Thủ phạm gây thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ

14/08/2015 - 08:00
Mất máu trong dịp “đèn đỏ”, dinh dưỡng không đầy đủ, nhiễm giun móc đều là những nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ.
Dấu hiệu báo động khi cơ thể thiếu máu thiếu sắt
Thiếu máu thiếu sắt là những bệnh lý chưa được người bệnh quan tâm đúng mức. Bệnh ở mức độ nặng hay nhẹ cũng đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ. Thiếu máu thiếu sắt ở giai đoạn nhẹ biểu hiện ban đầu chỉ là da kém hồng hào, hay mệt mỏi, chóng mặt, kém tập trung, giảm trí nhớ. Nặng hơn bệnh sẽ có những biểu hiện như: Cơ nhão, tim đập nhanh, khó thở khi gắng sức, niêm mạc mắt, lợi và da lòng bàn tay nhợt nhạt, móng tay dẹt, hình thìa, tóc hay rụng; năng suất lao động bị suy giảm rõ rệt.


Tóc hay rụng, móng tay dẹt, hình thìa, lợi và da lòng bàn tay nhợt nhạt… là biểu hiện của thiếu máu thiếu sắt
Những nguyên nhân phổ biến
Việc mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ ngày càng tăng cao. Trong một chu kỳ “nguyệt san”, lượng máu mất đi vào khoảng 40-60ml, tương đương với 2-4mg sắt/ngày bị mất. Các bạn nữ còn có triệu chứng rong kinh-rong huyết trong vài năm đầu của chu kỳ kinh (ngày có kinh kéo dài, lượng máu ra nhiều); khi đó lượng sắt bị mất đi còn nhiều hơn. Chính vì thế mà nhu cầu về sắt của nữ ở độ tuổi này ở mức 12-24mg/ngày, cao hơn nhiều so với nam giới, trong khi lượng sắt dự trữ trong cơ thể rất ít, chỉ ở mức 2,5g (lượng sắt dự trữ ở nam giới là 4g). Do đó, thiếu máu thiếu sắt rất dễ xảy ra đối với phụ nữ.

Một nguyên nhân khác là chế độ dinh dưỡng của nhiều người còn... nghèo sắt. Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế, lượng sắt được cung cấp từ khẩu phần ăn hằng ngày của người Việt Nam chỉ đáp ứng được 30%-50% nhu cầu. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam thường nói bữa ăn là bữa cơm bởi vì cơm là món chủ đạo trong thực đơn bên cạnh các món rau và món ăn khác. Với suy nghĩ “ăn cơm chắc bụng”, hầu hết người dân chỉ quan tâm đến việc cung cấp cho cơ thể nhiều tinh bột và chất xơ mà không biết rằng để cơ thể phát triển khoẻ mạnh, còn cần tới các vi chất dinh dưỡng khác, bao gồm nhóm vitamin và nhóm nguyên tố khoáng, trong đó có vi chất sắt.


Do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt, quan niệm sai lầm về chế độ dinh dưỡng, tỉ lệ nhiễm giun móc cao nên thiếu máu, thiếu sắt xảy ra nhiều và nghiêm trọng hơn ở phụ nữ

Ngoài ra, bữa ăn của người Việt không chỉ thiếu các thực phẩm giàu sắt mà còn có nhiều chất ức chế hấp thu sắt như đậu, măng... Vì vậy, việc thiếu sắt trong cơ thể là không thể tránh khỏi. Đó là chưa kể đến các hình thức đun nấu các loại thực phẩm chứa chất sắt quá lâu cũng làm mất đi đáng kể nguồn dưỡng chất này.

Bên cạnh 2 nguyên nhân trên thì tỉ lệ nhiễm giun móc cao do môi trường, điều kiện sống kém vệ sinh cũng đang là yếu tố làm tăng tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ. Ấu trùng giun móc khi vào cơ thể người sẽ hút các chất dinh dưỡng, làm tổn thương màng ruột, gây thiếu máu kéo dài dẫn đến thiếu sắt, thiếu máu nhược sắc. Khi hút máu, giun còn tiết ra chất chống đông máu, làm máu chảy nhiều, dẫn đến thiếu máu nặng. Nhiều trường hợp bị nhiễm giun móc nặng, hồng cầu chỉ còn dưới 1 triệu dẫn đến phù toàn thân, liệt tim và tử vong.

Chủ động bổ sung sắt - phòng bệnh hơn chữa bệnh

Chủ động bổ sung sắt là cách tốt nhất để bạn đẩy lùi nguy cơ thiếu máu thiếu sắt. Trước tiên, bạn cần cung cấp cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày bên cạnh tinh bột và chất xơ. Lưu ý một số thực phẩm giàu chất sắt như mộc nhĩ, nấm hương, thịt gà tây, thịt bò, cá, nghêu... Bên cạnh đó, bạn cũng cần tẩy giun định kì để phòng ngừa và bảo vệ cơ thể tránh khỏi các nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt.

Với các đối tượng dễ bị thiếu máu thiếu sắt như bé gái trong độ tuổi dậy thì và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, Bộ Y tế cũng khuyến nghị uống bổ sung viên sắt hằng tuần. Để phòng ngừa thiếu máu thiếu sắc hiệu quả, tốt nhất nên chọn chế phẩm sắt có bổ sung cả acid folic và vitamin B12 là những chất rất cần cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ mang thai và cho con bú. Trong quá trình uống sắt, bạn có thể bị táo bón. Đây là tác dụng phụ thông thường của các chế phẩm sắt. Tuy nhiên các chế phẩm chứa sắt dạng muối hữu cơ fumarate sẽ hạn chế tác dụng phụ này và cũng được cơ thể hấp thu tốt hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm