Thoát nghèo từ ‘giấc mơ rác thải nhựa’

21/09/2019 - 10:38
Trước đây, người thân vẫn bảo chị Nguyễn Thị Yến, (xã Tân Thành, huyện Vu Bản,Nam Định) viển vông khi luôn ước mơ có một xưởng thu mua và tái chế chai nhựa nhưng đến nay, vượt qua bảo trở ngại, giấc mơ ấy đã thàn hiện thực, giúp chị thoát nghèo và có cuộc sống vững vàng hơn.

Chị Nguyễn Thị Yến, sinh năm 1992, là thành viên Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) – chi nhánh Ý Yên, Nam Định, phòng Giao dịch 2 – huyện Vụ Bản, chia sẻ: 'Gia đình tôi trước đây là hộ thuần nông nghèo của xã, thu nhập chỉ dựa vào cấy 4 sào lúa và lạc. Năm 2010, gia đình khó khăn nên chị nghỉ học sau khi học xong cấp 3 và lập gia đình. Hai vợ chồng trẻ mới cưới rất khó khăn nên vợ chồng chị được người chị họ tạo điều kiện nhận làm thuê tại xưởng thu mua và xử lý sơ – tái chế vỏ chai nhựa. Trong quá trình làm việc tại đây, chị luôn ấp ủ mơ ước có thể có đủ kinh nghiệm, đủ vốn để tự mình mở xưởng thu mua tái chế vỏ chai nhựa. Mặt khác, nếu chuyển về nhà làm, thì rất  thuận lợi để vừa làm vừa chăm 2 con nhỏ; đồng thời tạo thêm việc làm cho nhiều người trung tuổi ở quê.

Từ năm 2016, từ nguồn vốn tự có và hỗ trợ từ người thân và một số nguồn khác, vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư mua máy móc để mở xưởng thu mua và sơ – tái chế vỏ chai nhựa tại nhà. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh nên gia đình thường xuyên thiếu vốn nhất là vốn để thu mua phế liệu.

Không chỉ vậy, khi mới mở xưởng nguồn vốn rất khó khăn, đi vay không ai cho vay. Thậm chí, nhiều người còn nghĩ rằng, việc buôn bán của gia đình chị là viển vông. Không nản chí, chị và chồng phải động viên thuyết phục gia đình, huy động từ bạn bè anh em và vay thêm vốn bên ngoài.

Khi bắt đầu thành lập, xưởng của chị hoạt động với quy mô nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn. Công việc mới, công nhân mới, tốc độ bóc tách, phân loại nhựa, chuyển ra máy làm sạch, máy nghiền còn chậm chưa đạt chỉ tiêu. “Chúng tôi đã lên kế hoạch đào tạo hướng dẫn cho họ từ công đoạn bóc tách tem mác, phân loại chai nhựa rồi mới được đưa vào xử lý làm sạch, cho vào máy nghiền… Chúng tôi cũng cố gắng thường xuyên học hỏi công nghệ mới để về áp dụng cho xưởng của mình. Dần dần, xưởng cũng hoạt động ổn định”, chị Yến nhớ lại.

Câu chuyện nguồn vốn thiếu hụt để đầu tư, vẫn là điều luôn khiến chị lo lắng nhất. Số vốn tích lũy ban đầu đã được chị sử dụng để đầu tư mua sắm máy móc, sửa chữa lán xưởng sản xuất. “Xưởng của chúng tôi thường xuyên gặp khó khăn trong việc có đủ vốn để thu mua nguyên liệu vỏ chai nhựa phục vụ cho quá trình chế biến sản xuất”.

Trong lúc khó khăn đó, năm 2016, chị được cán bộ TYM giới thiệu và vận động tham gia vay vốn với thủ tục nhanh gọn, gốc và lãi vay được chia nhỏ trả dần lại không cần tài sản thế chấp. Sau khi cân nhắc và bàn bạc với chồng, chị đã vay được số vốn ban đầu là 15 triệu đồng để có thể nhập đủ nguyên liệu sản xuất cần thiết. Sau đó, mức vốn tăng dần mỗi năm và ổn định, chị đều tiếp tục vay của TYM để đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất của gia đình nhằm đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn hơn, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

 

tym.jpg
Chị Nguyễn Thị Yến tại xưởng thu mua, tái chế rác thải nhựa của gia đình ở xã Tân Thành (huyện Vu Bản, Nam Định)

 

“Nguồn vốn đến với mình lúc khó khăn nhất thì sẽ luôn có ý nghĩa và quý giá nhất. Nguồn vốn đầu tiên vay từ TYM, 15 triệu đồng, chị đã sử dụng và chia các khoản tiền với các mục đích khác nhau, một phần làm vốn lưu động thu mua phế liệu nhựa; một phần chi trả cho công nhân; một phần sửa chữa máy móc…”, chị Yến nói.

Năm 2017, chị tiếp tục mạnh dạn xin vay vốn đầu tư tại TYM với mức 50 triệu đồng và cho đến nay là 100 triệu để tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất của mình. Cũng từ đây,chị hình thành được thói quen tiết kiệm, chi tiêu và quản lý sổ sách kinh doanh của mình một cách hợp lý, khoa học hơn. Đồng thời được hỗ trợ, tư vấn làm thế nào để có nguồn hoàn trả tuần đều đặn, được các chị em trong cụm chia sẻ trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế thông qua buổi sinh hoạt cụm, gia đình tôi đã hoàn thành việc hoàn trả vòng vốn vay đầu tiên.

Tuy vậy, nếu thu mua rồi phân loại thô và xuất bán thì lợi nhuận không cao. Vì vậy, cơ sở của chị không chỉ dừng lại ở việc phân loại vỏ chai nhựa phế liệu mà còn làm sạch, nghiền nhỏ rồi xuất bán cho các cơ sở chế biến lớn mang lại giá trị cao hơn. Nhờ đó, hiện nay gia đình đã có xưởng rộng hơn 500m2 với 7 lao động địa phương làm việc thường xuyên có mức lương 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng.

“Đến cuối năm 2019, tôi sẽ mở rộng diện tích xưởng sản xuất lên 1.500 mét vuông, tiếp tục đầu tư mua thêm 1 số máy móc để có dây chuyển sản xuất với 6 máy và 10 công nhân. Bản thân tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thị trường và những người có kinh nghiệm về kinh doanh nhựa để học hỏi cải tiến sản xuất sản phẩm đầu ra cũng như đa dạng hóa nguyên liệu đầu vào nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trên thị trường”, chị Yến cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm