"Thủ tướng vĩnh cửu" của nước Đức

"THỦ TƯỚNG VĨNH CỬU" CỦA NƯỚC ĐỨC

Trong 16 năm tại vị, bà Angela Merkel được mệnh danh là "nhà lãnh đạo của thế giới tự do" và được coi là "thủ tướng vĩnh cửu" của nước Đức.

Di sản khó thay thế của Thủ tướng Đức Angela Merkel

Cách đây gần 16 năm, vào ngày 22/11/2005, sau cuộc tổng tuyển cử, bà Angela Merkel trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Đức. Khi đó, không một ai có thể ngờ rằng, bà sẽ bền bỉ điều hành đất nước và vị chính khách xuất thân từ Đông Đức này đã thực sự chinh phục cử tri. 16 năm cầm quyền, 4 nhiệm kỳ, chưa có một lãnh đạo Đức nào như bà bắt tay với nhiều đời tổng thống Pháp, gặp nhiều lãnh đạo cường quốc thế giới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin hay nhiều đời Tổng thống Mỹ từ Georges W. Bush, Barack Obama, cho đến Donald Trump và giờ là Joe Biden.

"THỦ TƯỚNG VĨNH CỬU" CỦA NƯỚC ĐỨC - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Angela Merkel tại Nhà Trắng ngày 15/7/2021. Ảnh: AP

Đâu là bí quyết của sự trường tồn quyền lực đó, tại một quốc gia tự do dân chủ? Những người ủng hộ nhận định bà Merkel là người có khả năng lãnh đạo ổn định, thực tế, góp phần đưa Đức vượt qua vô số cuộc khủng hoảng toàn cầu với tư cách một thủ tướng ôn hòa và thống nhất. Hiện nay, nước Đức đang ở trong một tình thế rất tốt với nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, ngân sách quốc gia cân bằng, mức độ an ninh cao và nạn thất nghiệp thấp kỷ lục dù đối mặt đại dịch toàn cầu Covid-19. Có thể thấy, thành tựu lớn nhất của bà Angela Merkel trong 16 năm tại vị chính là tỷ lệ việc làm tăng cao, đặc biệt đối với phụ nữ. Ông Oliver Rakau, nhà kinh tế học người Đức tại công ty tư vấn Oxford Economics, cho biết, ngày nay Đức có tỷ lệ lực lượng lao động nữ cao nhất trong số tất cả các nước G7 nhờ cải thiện hệ thống chăm sóc trẻ em.

Thủ tướng Angela Merkel đã có một sự nghiệp chính trị lừng lẫy. Khi từ giã chính trường, bà Merkel sẽ có một kỷ lục lãnh đạo nước Đức lâu tương tự như thành tích của ông Helmut Kohl, vị cha đỡ đầu cho sự nghiệp chính trị của bà, người nắm quyền nước Đức từ năm 1982 đến 1998. Tạp chí Mỹ Forbes đã nhiều lần vinh danh bà Angela Merkel là Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, là một trong những chính khách hàng đầu trên trường quốc tế và của châu Âu.

Trong 16 năm tại vị, bà Merkel được mệnh danh là "nhà lãnh đạo của thế giới tự do" và được coi là "thủ tướng vĩnh cửu" của nước Đức. Nhiều người tin rằng bà Merkel hoàn toàn có khả năng thắng cử thêm nhiệm kỳ thủ tướng thứ 5. Tuy nhiên, bà đã không làm điểu đó và tự nguyện rời nhiệm sở sau khi cuộc bầu cử thủ tướng Đức ngày 26/9 có kết quả.

16 năm qua, chính phủ cầm quyền của bà Merkel để lại một khoảng trống mà chưa thấy gương mặt nào thực sự sáng giá khả dĩ khỏa lấp. Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức đang rốt ráo tìm người kế vị bà Merkel. Ngày 26/9, 60 triệu cử tri Đức đi bầu cử hoặc chủ yếu gửi qua bưu điện phiếu bầu quốc hội. Kết quả bỏ phiếu được dự đoán có thể không rõ ràng và các cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền có thể kéo dài đến cuối năm hoặc lâu hơn. Bà Merkel sẽ tiếp tục giữ tư cách thủ tướng lâm thời Đức cho đến khi chính phủ mới được thành lập.

