Tháng cao điểm truyền thông phòng chống bệnh bạch hầu trong hội viên, phụ nữ

PV
15/07/2024 - 19:37
Tháng cao điểm truyền thông phòng chống bệnh bạch hầu trong hội viên, phụ nữ

Ngành y tế các địa phương lên kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: VGP

Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam vừa có công văn về việc tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh bạch hầu trong các cấp Hội và hội viên, phụ nữ.

Ngày 15/7/2024, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh thay mặt Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam ký công văn số 3762/CV-GĐXH gửi Ban thường vụ Hội LHPN các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh bạch hầu.

Theo đó, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề nghị Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị tổ chức ngay đợt cao điểm truyền thông trong các cấp Hội và hội viên, phụ nữ từ ngày 15/7 đến 15/8 về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Công tác truyền thông được thực hiện trên các kênh tuyên truyền của Hội (nhóm zalo, fanpage, trang thông tin, báo Hội, kết hợp trong các buổi truyền thông cộng đồng...).

Nội dung cần tuyên truyền rộng rãi triệu chứng, đường lây truyền của bệnh. Vận động hội viên, phụ nữ và cộng đồng khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Các gia đình cần theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của con em, đặc biệt thời điểm học sinh quay trở lại trường học sau kì nghỉ hè.

Các cấp Hội tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của ngành Y tế như: tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ và đúng lịch; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; đeo khẩu trang đúng cách; giữ vệ sinh cá nhân; giữ gìn vệ sinh ăn uống, vệ sinh nhà cửa; hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh...

Các cấp Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình lây lan của bệnh, nhất là trên địa bàn sinh sống; chủ động giám sát, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh và đề nghị xử lý, không để tình trạng lơ là mất cảnh giác dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch.

Các cấp Hội chủ động phối hợp với ngành y tế địa phương trong công tác tuyên truyền tới cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bùng phát liên quan.

Công văn cũng đề nghị các cấp Hội phản ánh kết quả triển khai hoạt động phòng, chống bệnh bạch hầu trong báo cáo nhanh (khi có yêu cầu) và báo cáo hàng tháng gửi về Văn phòng TW Hội LHPN Việt Nam để theo dõi và phục vụ công tác chỉ đạo.

[Công văn số 3762/CV-GĐXH về tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh bạch hầu]

* Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm và lây lan qua đường hô hấp. Thời gian qua, trên địa bàn một số tỉnh đã xuất hiện các ca mắc bệnh bạch hầu, trong đó đã có trường hợp tử vong. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 13/7/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Tháng cao điểm truyền thông phòng chống bệnh bạch hầu trong hội viên, phụ nữ- Ảnh 1.

Bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm với người tiếp xúc gần với bệnh nhân tử vong vì bạch hầu ở xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: SKĐS

Triệu chứng của bệnh bạch hầu

Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm: đau họng (85% - 90%), sốt nhẹ và ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, viêm hạch cổ thành hình ảnh cổ bạnh to.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có chảy dịch mũi huyết thanh hoặc mủ, giả mạc lan lên lỗ mũi sau.

BS Nguyễn Trung Cấp lưu ý những diễn biến trầm trọng do bệnh bạch hầu gây ra, như: viêm cơ tim, tổn thương thận thường xảy ra sau khi mắc bệnh 1-2 tuần - khi các triệu chứng ở hầu họng có thể đã giảm.

Những người chưa có miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, bao gồm: trẻ em chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vaccine hoặc người đã được tiêm vaccine nhưng vaccine không còn hiệu lực bảo vệ.

Tác dụng bảo vệ của vaccine phòng bệnh bạch hầu kéo dài ít nhất 10 năm. Sau 10 năm, hiệu quả bảo vệ có thể giảm dần, khi hiệu lực bảo vệ giảm thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh, do vậy người dân nên tiêm nhắc lại với vaccine bạch hầu.

Nếu xác định bệnh nhân bị bạch hầu thì cần phải cách ly, để tránh lây lan cho người khác. Tốt nhất là đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị các triệu chứng, vì người mắc bạch hầu được điều trị kháng sinh sớm, sẽ có cơ hội giảm được nguy cơ diễn biến nặng.

Nếu tự cách ly, không theo dõi giám sát, khi biến chứng nặng và muộn, sẽ nhiễm độc toàn thân, khi đó, thuốc kháng bạch hầu không có tác dụng.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh là 10 - 20%, cao hơn Covid-19, nhất là những người chưa được tiêm chủng.

Theo các chuyên gia, nguy cơ lây nhiễm của bạch hầu thấp hơn so với Covid-19, do đó khả năng gây đại dịch thấp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm