Thách thức cần tháo gỡ để ‘cán đích’ mục tiêu tăng số người tham gia BHXH tự nguyện

09/07/2019 - 11:24
Tính đến tháng 6/2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt hơn 405.000 người. Để đạt được mục tiêu đề ra cuối năm nay đạt hơn 450.000 người tham gia thì vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần tháo gỡ.

Ngày 08/6, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác thu BHXH, BHYT tháng 7/2019. Theo thống kê, đến tháng 6/2019, số người tham gia BHXH tự nguyện của cả nước là 405.695 người, đạt 82,7% kế hoạch giao.

Trong 1 tháng, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng hơn 42.000 người so với tháng 5/2019. Một số tỉnh, thành phố phát triển được nhiều đối tượng tham gia BHXH trong 6 tháng đầu năm 2019 như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Sơn La, Hà Nội. Có thể thấy, đây là con số đáng mừng, cho thấy được tốc độ phát triển đối tượng tham gia đã cải thiện hơn những năm trước; đồng thời người dân đã phần nào nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia BHXH để có chỗ dựa an sinh khi về già.

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH ban hành kế hoạch số 2276/KH-BLĐTBXH về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2019. Mục tiêu kế hoạch tốc độ gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm sau so với năm trước ít nhất bằng 50%.

Phấn đấu đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 450.000 người (tăng hơn 200.000 người so với năm 2018).

 

lao-dong-di-cu.jpg
Ảnh minh họa

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, “dư địa” để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là rất lớn, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức, lao động di cư. Những đối tượng lao động này có đủ điều kiện về thu nhập, về kinh tế để tham gia BHXH tự nguyện, nhưng trên thực tế số lượng người tham gia còn rất hạn chế. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng – GFCD, lao động khu vực phi chính thức tại Việt Nam vào khoảng 18 triệu người, chiếm 57,2% tổng số lao động cả nước (không bao gồm lao động trong khu vực hộ nông nghiệp). Có tới 97,9% số lao động khu vực này không có BHXH. Thu nhập bình quân hằng tháng của lao động khu vực phi chính thức khoảng 4,4 triệu đồng/tháng.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, từ nay đến hết năm 2019, để hoàn thành các chỉ tiêu thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT vẫn đặt ra không ít khó khăn. Vì vậy, BHXH các địa phương, ngành Bưu điện và các đơn vị liên quan cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó bám sát và quyết liệt thực hiện trong 06 tháng cuối năm 2019. BHXH tỉnh tập trung tổ chức hội nghị tuyên truyền, đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, tiếp tục rà soát, giao chỉ tiêu bổ sung về phát triển đối tượng cho các đơn vị, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Theo nhiều chuyên gia, thực tế hiện nay vẫn chưa có một cuộc điều tra, khảo sát quy mô lớn để tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của lao động di cư với các chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt là chưa thu thập các ý kiến, phản hồi của lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ với các chính sách về BHXH tự nguyện khiến họ chưa thực sự mặn mà với loại hình bảo hiểm này để có giải pháp căn cơ.

Việc người dân tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế, nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa hiểu đầy đủ về chính sách; đồng thời mức thu nhập còn thấp và không ổn định; nhiều người chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già. 

Ngoài ra, qua khảo sát, bà Trần Thị Hồng, chuyên gia nghiên cứu giới và an sinh xã hội, cho biết: Lao động nữ di cư khó tiếp cận an sinh xã hội còn có nguyên nhân từ các quy định pháp luật. Ví dụ, nhiều chính sách an sinh xã hội chủ yếu quy định theo hộ khẩu thường trú, khiến họ ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản. Muốn mua BHYT, người lao động cần có sổ đăng ký tạm trú và văn bản đồng ý của chủ nhà. Họ chỉ có thể mua BHYT tự nguyện khi chủ nhà cũng mua.

Bà Trần Thị Hồng khuyến nghị, cần điều chỉnh việc quản lý người dân thông qua hộ khẩu bằng việc quản lý qua thẻ căn cước công dân; qua đó tạo thuận lợi cho lao động nữ di cư tiếp cận các chính sách an sinh này.

Đồng thời sửa đổi các chính sách BHXH tự nguyện cho hấp dẫn hơn với lao động nữ di cư. Hai chế độ rất được lao động nữ di cư quan tâm là thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, nhưng lại không có, nên họ không muốn tham gia.

Cạnh đó, các chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên hay đột xuất, chưa có chính sách dành riêng cho người tạm trú ngắn hạn như lao động nữ di cư.

 

pho-hang-rong-20.jpg
Có tới 97,9% số lao động khu vực phi chính thức, lao động di cư không có BHXH
 

Mức đóng BHXH tự nguyện từ 1/1/2019:

Số phải đóng = Mức thu nhập x 22% (có nhiều mức đóng theo khả năng thu nhập). Trong đó mức đóng được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:

 Diện Hộ nghèo: Ngân sách hỗ trợ 30% của 22% mức thu nhập hàng tháng của người tham gia BHXH TN.

 Hộ cận nghèo: Ngân sách hỗ trợ 25% của 22% mức thu nhập hàng tháng của người tham gia BHXH TN.

 Các đối tượng khác: Ngân sách hỗ trợ 10% của 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Riêng người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vượt chuẩn nghèo được hỗ trợ tham gia BHXH TN như chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, thời gian hỗ trợ là 12 tháng kể từ ngày địa phương xác nhận hộ vượt chuẩn. Sau 12 tháng, người tham gia được hỗ trợ như các đối tượng khác, thời gian hỗ trợ được tính tiếp theo thời gian đã được hỗ trợ diện hộ vượt chuẩn và tồng thời gian hỗ trợ không quá 10 năm (120 tháng).

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm