Tăng cường an sinh xã hội thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động
07/03/2019 - 17:15
Đầu tư vào hệ thống an sinh xã hội, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền là điều thiết yếu để giải phóng thời gian của phụ nữ, hỗ trợ việc di chuyển của họ, tăng cường việc tiếp cận các cơ hội giáo dục, y tế, kinh tế, và tăng khả năng chống chọi với những khó khăn trong cuộc sống.
Chiều 7/3, Liên hợp quốc tại Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức tọa đàm chính sách về bình đẳng giới với chủ đề: “Tăng cường an sinh xã hội và các dịch vụ công nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động”. Tọa đàm tập trung tập trung thảo luận luật pháp và chính sách hiện có cũng như những đề xuất để thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ thông qua những sáng kiên liên quan chặt chẽ với 3 lĩnh vực: An sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tăng cường khung pháp lý và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và tiếp cận dịch vụ công cho người dân. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi chính sách an sinh xã hội và các dịch vụ công chưa phản ánh đúng nhu cầu của họ. Ngoài những rủi ro mà nam giới cũng gặp phải như bệnh tật, thất nghiệp và yếu đuối do tuổi già, phụ nữ phải đối mặt với việc sinh nở và công việc chăm sóc không được trả lương, cản trở những nỗ lực của họ khi tham gia thị trường lao động. Theo những số liệu phân tích giới, phụ nữ thường là những người bị loại trừ khỏi bảo trợ xã hội. Tại Việt Nam, phần lớn nữ lao động làm việc trong các khu vực phi chính thức khiến cho họ bị tước đi khả năng tiếp cận với bảo trợ xã hội.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động luôn ở mức cao, khoảng 71,55%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 61,1% và thế giới là 49,6%. Ta cũng là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
Tuy nhiên, theo bà Hà, hệ thống phát luật, chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chất lượng việc làm còn thấp. Lao động nữ chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, năng suất thấp với điều kiện lao động kém, thu nhập không ổn định. Thu nhập của lao động nữ thấp hơn lao động nam. Hệ thống chính sách hỗ trợ lao động nữ di chuyển đến các khu công nghiệp, khu đô thị còn thiếu. Một số quy định còn hạn chế khả năng tiếp cận của người di cư, trong đó có nữ lao động di cư đến các dịch vụ xã hội cơ bản tại các đô thị. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là quấy rối tình dục đối với phụ nữ tại nơi làm việc vẫn tiếp tục diễn ra. Nhóm đối tượng yếu thế trong đó có phụ nữ thường không có nhiều cơ hội tiếp cận được việc làm tốt, với thu nhập ổn định và điều kiện làm việc đảm bảo. Vì họ có trình độ học vấn thấp, yếu tố sức khỏe hạn chế, ít thông tin về thị trường lao động, hạn chế về năng lực chuyên môn.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Hệ thống an sinh xã hội, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững là những lĩnh vực không thể thiếu để thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và Chương trình Nghị sự 2030 về các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Đầu tư vào lĩnh vực này là thiết yếu để giải phóng thời gian của phụ nữ, hỗ trợ việc di chuyển của họ, tăng cường việc tiếp cận các cơ hội giáo dục, y tế, kinh tế, và tăng khả năng chống chọi với những khó khăn trong cuộc sống.”
Tại tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất và khuyến nghị: Thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ vào đối thoại chính sách liên quan đến hệ thống bảo trợ xã hội, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững; Đầu tư vào các lĩnh vực này để tăng năng suất và cơ hội của phụ nữ làm việc trong nền kinh tế phi chính thức; Chú trọng yếu tố giới trong thu thập dữ liệu để đưa ra các chính sách phù hợp; Tạo và tăng cường các cơ chế đảm bảo bình đẳng giới, như kiểm toán giới, khi đánh giá hệ thống an sinh xã hội, dịch vụ công cộng và các dự án cơ sở hạ tầng; Khuyến khích tham gia của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực này.
Kết quả trao đổi thảo luận của Tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy đề xuất chính sách và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động, đồng thời đóng góp vào việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động của Chính phủ về Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030. Các thông tin chia sẻ và khuyến nghị tại cuộc tòa đàm sẽ đóng góp vào báo cáo của Việt Nam tại Khóa họp lần thứ 63 của Ủy ban địa vị phụ nữ được Liên Hợp Quốc tổ chức vào trung tuần tháng 3 tại New York (Mỹ).