Tết Trung thu rộn ràng ở các quốc gia châu Á

24/09/2018 - 13:46
Ở khắp nơi trên thế giới từ Trung Quốc, Nhật Bản đến Hàn Quốc, tất cả đang nô nức tổ chức Tết Trung thu. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, ngày Tết đặc biệt này có một ý nghĩa riêng, mang đậm nét văn hóa của từng dân tộc.
Hàn Quốc
 
Trung thu (Chuseok) là Tết truyền thống to nhất ở "xứ sở Kim chi", là dịp để các thành viên gia đình tụ họp cảm ơn và tưởng nhớ tổ tiên. Do đó, năm nay, 36,64 triệu người, chiếm gần 70% tổng dân số Hàn Quốc, đã di chuyển về quê để đón Tết Trung thu truyền thống với gia đình của mình.
 
chuseok-han-quoc-2.jpg
Trẻ em nhày múa

 

 
Chuseok - Lễ rằm tháng 8 ở Hàn Quốc kéo dài trong 3 ngày, là khoảng thời gian mọi người nghỉ ngơi và quây quần bên gia đình. Chuseok năm nay rơi vào ngày 24/9 theo lịch dương và người dân Hàn Quốc được nghỉ tới hết ngày 26/9. Dù con cái ở xa cũng phải quay về đoàn tụ cùng cha mẹ. Trong ngày lễ Chuseok, người Hàn sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo... để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên, còn trẻ em thì mặc trang phục truyền thống như người lớn, được vui chơi và ăn bánh Trung thu. Đây gọi là lễ cúng gia tiên Charye.
 
chuseok-han-quoc.jpg
Trung thu là ngày tưởng nhớ tổ tiên

 

 
Sau Charye, các gia đình đến viếng mộ tổ tiên của họ và tham gia nghi thức nhổ cỏ mọc trên gò chôn cất. Qua hoàng hôn, các gia đình và bạn bè đi dạo và ngắm vẻ đẹp của trăng tròn mùa thu hoạch hoặc chơi các trò chơi dân gian như Ganggangsullae (Điệu nhảy vòng tròn của Hàn Quốc).
 
ganggangsullae.jpg
Điệu nhảy vòng tròn của các thiếu nữ Hàn Quốc

 

Bánh trung thu Hàn Quốc gọi là Songpyeon, được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông, có hình trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt chứ không phải hình tròn hoặc vuông như bánh trung thu ở nhiều nước châu Á. Người Hàn Quốc quan niệm trăng khi tròn khi khuyết giống như cuộc đời của con người, luôn biến đổi để đạt đến hoàn mỹ. Ngày nay, loại bánh này không chỉ có màu trắng. Người ta đã biến tấu songyeon với nhiều màu sắc như hồng, tím, xanh và vàng, trông rất bắt mắt. Bánh được làm từ bột gạo có kích cỡ nhỏ hơn quả bóng gôn và có nhân là hạt vừng, đậu, đậu đỏ, hạt dẻ hoặc các nguyên liệu bổ dưỡng khác.
 
songpyeon-2.jpg
Bánh trung thu Hàn Quốc

 

Khi hấp songpyeon, bánh gạo được xếp lớp với lá thông để hấp thụ thêm hương thơm quyến rũ của lá thông. Vào đêm trước ngày lễ Chuseok, toàn gia đình tập trung cùng làm songpyeon. Ở Hàn Quốc, người ta quan niệm rằng cô gái nào làm ra những chiếc bánh Songpyeon vừa ngon vừa đẹp sẽ sớm tìm được "nửa kia" tuyệt vời; còn với những phụ nữ đã có gia đình thì sẽ sinh được bé gái rất xinh xắn.
 
Nhật Bản
 
trung-thu-o-nhat-4.jpg
Đèn lồng Nhật Bản

 

Trung thu ở Nhật Bản được gọi là Tsukimi hoặc Otsukimi (Lễ hội ngắm trăng). Tại lễ hội này, mọi người trong gia đình thường ngồi quây quần bên nhau nhâm nhi một chút trà, một chút bánh, cùng ngắm ánh trăng sáng, ngâm thơ và đối thơ trong tiết trời quang đãng, se lạnh của mùa thu.
 
trung-thu-o-nhat-3.jpg
Lễ hội ngắm trăng

 

Vào ngày Otsukimi, người Nhật thường bày bánh Tsukimi Dango theo hình tam giác trên một kệ gỗ, bên cạnh là bình cỏ susuki, sau đó đặt mâm bánh ở bất cứ nơi nào có thể ngắm trăng rõ nhất để vừa ăn bánh, vừa ngắm trăng. Còn trẻ em được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng cá chép để tham gia vào hội rước đèn. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai
 
trung-thu-o-nhat-2.jpg
Bánh Tsukimi Dango

  

