Tái chế thời trang kết hợp với thổ cẩm

Hoàng Duy
27/09/2022 - 11:46
Nhận thấy rác thải từ ngành thời trang rất lớn, Bùi Thị Hương (SN 2000) đã nảy ra ý tưởng tái chế thời trang kết hợp với thổ cẩm để giảm rác thải ra môi trường.

Bùi Thị Hương hiện là sinh viên khoa Thiết kế thời trang trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Ngay từ nhỏ, hình ảnh các cô, các chị dệt thổ cẩm đã để lại cho Hương nhiều ấn tượng sâu đậm. Lớn lên, Hương quyết định theo học ngành thời trang với mong muốn làm ra những sản phẩm đẹp và tiện dụng. Thế nhưng khi đến với thời trang, cô gái trẻ nhận ra những nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải thời trang. "Được theo học ngành thời trang, từ đó mình có cơ duyên tìm hiểu về "thời trang nhanh" và nhận thấy, mỗi năm, lượng rác thải từ quần áo ra môi trường là cực lớn và khó phân huỷ do nguyên liệu từ sợi tổng hợp chiếm tỷ lệ lớn. Có những núi rác khổng lồ mà không thể xử lý hoặc bản thân mình cũng có những món đồ cũ mà không biết để đi đâu. Mình mong mọi người có không khí trong lành để hít thở. Mỗi người góp chút công sức để bảo vệ môi trường", Hương chia sẻ.

Không biết từ bao giờ, cô luôn ý thức về việc giữ gìn vệ sinh như để rác đúng nơi quy định, nhắc nhở mọi người gom rác sau mỗi lần đi cắm trại nhưng tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra, lâu dần sẽ gây ứ đọng, trở thành nguồn gây bệnh. Những điều đó khiến cô trăn trở.

Tái chế thời trang kết hợp với thổ cẩm - Ảnh 1.

Sản phẩm túi thổ cẩm tái chế

Hương nghĩ, cần phải thiết kế sản phẩm mang tính ứng dụng cao, mẫu mã đẹp, đem tới sự tiện lợi cho người tiêu dùng thì mới có nhiều người ủng hộ và sử dụng lâu dài. Tuổi đời của một món thời trang càng dài thì lượng rác thải ra môi trường cảm giảm đi. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Cô bắt đầu nghiên cứu cách tái chế thời trang kết hợp với thổ cẩm. Dự án khôi phục làng nghề thổ cẩm xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) là một trong những ý tưởng mà cô đã và đang thực hiện một cách hiệu quả. Khi một mình bắt đầu làm dự án, cô vừa học vừa di chuyển lên Yên Bái để thực hiện. Có những hôm trời mưa, đường trơn, một mình cô chở đồ bằng xe máy lên núi để làm dự án rất vất vả. Nhiều người cho rằng cô đang làm một "nhiệm vụ bất khả thi" bởi rất khó để khôi phục một làng nghề gần như đã thất truyền.

Cô kiên trì khảo sát, sưu tầm các họa tiết, hoa văn truyền thống, làm sơ thảo đề án bảo tồn họa tiết, lên thiết kế các sản phẩm mẫu, tìm "đầu ra" cho sản phẩm, sau đó mở các lớp miễn phí hướng dẫn bà con cách phối màu, cách may sản phẩm. Hoạt động được bà con hưởng ứng tham gia nhiều nhất là tái chế quần áo cũ thành túi xách thổ cẩm để bảo vệ môi trường. "Mình chỉ muốn tăng thêm vòng đời của các loại đồ cũ để giảm lượng rác thải. Ngoài ra, đồ cũ cũng khá đa dạng về màu sắc nên rất phù hợp với thổ cẩm của đồng bào Mông. Tôi đã tái chế quần áo cũ với thổ cẩm. Hai loại này kết hợp với nhau tạo ra sản phẩm lạ mắt, sử dụng được và bảo vệ môi trường", Hương hào hứng chia sẻ.

Cô luôn mong muốn những sản phẩm túi xách từ vải thổ cẩm kết hợp với quần áo tái chế có thể lan toả đến đông đảo người dùng, vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mông vừa bảo vệ môi trường. Việc hướng dẫn người dân tái chế sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo thêm thu nhập.

Bùi Thị Hương cho biết, sắp tới, cô sẽ tìm "đầu ra" cho các sản phẩm tái chế, đầu tư vào thiết kế, mẫu mã đẹp mắt hơn, liên kết, hợp tác với các tổ chức khác để ngày càng có nhiều người hưởng ứng dự án tái chế, chung tay giảm rác thải thời trang, bảo vệ môi trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm