SÓNG NƯỚC VÀ TÌNH NGƯỜI Ở NHÀ GIÀN DK1/10
Trong hải trình tới thăm cán bộ, chiến sĩ ở vùng biển, đảo Tây Nam hơn 1 tuần lễ, những khoảnh khắc vượt sóng, gió đến nhà giàn DK1/10 những ngày cuối năm đã để lại trong mỗi thành viên đoàn công tác của Quân chủng Hải quân và TP Hồ Chí Minh nhiều cảm xúc khó quên.
Vượt sóng, gió đến Nhà giàn DK1/10
Chị Lê Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN Quận 10, TP Hồ Chí Minh, kể: "Tôi vẫn nhớ rõ sáng hôm đó, tàu KN 290 đã neo lại gần Nhà giàn DK1/10 nhưng chúng tôi lại nghe thông tin từ đài chỉ huy nói do thời tiết xấu, nên chỉ có các đồng chí lãnh đạo và thành viên của tổ 2 - tổ nhà giàn DK1 (do đoàn công tác phân chia) được lên Nhà giàn, tôi may mắn cũng là thành viên của tổ 2. Tôi mặc sẵn áo phao, ngóng đợi đến lượt mình được xuống xuồng. Cảm giác vừa hồi hộp, vừa căng thẳng khi ngồi trên chiếc xuồng nhỏ vượt từng cơn sóng lớn, người tôi cứ như được nâng lên, lại hạ xuống, lắc lư trên mặt biển".
"Là cán bộ Hội LHPN TP Hồ Chí Minh, tôi mang theo niềm tự hào, cảm phục khi được chứng kiến điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn ở Nhà giàn, cũng tận mắt thấy hình ảnh những người lính Hải quân hiên ngang đứng gác "pháo đài thép" giữa biển trời mênh mông. Cảm nhận sâu sắc sự hy sinh thầm lặng của các anh, đó cũng là động lực to lớn để tôi tiếp tục phấn đấu tốt nhiệm vụ người cán bộ Hội. Tôi cũng sẽ chia sẻ thật nhiều về chuyến đi với các hội viên của Quận 10, để chị em cùng hiểu thấu tình yêu biển đảo, góp phần xây dựng phong trào Hội ngày càng phát triển" - Chủ tịch Hội LHPN Quận 10 chia sẻ.
Nhắc đến Nhà giàn DK1/10, chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh, xúc động nói: "Tôi may mắn hơn nhiều đại biểu khác vẫn được lên thăm Nhà giàn. Trong các điểm đến của hải trình lần này, Nhà giàn DKI/10 là điểm đặc biệt nhất với tôi, bởi tôi được đặt chân lên nơi duy nhất còn nguyên bản, chưa được xây dựng mới trong số 15 Nhà giàn ở vùng biển Tây Nam. Chứng kiến không gian, điều kiện sống và sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ hạn chế hơn so với các nhà giàn khác, càng khiến tôi mong muốn được mang chút hơi ấm từ đất liền gửi đến cán bộ, chiến sĩ".
"Lúc ngồi trên xuồng từ tàu đến Nhà giàn tưởng như sóng nước muốn "nuốt chửng", thấy mọi người, đặc biệt là đại biểu nữ hết sức chật vật để bám, leo lên những bậc thang đầu tiên của Nhà giàn, tôi cũng khá lo lắng. Điều làm tôi xúc động nhất là trong không gian sống giản dị, nhỏ hẹp giữa biển ấy có bàn thờ Bác Hồ hết sức trang trọng, ấm cúng; vẫn có luống rau nhỏ ở quanh Nhà giàn do cán bộ, chiến sĩ chăm sóc để cải thiện bữa ăn. Tất cả những điều tưởng như rất đời thường ấy lại khiến tôi rất xúc động, bùi ngùi, dường như chính bản thân tôi cũng được tiếp thêm sức mạnh, động lực ngay khi đến với "cột mốc sống" giữa biển trời Tổ quốc" - chị Trần Thu Hà nhớ lại.
Cũng là một trong số ít đại biểu nữ được lên thăm Nhà giàn DK1/10 dịp này, cô phóng viên Tiểu Tân - Báo Sài Gòn Giải Phóng - cho biết: "Tôi từng đến với Trường Sa - Nhà giàn DK1/17, song hải trình đến Nhà giàn DK1/10 ở vùng biển, đảo Tây Nam lại cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt nhất. Nếu chưa một lần lên Nhà giàn mùa biển động, có lẽ khó hình dung những khoảnh khắc gian nan này, bởi chỉ cần sơ sẩy, bạn có thể bị rơi xuống biển. Với niềm mong mỏi được lên Nhà giàn, tôi và mỗi đại biểu được ưu tiên đã vượt lên chính mình, có cuộc gặp gỡ đặc biệt, dẫu ngắn ngủi với cán bộ, chiến sĩ ở "pháo đài thép" Nhà giàn DK1/10 nơi đầu sóng, ngọn gió, để lại trong tôi những cảm xúc khó quên trong nghề làm báo".