Do thời gian này trùng với mùa vụ thu hoạch các loại cây trồng của người nông dân, để bày tỏ sự biết ơn ân đức đối với thiên nhiên đất trời, người Nhật thường dùng cỏ hoang, cây trồng và bánh Tsuki-Dango để dưới mặt đất để cúng mặt trăng. Bánh Tsukimi Dango là loại bánh được làm từ bột gạo, bánh tròn mềm với xốt mặn, ngọt đặc trưng, thường được xiên vào que tre và uống kèm trà xanh.
 
trung-thu-o-nhat-5.jpg
Tsukimi Dango dùng với trà đạo

 

Trung Quốc
 
Theo phong tục của người Hoa, Tết Trung thu còn gọi là tết đoàn viên. Đây là thời điểm mọi thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau. Bất cứ ai làm ăn xa xôi ở đâu, vào ngày này cũng trở về quê hương để gặp lại gia đình, họ hàng và cùng ăn bữa cơm đoàn viên. Sau bữa cơm ấm cúng này, các thành viên trong gia đình lại cùng nhau ngắm trăng và ăn bánh trung thu dưới ánh đèn lồng lung linh.
 
trung-thu-o-trung-quoc-2.jpg
Ấm áp Trung thu ở Trung Quốc

  

Người Trung Quốc thường treo lồng đèn trước cửa nhà và trên phố trong dịp này. Trong đêm rằm, người ta thả đèn trên sông, thả đèn lồng Khổng Minh lên trời để cầu may mắn, hạnh phúc đến với gia đình và người thân. Họ cũng có lễ rước đèn cho trẻ em, múa lân…
 
trung-thu-o-trung-quoc.jpg
Bánh Trung thu ở Trung Quốc

 

Bánh Trung thu của Trung Quốc thường có hình tròn, tượng trưng cho “đoàn viên”. Trên bề mặt bánh thường in các ký tự với ý nghĩa tốt lành. Gần như mỗi vùng miền lại có một phong cách, hình dáng và hương vị bánh khác nhau.
 
Thái Lan
 
trung-thu-o-thai-lan-1.jpg
Lễ cầu trăng ở Thái Lan

 

Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là “lễ cầu trăng”, tổ chức vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Trong đêm Trung thu ở Thái, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng. Mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất.
 
thai-lan.jpg
Bánh Trung thu Thái Lan làm nhân sầu riêng

 

Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu. Người Thái tin làm vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người.
 
trung-thu-o-thai-lan-2.jpg
Lễ hội thả đèn lồng trong ngày Trung thu ở Chiang Mai (Thái Lan)

 

Trong ngày này, người Thái cũng thường ăn bưởi - loại quả tượng trưng cho sự viên mãn, xum vầy và ngọt ngào. Ở Thái Lan, loại bánh Trung thu phổ biến nhất ở nước này là bánh nướng nhân sầu riêng cùng với 1-2 lòng đỏ trứng muối - tượng trưng cho mặt trăng tròn.
 
Malaysia
 
trung-thu-o-malaysia-1.jpg
Rước đèn Trung thu ở Malaysia

 

Vào dịp Tết Trung thu, người dân Malaysia tổ chức múa lân, múa sư tử và các hoạt động vui chơi giải trí được yêu thích khác. Ngoài ra, họ cũng thắp đèn lồng trong ngày này. Trong suốt mùa lễ hội, bánh Trung thu được bày bán ở hầu hết các quầy hàng. Báo chí và truyền hình cũng đều có nội dung hướng về ngày lễ truyền thống này.
 
trung-thu-o-malaysia-3.jpg
Đa dạng bánh Trung thu ở Malaysia

 

Bánh Trung thu ở Malaysia đặt sự sáng tạo lên hàng đầu. Do đó, hình dạng bánh ở quốc gia này rất đa dạng. Ngoài bánh truyền thống có hình tròn giống bánh trung thu theo phong cách Quảng Đông của Trung Quốc, bánh trung thu ở Malaysia còn có hình sò biển, bông hoa hoặc ngôi sao.
 
Phillipines
 
trung-thu-o-philippines.jpg
Lồng đèn nhiều thể loại

  

Tết Trung thu ở Philippines thường được tổ chức và lưu truyền bởi những người gốc Hoa sinh sống và làm việc tại nước bản địa. Trong ngày tết ngắm trăng, người Philippines tham gia vào một trò chơi có tên là Xúc xắc trung thu.
 
trung-thu-o-philippines-2.jpg
Bánh Trung thu Philippines

 

Những người gốc Hoa sống ở Philippines thường làm bánh rồi chia sẻ cho tất cả người thân, bạn bè và hàng xóm của mình. Bánh Trung thu ở Philippines thường được gọi là Hopia. Đây là những chiếc bánh nướng đơn giản, tuy không nhiều màu sắc hay hoa văn cầu kỳ nhưng cũng vô cùng hấp dẫn bởi phần nhân phong phú như đậu xanh, thịt lợn, khoai lang tím... Bánh độc đáo ở phần bột ngoài xếp lớp giòn giòn. Người ta có thể tự làm bánh thủ công tại nhà nếu có lò nướng. Khi bẻ đôi bánh, lớp bột bánh mỏng, để lộ phần nhân khá hấp dẫn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm