Vượt qua sự hoài nghi để thành công với mô hình nuôi trùn quế

Từ những giải thưởng ở huyện, tỉnh cho đến thành công tại cuộc thi cấp Trung ương, hành trình khởi nghiệp của chị Phạm Thị Thanh Tuyền, sinh năm 1991, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Phụ nữ trùn quế Đơn Dương (Lâm Đồng), là "trái ngọt" cho niềm tin vào nông nghiệp xanh bền vững, đồng thời thể hiện sự nhân văn khi tạo sinh kế cho phụ nữ nông thôn.

Từ "vỏ trứng" nhỏ bé đến vòng tuần hoàn của đất lành

Không chọn con đường trải hoa hồng, chị Phạm Thị Thanh Tuyền lớn lên trong một gia đình thuần nông ở huyện Đơn Dương và bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ một thứ ít ai ngờ tới: Nuôi trùn quế.

Vượt qua sự hoài nghi để thành công với mô hình nuôi trùn quế- Ảnh 1.

Năm 2018, chị bắt tay vào thử nghiệm nuôi trùn trên mảnh đất 20m2 cạnh nhà

Câu chuyện bắt đầu từ những bất cập trong quá trình sản xuất nông nghiệp mà chị từng chứng kiến: Rau được mùa thì mất giá, hàng tấn củ quả không tiêu thụ được phải bỏ đi, chi phí đầu tư cao nhưng giá trị đầu ra bấp bênh. Đặc biệt, việc đổ bỏ rau củ cộng với rác thải nông nghiệp khiến môi trường ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Khi tham gia công tác Hội và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, chị Tuyền trăn trở: "Liệu có cách nào để biến thứ bỏ đi thành giá trị hữu ích?".

Năm 2018, chị bắt tay vào thử nghiệm nuôi trùn trên mảnh đất 20m2 cạnh nhà. Không nhiều người tin vào sự "nghiêm túc" của chị. Gia đình cản, gọi là "làm chuyện không đâu". Hàng xóm có người bảo "rảnh quá sinh nông nổi". Tất cả đều nhìn mô hình nuôi trùn quế của chị bằng ánh mắt hoài nghi. Nhưng chị quyết tâm: "Cái gì cũng có cái lý của nó, nếu mình biết mình đang đi về đâu".

Vượt qua sự hoài nghi để thành công với mô hình nuôi trùn quế- Ảnh 2.

Từ chất thải nông nghiệp, nuôi trùn, tạo phân bón, cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng và quay trở lại phục vụ sản xuất nông nghiệp

Vượt qua định kiến và thiếu thốn đủ bề, năm 2019, chị tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp huyện và giành giải Nhất. Dự án tiếp tục lọt top 3 toàn tỉnh. Từ động lực ấy, chị Tuyền mạnh dạn thành lập HTX Phụ nữ trùn quế Đơn Dương với 9 thành viên nữ, vốn điều lệ 900 triệu đồng.

"Quyết định đúng đắn nhất là tôi đã tham gia các cuộc thi của Hội và nhận được được giải thưởng. Nhờ đó, tôi có quyết tâm cao hơn, mở rộng mô hình, chuyên nghiệp hóa sản phẩm. Nguồn vốn vay do các cấp Hội hỗ trợ giúp HTX vững vàng về mặt kinh phí để hoạt động và phát triển. Các khóa học đào tạo do Hội LHPN cấp tỉnh, huyện tổ chức đã giúp tôi trau dồi thêm kiến thức để tự tin hơn trên hành trình khởi nghiệp", chị Tuyền chia sẻ.

Vượt qua sự hoài nghi để thành công với mô hình nuôi trùn quế- Ảnh 3.

Mô hình không chỉ "giải quyết chuyện nhỏ" mà đang dần tạo ra giá trị lớn

Ban đầu, mục tiêu đơn giản chỉ là nuôi trùn để làm phân bón cho ruộng vườn của các hội viên. Nhưng nhờ sự tâm huyết và bền bỉ của chị Tuyền, mô hình không chỉ "giải quyết chuyện nhỏ" mà đang dần tạo ra giá trị lớn.

Năm 2020, dự án được vinh danh với giải thưởng "Liên kết gia tăng giá trị cho cộng đồng" tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương. Đó là lời khẳng định mạnh mẽ rằng: Chỉ cần đi đúng hướng, kiên trì với lựa chọn tử tế, những giá trị cộng đồng sẽ tự khắc đơm hoa.

Vượt qua sự hoài nghi để thành công với mô hình nuôi trùn quế- Ảnh 4.