Tự hào góp sức trẻ canh giữ "cột mốc sống" ở vùng biển Tây Nam
Phát biểu trong lễ tổng kết hải trình đến vùng biển, đảo Tây Nam của đoàn công tác, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, nghẹn ngào, rưng rưng khi nhắc tới điểm đến Nhà giàn DK1/10: "Cả đoàn đã vượt bao sóng gió đến rất gần Nhà giàn, vậy mà nhiều đại biểu chỉ có thể đứng ngắm Nhà giàn đầy yêu thương từ con tàu KN290, không thể đem nhiều hơn hơi ấm của người mẹ, người chị, người em từ đất liền đến động viên, chia sẻ tâm tình với cán bộ, chiến sĩ ở Nhà giàn DK1/10. Tôi vẫn áy náy, tiếc nuối nhiều lắm vì chưa trọn vẹn nhiệm vụ của mình nhưng vì sự an toàn của các đại biểu mà đành hẹn lần sau".
Trái với những cảm xúc còn lắng đọng của mỗi thành viên trong đoàn công tác, chiến sĩ Nguyễn Tấn Giàu, người con ở quê hương thành phố mang tên Bác, hiên ngang đứng gác vẫn dành nụ cười thân thương chào đón khách lên thăm Nhà giàn.
Ngay sau giờ đổi ca gác, chàng trai với gương mặt rám nắng Nguyễn Tấn Giàu tranh thủ bộc bạch: "Em lên Nhà giàn công tác từ ngày 15/1/2024, em chỉ bỡ ngỡ mấy ngày đầu vì nhớ nhà, bởi đó cũng là lần đầu tiên em đón Tết xa nhà. Được các anh ở Nhà giàn động viên, hỗ trợ, em làm quen với nhà mới rất nhanh. Em rất tự hào khi được góp sức trẻ canh giữ "cột mốc sống" ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc".
Người chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10, đại úy Nguyễn Đình Đức tự hào cho biết thêm: Nhà giàn DK1/10 được xây dựng năm 1994, là 1 trong số 15 nhà giàn DK1 được lắp đặt trên bãi cạn Cà Mau, thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đơn vị đóng quân độc lập, xa đất liền; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nhất là thời điểm cuối năm thường phải chống chọi với sóng to gió lớn…
"Sống và làm việc trong môi trường sóng to, gió lớn giữa biển khơi, xa gia đình, song mỗi cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 vẫn đang tiếp nối truyền thống "Còn người, còn Nhà giàn". Luôn đoàn kết, kiên cường bám biển, gìn giữ từng tấc đất, tấc biển cho quê hương. Dù điều kiện làm nhiệm vụ có khó khăn thế nào, mỗi khi có bà con ngư dân gặp khó khăn trong quá trình đánh bắt hải sản ở vùng biển này, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 chúng tôi đều không ngại vượt sóng gió, giông bão để hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ, cung cấp nhu yếu phẩm và nước ngọt cho bà con yên tâm vươn khơi mưu sinh" - Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10 chia sẻ.
Ghi nhận, cảm thông với sự vất vả, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/10, Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác, cho biết: Cách đây hơn 35 năm, thực hiện chỉ thị của Bộ Quốc phòng về tổ chức lực lượng ra tiếp quản, chốt giữ trên các nhà giàn của Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ, Quân chủng Hải quân, đã quyết định thành lập Khung quản lý DK1 (nay là Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân). Nhà giàn DK1 đã trở thành biểu tượng khẳng định cột mốc chủ quyền trên vùng biển của Tổ quốc.
Ngay từ ngày đầu thành lập, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn nơi đầu sóng, ngọn gió để hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Trong lớp lớp thế hệ người lính Nhà giàn kiên trung hàng chục năm qua, có những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, hoà mình vào sóng nước Biển Đông để giữ vững chủ quyền biển đảo.
Khoảnh khắc đứng trên Nhà giàn DK1/10 lúc hừng đông, mỗi thành viên trong đoàn công tác đều cảm thấy tự hào khi bắt gặp hình ảnh hiên ngang, kiên cường, vững chãi của người lính Nhà giàn giữa biển trời mênh mông. Ai cũng mang theo về sự thân thương đong đầy trong ánh mắt, nụ cười của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn được gói chặt trong những cái nắm tay, từng lời động viên có hơi ấm của hậu phương, của đất liền trao gửi, với niềm tin yêu sắc son chung tay "Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc".
Hải Linh (thực hiện)
Ảnh: PV, NV