pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thanh toán không dùng tiền mặt: Bước tiến mới nhân đôi lợi ích cho khách hàng và cán bộ TYM
Chị Phạm Thị Mỹ Hà (phải), cán bộ kỹ thuật TYM Chi nhánh - thành phố Nam Định, hướng dẫn thành viên/khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt trên điện thoại di động. Ảnh: PVH
Gia tăng trải nghiệm của khách hàng, tăng năng suất lao động
Giữa trưa hè nắng gắt, chị Phạm Thị Mỹ Hà, cán bộ kỹ thuật của TYM - Chi nhánh thành phố Nam Định, tất tả chạy về khu phố Hàng Cấp (phường Trần Hưng Đạo), nơi các thành viên vay vốn của TYM đang làm quen với App (ứng dụng) của ngân hàng trên điện thoại di động. Chị tỉ mẩn hướng dẫn thành viên từng bước nạp tiền vào tài khoản, hay chuyển tiền; căn dặn thành viên giữ số dư tối thiểu trong tài khoản vào ngày nộp tiền trả gốc, lãi theo tuần hoặc tháng để hệ thống trừ tự động.
Chị Mỹ Hà hiện quản lý 14 cụm của 12 phường với 683 thành viên và khách hàng của TYM. Nhiều người có tuổi, ngại thay đổi thói quen dùng tiền mặt, nên việc vận động họ thay đổi suy nghĩ, tiếp nhận công nghệ là cả chặng đường còn rất gian nan. Sau khi được cán bộ TYM hướng dẫn, bà Phan Thị Liên, tiểu thương ngụ ở phố Hàng Cấp, giơ điện thoại lên khoe: "Giờ tự thao tác chuyển tiền bằng App trên điện thoại, không cần dùng tới tiền mặt đi giao dịch trực tiếp, quả là tiện lợi". Mặc dù là tiểu thương, giao dịch mua bán rất nhiều nhưng bà Liên tự nhận rất ngại tìm hiểu công nghệ, chỉ sợ chuyển nhầm, bị mất, nên mấy chục năm nàychỉ dùng tiền mặt cho an toàn.
Bà Liên tham gia TYM từ những ngày đầu với số vốn vay 50 triệu đồng để mở rộng kinh doanh. Trước đây, cứ đến ngày hoàn trả hàng tuần, bà lại tạm đóng sạp hàng, trực tiếp đến tận cụm (PV: là địa điểm giao dịch tại địa phương của TYM) để trả tiền gốc, lãi vay, đóng tiết kiệm, vừa bất tiện lại mất buổi chợ. "Bây giờ có cán bộ TYM cầm tay hướng dẫn từng bước, bản thân tôi mới thực sự yên tâm và dần có thói quen thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt", bà Liên nói.
Mới đây, TYM và 13 Hội LHPN các tỉnh/thành phố đã tiến hành ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022-2026. Trong 7 nội dung ký kết, về Thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện, trong đó nêu rõ nội dung phối hợp với các ngân hàng thương mại để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với thành viên TYM.
Cụm 47 Nguyễn Tri Phương (phường Văn Miếu, thành phố Nam Định) có 38 thành viên vay vốn từ TYM. Cụm trưởng Đỗ Thị Thủy Vân cho biết: "Khi dịch Covid-19 vẫn còn căng thẳng, chị em đến hoàn trả, đóng tiết kiệm phải trang bị khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay cao su kín bưng; tiền cũng phải xịt khuẩn đến ướt nhẹp. Thậm chí, càng bất tiện hơn khi có khách hàng bị cách ly, phải xịt khuẩn tiền rồi thả từ trên tầng cao xuống". Bà Thuỷ Vân cho biết, từ ngày thực hiện hoàn trả, đóng tiết kiệm hàng tuần hoặc tháng qua ứng dụng ngân hàng, thay vì phải đến trực tiếp, ngân hàng sẽ trừ tự động trên tài khoản cá nhân của chị em, vừa thuận tiện lại đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Hiện nay, cán bộ kỹ thuật Phạm Thị Mỹ Hà đang là "quán quân" vận động được 130/683 thành viên và khách hàng chuyển đổi hình thức trả lãi vốn vay của TYM và gửi tiết kiệm thông qua dịch vụ thu hộ, chi hộ của ngân hàng. Thành viên, khách hàng không thanh toán bằng tiền mặt đồng nghĩa cán bộ kỹ thuật sẽ tiết giảm được thời gian chờ đợi thành viên đến thanh toán và làm các thủ tục trực tiếp như trước đây.
Chị Mỹ Hà nhẩm tính, kế hoạch tự bản thân đặt ra đến hết năm 2022 là vận động được hơn 30% thành viên dùng app; đồng nghĩa chị tiết giảm được nhiều thời gian đi thu tiền so với trước đây; đặc biệt là giảm lượng tiền mặt cán bộ mang theo người, đảm bảo an toàn hơn. "Thành viên sử dụng công nghệ, thanh toán không dùng tiền mặt càng nhiều hơn thì cán bộ lại có thêm nhiều thời gian để đi thẩm định, hoàn thiện hồ sơ vay vốn, mở rộng cho vay với các đối tượng mới", chị Mỹ Hà chia sẻ.
