Sốt xuất huyết có được truyền nước không?

Q.N
27/06/2022 - 15:30
Sốt xuất huyết có được truyền nước không?
Hiện nay dịch sốt xuất huyết đang bùng phát diện rộng. Mọi người cần lưu ý và trang bị cho bản thân những kiến thức về bệnh truyền nhiễm này. Một trong những vấn đề cần lưu tâm về bệnh đó là sốt xuất huyết có được truyền nước không?

Bù dịch là một trong các nội dung điều trị quan trọng và chủ yếu cho bệnh nhân sốt xuất huyết hiện nay. Có nhiều cách bù dịch khác nhau cho bệnh nhân có thể được ứng dụng căn cứ vào tình hình của người bệnh, bao gồm đường uống và đường tĩnh mạch.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người nghĩ rằng truyền nước sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người mắc bệnh sốt xuất huyết và làm cho bệnh mau khỏi hơn. Vậy sốt xuất huyết có được truyền nước không và cần lưu ý điều gì khi truyền nước cho bệnh nhân?

1. Vì sao bệnh nhân sốt xuất huyết cần được bù dịch?

Trong thời gian bị sốt xuất huyết, bệnh nhân xảy ra tình trạng mất nước, mệt mỏi nên cần một số phương pháp bổ sung để hồi sức tích cực. Dưới đây là một số nguyên nhân mà bệnh nhân sốt xuất huyết cần được bù dịch nhanh chóng:

- Hiện tượng tăng tính thấm thành mạch: Hiện tượng tăng tính thấm thành mạch trong bệnh sốt xuất huyết làm dịch thoát từ lòng mạch ra các khoảng gian bào. Từ đó làm giảm thể tích lòng mạch và làm tăng mức độ cô đặc máu.

- Do sốt cao: Sốt cao rất thường gặp ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Khi sốt cao thường xuyên sẽ dẫn đến việc dễ bị mất nước hơn do các cơ chế điều hòa nhiệt của cơ thể.

- Ăn uống kém: Các biểu hiện của hội chứng nhiễm siêu vi cũng được biểu hiện một cách rõ ràng ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Bệnh nhân hay cảm thấy mệt mỏi, đau nhức cơ thể, chán ăn,... Điều này khiến lượng dịch đưa vào cơ thể không đủ so với nhu cầu sử dụng của người bệnh và dẫn đến thiếu dịch.

Sốt xuất huyết có được truyền nước không và những điều cần biết - Ảnh 2.

Nhiều cơ chế khác nhau có thể dẫn đến hiện tượng thiếu dịch ở bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: Internet)

2. Sốt xuất huyết có được truyền nước không?

Bù dịch đúng và đủ cho bệnh nhân bệnh nhân sốt xuất huyết có ý nghĩa quan trọng trong điều trị bệnh. Chính vì thế, không ít người nghĩ rằng việc truyền dịch sẽ giúp nhanh khỏi bệnh hơn. Tuy nhiên, sự thật liệu có phải như vậy?

Theo các hướng dẫn y tế chính thức hiện nay, việc bù dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết có thể được thực hiện thông qua cả hai con đường là đường uống và đường tĩnh mạch. Tuy nhiên mỗi con đường bù dịch cần phải được lựa chọn bởi bác sĩ có chuyên môn và phù hợp với tình trạng bệnh nhân, giai đoạn của bệnh.

Nếu như tình trạng bệnh nhân ổn định, có khả năng ăn uống được bằng đường miệng thì phương pháp bù dịch được ưu tiên là thông qua các dung dịch điện giải Oresol, hoặc các loại nước hoa quả (nước cam, nước chanh,...).

Truyền nước bù dịch cho người bệnh chỉ được khuyến cáo sử dụng khi khả năng ăn uống của bệnh nhân không đảm bảo được nhu cầu cung cấp dịch cho cơ thể. Hoặc khi người bệnh có các biểu hiện như lừ đừ, nôn ói nhiều, đau bụng nhiều, chỉ số xét nghiệm HTC máu tăng cao, bệnh nhân có hiện tượng choáng, sốc,... thì các bác sĩ sẽ có thể chỉ định cho bệnh nhân truyền nước.

Vì vậy có thể thấy, với vấn đề bệnh nhân sốt xuất huyết có được truyền nước không thì câu trả lời là có. Nhưng việc truyền nước phải được thực hiện thận trọng, đúng với chỉ định để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Sốt xuất huyết có được truyền nước không và những điều cần biết - Ảnh 2.

Sốt xuất huyết có được truyền nước được không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau (Ảnh: Internet)

3. Giai đoạn nào cần truyền nước trong bệnh sốt xuất huyết?

Diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết được chia làm ba giai đoạn phát triển khác nhau, bao gồm giai đoạn sốt (ngày 1-2), giai đoạn nguy hiểm (ngày 3-7) và giai đoạn hồi phục (ngày 7-10).

Trong đó, giai đoạn sốt và giai đoạn nguy hiểm thường là hai giai đoạn mà bệnh nhân cần phải được bù dịch thông qua đường uống hoặc truyền nước. Vì trong hai giai đoạn này, tình trạng thiếu dịch do tăng tính thấm thành mạch, ăn uống kém và sốt là rõ ràng nhất. Người bệnh xảy ra tình trạng cô đặc máu, với đặc trưng là chỉ số HCT máu tăng cao.

Còn trong giai đoạn hồi phục của bệnh sốt xuất huyết, nhờ vào hiện tượng tái hấp thu dịch từ các khoảng gian bào nên thể tích dịch trong lòng mạch cũng dần được tăng lên. Việc tiếp tục bù nước tích cực bằng truyền nước trong giai đoạn này có thể gây nên hiện tượng quá tải dịch và làm xuất hiện một số biến chứng. Do đó, người bệnh ít khi được chỉ định truyền dịch trong giai đoạn này.

4. Các biến chứng khi truyền nước không đúng cách cho bệnh nhân sốt xuất huyết

Khi truyền nước không đúng cách cho bệnh nhân sốt xuất huyết, có thể gây nên nhiều hậu quả nguy hiểm như:

- Biến chứng nhiễm khuẩn: Biến chứng này thường là hậu quả khi các thao tác truyền nước được thực hiện không đúng kỹ thuật như không sát trùng kỹ vùng đặt kim, bình truyền hoặc kim truyền bị thủng bao bì từ trước khiến vi khuẩn xâm nhập,...

- Phù phổi cấp, suy tim cấp: Khi truyền nước với số lượng quá nhiều và trong thời gian ngắn, nó có thể khiến thể tích dịch trong lòng mạch tăng lên đột ngột. Chính điều này khiến cho người bệnh dễ gặp phải biến chứng suy tim cấp hay phù phổi cấp thể huyết động. Đặc biệt thường hay xảy ra ở các bệnh nhân bị bệnh lý tim mạch từ trước.

Sốt xuất huyết có được truyền nước không và những điều cần biết - Ảnh 3.

Truyền nước không đúng cách cho bệnh nhân sốt xuất huyết có thể gây biến chứng nguy hiểm (Ảnh: Internet)

- Giảm đáp ứng của cơ thể với truyền dịch: Lạm dụng truyền nước khi không cần thiết sẽ làm giảm đáp ứng của cơ thể đối với dịch truyền, đặc biệt là trong các tình trạng phải truyền dịch nhằm mục đích cấp cứu như bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết. Từ đó làm tăng sự nguy hiểm và tăng nguy cơ tử vong của bệnh khi có các biến chứng cần xử lý cấp cứu xảy ra.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm