pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tham vọng xóa nỗi sợ mang tên “nhà vệ sinh công cộng”
Một trong những nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam được lắp đặt tại TP.HCM
"Ngại" vào nhà vệ sinh công cộng
Chị Thu cho biết: "Khi vào nhà vệ sinh công cộng trên phố Yết Kiêu, tôi không còn nỗi sợ ấy nữa. Nhà vệ sinh tuy nhỏ nhưng có nhân công trực và dọn dẹp khá sạch sẽ. Tôi mong trong thời gian tới, các nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội cũng như trên cả nước được nâng cấp, sạch sẽ, để mỗi người dân không phải đắn đo khi bước vào".
Chị Ngô Mỹ Uyên, một người sống ở Nhật Bản nhiều năm, chia sẻ: "Gần như ai đến Nhật Bản cũng đều ấn tượng bởi hệ thống toilet công cộng từ nhà ga sân bay đến các công viên, siêu thị, hay những địa danh thắng cảnh và cả trên đường phố. Khi về Việt Nam, tôi nhận thấy chỉ có một số nơi có hệ thống nhà vệ sinh tốt còn nhà vệ sinh công cộng trên đường phố, trong công viên... vẫn chưa được quan tâm. Hy vọng các cơ quan có thẩm quyền, các chủ đầu tư sẽ lưu ý hơn đến vấn đề nhà vệ sinh công cộng khi quy hoạch, xây dựng công trình. Cùng với đó, người dân cần được tuyên truyền để có ý thức tốt hơn đối với vệ sinh công cộng".
Mong muốn có một "nền văn minh nhà vệ sinh"
Từ quan niệm "công trình phụ" trong gia đình của thời xưa thì nay, nhà vệ sinh đã được chú ý, thậm chí xem như một tiêu chí để thể hiện ngôi nhà có đẹp không. Không ít gia đình đã áp dụng công nghệ để biến không gian này thành một trong những nơi thư giãn. Nhưng với toilet công cộng ở Việt Nam thì cho đến giờ, nó vẫn chỉ là chuẩn tối thiểu, đôi khi do thiếu ý thức, cái "tối thiểu" đó cũng không được thực hiện.
Theo ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, Trưởng đại diện tổ chức World Toilet tại Việt Nam, tại các công viên, tuyến phố, bãi biển, nhà vệ sinh đang thiếu một cách trầm trọng. Ví dụ, công viên Phú Cường thuộc phường Chánh Nghĩa, tỉnh Bình Dương, có diện tích gần 5.000m2 nhưng chỉ có một khoang nhà vệ sinh, không đảm bảo chất lượng vệ sinh, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân vào các buổi tập thể dục, đi bộ. Nhiều du khách nước ngoài khi đến Việt Nam muốn đi vệ sinh mà không tìm được nhà vệ sinh nên đành phải vào nhà dân đi nhờ. Hoặc có những công viên lớn nhưng nhà vệ sinh quá sâu trong góc xa, dẫn đến tình trạng không đảm bảo khi người dân sử dụng.
"Hiệp hội mong muốn chúng ta sẽ có một nền văn minh nhà vệ sinh thật hiện đại, tối tân, sạch sẽ, bảo đảm diệt khuẩn, bảo đảm thoải mái khi dùng, bảo đảm một đội ngũ quản lý vận hành nhân văn, có ý thức, đạo đức nghề nghiệp, để lan tỏa khắp cộng đồng về môi trường nhà vệ sinh nhân văn", ông Lê Văn Hiệp nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, vừa qua, Hiệp hội đã thực hiện thành công giải pháp "Nhà vệ sinh cảm biến diệt khuẩn UV và phun sương siêu âm điện phân từ muối", tài trợ cho các bệnh viện dã chiến ở nhiều tỉnh/thành. Hiệp hội đã vận động gần 17 tỷ đồng bằng các sản phẩm thiết yếu, trong đó có các sản phẩm nhà vệ sinh diệt khuẩn để đặt trong các trung tâm, bệnh viện cách ly, bệnh viện dã chiến... và nhận được hiệu ứng rất tích cực.
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm nòng cốt của tổ chức Hội LHPN trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ, phát huy vai trò của người phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010, Hội LHPN Việt Nam đã xác định hưởng ứng phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trọng tâm bằng Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Từ 2010 đến nay, các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ hơn 1,2 triệu hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn xây công trình nước sạch và nhà vệ sinh, trong đó nguồn dự án CHOBA (Dự án cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ) là 150.000 nhà vệ sinh.
Từ năm 2013, ngày 19/11 được Liên Hiệp Quốc (LHQ) chọn là ngày Toilet thế giới. Đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của nhà vệ sinh đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe con người. Ngày Toilet thế giới cũng là một động thái nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng vệ sinh toàn cầu, để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững số 6 về nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030. Hiện vẫn còn 3,6 tỷ người trên thế giới chưa được sử dụng nhà vệ sinh đảm bảo các tiêu chí an toàn cho sức khỏe hoặc đi vệ sinh ở ngoài trời.