“Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới"

"Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới"

Sáng 22/11, tại xã biển Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chương trình “Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới”. 

Ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề nóng hiện nay và là thách thức lớn nhất hiện nay đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ô nhiễm môi trường dưới nhiều dạng khắp nơi, từ thành thị đến các vùng quê, từ đất liền tới đại dương.

Theo nghiên cứu, mỗi năm có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó phần lớn là sản phẩm nhựa dùng một lần, chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương. Với tốc độ thải rác như hiện nay, ước tính đến năm 2050, nghĩa là chỉ còn 27 năm nữa thôi, trên thế giới, lượng rác thải nhựa đại dương sẽ nhiền hơn số lượng cá.

“Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới" - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, rác thải trong đại dương có nguồn gốc từ đất liền theo dòng chảy đưa ra biển và bắt nguồn từ tàu thuyền đánh bắt cá, các hoạt động hàng hải và nuôi trồng thủy sản trên biển. Điều nguy hại là ô nhiễm đại dương từ rác nhựa đã tác động đến sự sống của các loài sinh vật biển như rùa biển, cá voi, chim biển, rạn san hô cùng vô số loài sinh vật biển và môi trường sống khác.

Theo tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, rác nhựa đại dương đang ảnh hưởng tới 88% các loài sinh vật biển, hạt vi nhựa xuất hiện ở cả những vùng biển xa xôi hẻo lánh nhất của thế giới. Vi nhựa bằng nhiều con đường, trong đó có ăn uống đã đi vào cơ thể chúng ta. Gần đây, hạt vi nhựa đã được phát hiện trong cả sữa mẹ.

“Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới" - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền phát biểu tại chương trình

Việt Nam, với hơn 3.200 km đường bờ biển với hàng trăm cửa biển là lợi thế cho phát triển kinh tế nhưng cũng là một trong những lý do khiến nước ta là nước thải rác nhựa ra đại dương đứng thứ 7 trên thế giới mặc dù về dân số nước ta đứng thứ 16. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong khi chưa đến 1/3 trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10% - 16% mỗi năm. Còn nhiều vấn đề môi trường khác đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân và trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

“Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới" - Ảnh 3.

Chương trình thu hút hàng nghìn bà con ngư dân tham gia với các hoạt động, chương trình hành động cùng hướng về môi trường biển

Do vậy, bảo vệ môi trường từ lâu đã trở thành mục tiêu và là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững. 

Xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai thực hiện thông qua Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phong trào "Chống rác thải nhựa", đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" của Chính phủ... 

“Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới" - Ảnh 4.

Tại chương trình, các hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn xã Bình Thạnh được tham gia đổi rác tái chế để lấy quà

Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ tại các địa phương được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường nông thôn, môi trường biển của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng. 

“Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới" - Ảnh 5.

Trao tặng túi lưới cho ngư dân

Bên cạnh đó, rất nhiều hoạt động đã được các cấp Hội tích cực triển khai như thu gom, phân loại, xử lý rác thải; giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa; trồng cây xanh, trồng đường hoa; khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, của tổ chức Hội góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống.

“Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới" - Ảnh 6.

Các tiết mục hát múa, kịch về về chủ đề bảo vệ môi trường biển từ các nghệ sĩ nổi tiếng và phần trình diễn thời trang độc đáo, đầy sáng tạo từ những rác thải thu gom, phân loại được của hội viên, phụ nữ

“Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới" - Ảnh 7.

Phần trình diễn thời trang với chủ đề “Miss môi trường” từ các rác thải tái chế được trình diễn bởi các hội viên, phụ nữ xã Bình Thạnh (Bình Sơn), tỉnh Quảng Ngãi

"Sự kiện truyền thông "Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới" được tổ chức với mong muốn nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thúc đẩy phụ nữ, gia đình và cộng đồng thực hiện các hành động thiết thực bảo vệ môi trường biển Việt Nam. Với thông điệp: Mỗi tấm lưới ra khơi là những tấm lưới xanh, mỗi ngư dân ra khơi bám biển sẽ cùng cộng đồng và các gia đình ngư dân ven biển cùng tích cực hành động thu gom rác thải nhựa, rác thải tái sử dụng, tái chế trong hành trình đi biển để biển Việt Nam ngày càng trong xanh, sạch rác. Chúng tôi cũng tin tưởng và hi vọng bằng tình yêu tha thiết với biển đảo quê hương và tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, chúng ta cùng quyết tâm hành động làm sạch biển bằng những việc làm thiết thực nhất", Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.

Bài: Duy Anh