Kinh nghiệm 4 bước triển khai thanh toán không dùng tiền mặt
Cuối tháng 3/2022, TYM - Chi nhánh thành phố Nam Định và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Bắc Nam Định đã ký kết thỏa thuận về việc cung cấp và sử dụng dịch vụ thu hộ, chi hộ. Theo đó, các thành viên TYM nếu có nhu cầu có thể đăng kí trả gốc, lãi vốn vay của TYM và gửi tiết kiệm thông qua tài khoản ngân hàng thay vì thực hiện các giao dịch bằng tiền mặt như thông thường từ ngày 01/4/2022.
Bà Ngô Thị Nga, Giám đốc TYM Chi nhánh thành phố Nam Định, cho biết: Qua 3 tháng triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt thông qua sử dụng dịch vụ ngân hàng thu hộ, chi hộ, đến nay đã có 685 thành viên và khách hàng TYM nơi đây sử dụng dịch vụ này. Kế hoạch của chi nhánh là đến hết năm 2022 con số này sẽ đạt 1.500 người. Đến cuối năm 2024, chi nhánh phấn đấu có 60% thành viên và khách hàng sử dụng dịch vụ và thanh toán không dùng tiền mặt.
Khó khăn hiện nay là phần lớn khách hàng TYM vẫn là những người có tuổi, buôn bán nhỏ lẻ, làm nghề tự do. Họ chậm làm quen với các ứng dụng công nghệ để thanh toán, giao dịch. Qua thời gian thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt, trước mắt, các cán bộ TYM phải dành nhiều thời gian, công sức hơn để vận động, tư vấn và hướng dẫn thành viên sử dụng App của ngân hàng để thanh toán. Tuy vậy, hiệu quả của việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng rõ rệt hơn. Chỉ cần một nửa số thành viên mỗi cụm đóng tiền qua tài khoản thì sẽ giúp tiết giảm một nửa thời gian thu tiền tại các cụm của cụm trưởng và cán bộ TYM. Đặc biệt, dịch vụ thu hộ, chi hộ qua ngân hàng cũng tạo ra sự minh bạch, tăng sự chính xác khi các thành viên đóng tiền trực tiếp qua tài khoản với số tiền, ngày giờ giao dịch rõ ràng, không nhầm lẫn.
Theo bà Ngô Thị Nga, quá trình triển khai thí điểm chương trình thanh toán qua dịch vụ ngân hàng thu hộ, chi hộ cho thấy có 4 nội dung quan trọng cần chú ý:
Trước tiên tổ chức TCVM cần thay đổi tư duy của cán bộ. Trong thời gian đầu triển khai, cán bộ sẽ áp lực, thêm nhiều việc hơn khi phải vừa vận động, vừa hướng dẫn… sẽ khiến lực lượng này phải vất vả, làm ngoài giờ nhiều hơn. Cán bộ cần hiểu được đây là khó khăn trước mắt, nhưng đem lại lợi ích lâu dài. Từ đó cán bộ vận động thành viên/khách hàng thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, tiếp cận với công nghệ trong giao dịch.
Thứ 2, tổ chức TCVM cần căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để có những bước triển khai phù hợp và hiệu quả nhất của chương trình thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ 3, tổ chức TCVM cần quan tâm thương thảo với đối tác ngân hàng trong dịch vụ ngân hàng thu hộ, chi hộ để 2 bên "khớp với nhau" trong quy trình thu - chi phù hợp với đặc thù của từng bên.
Thứ 4, chương trình có thành công hay không quan trọng nhất là tạo được sự đồng lòng, thống nhất của tập thể, từ Ban quản lý Chi nhánh đến từng cán bộ và các thành viên/khách hàng cùng quyết tâm vượt khó trong giai đoạn chuyển đổi từ cách làm cũ, sang ứng dụng công nghệ số. Vì vậy, chi nhánh cần có một kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và thành viên trên địa bàn; cùng với đó phải rà soát các nhóm khách hàng và có kế hoạch triển khai cụ thể; thường xuyên cập nhật những khó khăn thực tế để cùng tháo gỡ; cũng như giao chỉ tiêu hỗ trợ thành viên chuyển đổi dịch vụ để tạo sự thi đua trong chính các cán bộ, có đề xuất khen thưởng kịp thời.
Giám đốc Chi nhánh TYM - thành phố Nam Định cũng bày tỏ tin tưởng rằng việc chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần giảm các phần việc thủ công, tăng năng suất lao động của cán bộ TYM. Nhờ đó, mỗi cán bộ TYM có nhiều thời gian hơn nữa để mở rộng, phát triển số lượng thành viên/khách hàng ở những khu vực còn nhiều tiềm năng như các khu công nghiệp, các doanh nghiệp.