở đây trong cảnh không điện, không sóng điện thoại, trường học, trạm xá cũng không.
"Vì cuộc sống bấp bênh nên chồng tôi đã đi xuất khẩu lao động. Tôi có 3 người con, con lớn đang học THPT cũng phải gửi đi học ở thành phố Vinh còn cháu thứ 2 đang học lớp 7, ngày nào cũng phải đi học trên con đường đất, nắng thì bụi, mưa thì lầy, rất khổ sở. Bản Bình Quang cũng chưa có điện, chưa có sóng điện thoại nên mỗi lần muốn gọi cho chồng, tôi phải đi ra QL48 để gọi. Tôi chỉ mong được di dời càng sớm càng tốt", chị Nguyễn Thị Nhàn nói.
Bên trong ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Nhàn
Dẫn chúng tôi đến bên ngôi nhà đã đổ sập phần bếp và công trình phụ, chị Nguyễn Thị Nhàn cho biết, đó là nhà của em chồng chị - anh Đào Văn Minh và chị Vi Thị Ngọc. "Suốt nhiều năm qua, vợ chồng Ngọc sống vô cùng khổ sở vì nhà đã xuống cấp, vá chỗ này lại dột chỗ kia và cách đây vài tháng, toàn bộ phần bếp đã đổ sập, nhà chính cũng sập mất một phần mái. Hôm đó may cả nhà đi vắng nên tránh được", chị Nhàn chia sẻ. Sau khi nhà sập, vợ chồng chị Ngọc phải đưa các con đến nhà bố đẻ là ông Đào Thăng Long tá túc. Khổ nỗi, nhà ông Long cũng được xây dựng từ hơn 30 năm trước, giờ thủng trước, hở sau, ông Long phải dùng cây gỗ keo để chằng chống, tránh bị đổ. "Vì nằm trong vùng giải tỏa nên nhiều năm nay, người dân không dám sửa bởi nhà nước đã kiểm kê, giờ sửa thì đến lúc chuyển đi sẽ không được đền bù phần xây dựng thêm", ông Long buồn bã nói.
Nhà ông Đào Thăng Long cũng xuống cấp, phải chằng chống khắp nơi
Theo ông Nguyễn Minh Giảng, Bí thư chi bộ bản Bình Quang, bản có 136 hộ dân thuộc diện phải di dời. Tuy nhiên, đến nay, hồ thủy lợi Bản Mồng vẫn chưa xây dựng xong, còn hơn 30 hộ dân chưa được bồi thường để di dời. "Gia đình tôi cũng đã chuyển về thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, nhiều gia đình khác nhận được đền bù đã đi tìm mua đất ở nhưng hơn 30 hộ còn lại vẫn chưa được giải quyết, họ chấp nhận sống khổ", ông Giảng nói.
Sắp được "an cư"?
Ông Nguyễn Minh Giảng cho biết, bản Bình Quang được hình thành từ tháng 4/1982. Thời điểm đó có 18 hộ dân từ huyện Nghi Lộc lên xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, xây dựng vùng kinh tế mới. Từ năm 1985-1986, một số hộ dân thuộc huyện Quỳnh Lưu và huyện Nghi Lộc cũng lên đây xây dựng kinh tế mới. Đến năm 1991, bản Bình Quang đã có gần 100 hộ, với gần 400 nhân khẩu nhưng do điều kiện bản ở xa trung tâm xã, đường sá đi lại khó khăn, bệnh sốt rét hoành hành nên dân bản đã dần bỏ nhà cửa, vườn tược để trở về quê cũ hoặc chuyển đến các địa phương khác làm ăn sinh sống. "Từ năm 1992 đến năm 1999, bản Bình Quang chỉ còn lại 18 hộ dân bám trụ, đời sống đặc biệt khó khăn, đất đai bị bỏ hoang, bản có nguy cơ bị xóa tên", ông Giảng kể lại.
Tuy nhiên, sau đó, nhờ có chính sách đổi mới, nhà máy đường Phủ Qùy và một số nhà máy chế biến nông, lâm sản được xây dựng cùng với đó là chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An cho phép các hộ dân trong tỉnh khai hoang, phục hóa đất đai, mở mang diện tích trồng mía, trồng sắn nguyên liệu bán cho các nhà máy nên các hộ dân tại Bình Quang đã yên tâm ở lại. Một số hộ dân từ các huyện khác thấy Bình Quang đất rộng, người thưa cũng đã về đây làm ăn sinh sống. Bản Bình Quang lại "hồi sinh" và số hộ tăng lên nhanh chóng.
Năm 2009, dự án hồ thủy lợi Bản Mồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc xã Yên Hợp, Quỳ Hợp (Nghệ An). Lòng hồ rộng 25km2, chủ yếu nằm tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (Thanh Hóa), sức chứa 225 triệu m3 nước. Xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) là xã có diện tích ngập trong lòng hồ nhiều nhất, phải giải phóng mặt bằng 534ha, trong đó, 195 hộ dân phải di dời, tập trung ở thôn Bình Quang. Người dân ở bản Bình Quang cho biết, đến năm 2017, các hộ dân trong diện giải tỏa mới được đền bù. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến nay hàng chục hộ dân vẫn chưa được giải quyết để di dời.
Theo ông Lê Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Châu Bình, trong năm nay, những hộ dân này vẫn chưa thể di dời. Các hộ dân còn lại ở bản Bình Quang đang rất khó khăn khi nhà cửa xập xệ nhưng không thể sửa chữa hay xây mới. Người dân mong muốn được giải quyết sớm nhưng với chức năng, nhiệm vụ của cấp xã, ông Toan cũng chỉ biết "ghi nhận".