Lặng thầm gieo niềm tin vào đất

Không có con đường khởi nghiệp nào trải toàn hoa hồng. Với chị Tuyền, khởi đầu là những ngày phải tự tìm công thức nuôi trùn, không giáo trình, không được hướng dẫn. Có lúc tưởng chừng muốn bỏ cuộc, nhất là vào đúng thời điểm đại dịch Covid-19, kinh tế khó khăn, chị lại sinh thêm bé thứ hai.

Vượt qua sự hoài nghi để thành công với mô hình nuôi trùn quế- Ảnh 5.
Vượt qua sự hoài nghi để thành công với mô hình nuôi trùn quế- Ảnh 6.
Vượt qua sự hoài nghi để thành công với mô hình nuôi trùn quế- Ảnh 7.

Sản phẩm của chị được khách hàng đón nhận

"Đã có lúc không biết mình có đi sai hướng?", chị kể. "Nhưng nhờ sự động viên từ Hội LHPN huyện, tỉnh và Trung ương, đặc biệt là từ một người chị nguyên là Chủ tịch Hội LHPN huyện, mình đã vững tin hơn để tiếp tục con đường đã chọn"

Đến nay, HTX đã đi vào hoạt động ổn định, không chỉ sản xuất phân trùn quế mà còn hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống, hỗ trợ các hội viên mở rộng sản xuất theo mô hình tuần hoàn. Từ chất thải nông nghiệp, nuôi trùn, tạo phân bón, cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng và quay trở lại phục vụ sản xuất nông nghiệp. Một vòng tuần hoàn khép kín, bền vững và đầy nhân văn.

Vượt qua sự hoài nghi để thành công với mô hình nuôi trùn quế- Ảnh 8.

HTX đang mở rộng hợp tác với các điểm du lịch nông nghiệp tại huyện Đơn Dương để tham gia chuỗi liên kết sản phẩm, trải nghiệm, giới thiệu mô hình tuần hoàn xanh đến với du khách

Điều đáng quý là HTX không chỉ là "một địa chỉ sản xuất", mà còn là nơi tạo sinh kế cho phụ nữ nông thôn, đặc biệt là các chị em khó khăn, mong muốn tự chủ tài chính. Những người từng rụt rè nay đã tự tin đứng ra sản xuất, học kỹ thuật và tham gia vào chuỗi giá trị chung. "Tôi không chỉ muốn khởi nghiệp cho riêng mình mà còn chia sẻ cho những chị em khác có cùng khát vọng", chị nói.

Vượt qua sự hoài nghi để thành công với mô hình nuôi trùn quế- Ảnh 9.

Các em học sinh cũng rất thích những buổi trải nghiệm thú vị này

Từ câu chuyện của bản thân, chị Tuyền rút ra bài học: Khởi nghiệp không cần phải bắt đầu từ điều gì quá to tát. Chỉ cần khởi đầu từ những việc mình am hiểu, điều mình thấy đau đáu, xót xa và kiên trì làm đến cùng.

"Hãy chọn khởi nghiệp bằng trái tim và trí tuệ. Bởi vì khởi nghiệp không chỉ để làm giàu cho mình, mà còn là cơ hội để làm giàu cho đất, cho người, cho cộng đồng", chị Tuyền tâm niệm.

Vượt qua sự hoài nghi để thành công với mô hình nuôi trùn quế- Ảnh 10.

Chị Tuyền trong một buổi hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình

Hiện nay, HTX đang mở rộng hợp tác với các điểm du lịch nông nghiệp tại huyện Đơn Dương để tham gia chuỗi liên kết sản phẩm, trải nghiệm, giới thiệu mô hình tuần hoàn xanh đến với du khách. Đồng thời hướng tới mục tiêu "mỗi hộ một vườn trùn" để mỗi người dân đều có thể góp một phần vào bảo vệ đất và phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Vượt qua sự hoài nghi để thành công với mô hình nuôi trùn quế- Ảnh 11.

Khách tham quan mô hình

"Hợp tác phát triển - Nông nghiệp xanh bền vững" không chỉ là khẩu hiệu, mà đã trở thành con đường rõ ràng của những người phụ nữ như chị Phạm Thị Thanh Tuyền. Họ lặng thầm gieo niềm tin vào đất, để mùa vụ mai sau lành hơn, xanh hơn và đẹp hơn.

Liên hệ: HTX Phụ nữ trùn quế Đơn Dương

Địa chỉ: Thôn Quảng Hoà, xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng

Số điện thoại: 0916208275

Link bán hàng: https://www.facebook.com/share/164E2xk3TB/

Tạo ra giá trị lớn từ mô hình nuôi trùn quế nhờ sự tâm huyết và bền bỉ

An Khê (thực hiện)

18/04/2025 11:46