Hiện cuộc đua vào ghế thủ tướng Đức đang dần đến hồi kết với 3 ứng viên sáng giá, bao gồm Thủ hiến bang Armin Laschet - đại diện cho đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel, Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz và bà Annalena Baerbock, đồng Chủ tịch Đảng Xanh. Sau đó, bất kỳ ai kế nhiệm bà Merkel sẽ cần thời gian để ổn định cũng như thiết lập bộ máy trước khi họ có thể thể hiện bản thân ở châu Âu và quốc tế.

"THỦ TƯỚNG VĨNH CỬU" CỦA NƯỚC ĐỨC - Ảnh 2.

Bà Angela Merkel chụp ảnh sau khi phát biểu trên truyền hình ngày 30/12/2020. Ảnh: AP

Châu Âu tìm người dẫn dắt thay thế bà Merkel

Ít ai có thể tưởng tượng được bà Merkel sẽ để lại những tác động mạnh mẽ đến chính trị thế giới như bà đã làm. Với sự thông minh, khả năng lãnh đạo tài ba, bà Merkel nhận được sự tin tưởng của người dân Đức suốt 4 nhiệm kỳ qua, giúp chèo lái nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung vượt qua hàng loạt các cuộc khủng hoảng. Mỗi lần đối mặt với những khó khăn mới, bà Merkel lại đem đến bất ngờ cho thế giới và dần dần tạo được danh tiếng là nhà lãnh đạo với năng lực nổi bật cả trong lẫn ngoài nước.

Với 16 năm lãnh đạo nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel từng là gương mặt đại diện cho châu Âu, giúp nước Đức trở thành một lực lượng ổn định trên bàn cờ thế giới. Bà Merkel đã lãnh đạo nước Đức, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) trải qua nhiều cú sốc bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, cuộc khủng hoảng nợ có chủ quyền sau đó ở khu vực đồng tiền chung châu Âu lên đến đỉnh điểm vào năm 2012 và cuộc khủng hoảng di cư năm 2015-2016. Gần đây nhất, bà đã đóng vai trò nổi bật trong phản ứng của châu Âu đối với đại dịch Covid-19 và kế hoạch phục hồi của EU. Nữ thủ tướng Đức cũng thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề toàn cầu như bảo vệ khí hậu, bảo vệ môi trường.

Cuộc khảo sát do Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu tiến hành tại 12 quốc gia EU với kết quả cho thấy người dân châu Âu vẫn coi bà Merkel là lực lượng đoàn kết và mong muốn Đức tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo trong EU. Sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Merkel vẫn rất mạnh mẽ trên khắp châu Âu. Khi người Đức bầu tân Thủ tướng vào ngày 26/9, châu Âu cũng sẽ phải chọn ra một "người dẫn dắt" mới thay Merkel, song chưa ai thật sự thế chỗ được bà. Khi bà Merkel kết thúc nhiệm kỳ sau cuộc bầu cử, Đức vẫn sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng to lớn của mình ở EU. Tuy nhiên, kinh nghiệm và danh tiếng của Merkel đã giúp bà xây dựng được sức ảnh hưởng mà chưa ai trong số những gương mặt kế nhiệm tiềm năng có thể sánh được.

"THỦ TƯỚNG VĨNH CỬU" CỦA NƯỚC ĐỨC - Ảnh 3.

Chân dung Thủ tướng Đức Angela Merkel qua các năm

Việc bà rút lui về hậu trường cũng là lần đầu tiên trong 1 thập kỷ tạo ra cơ hội để các lãnh đạo khác của EU khẳng định bản thân và tầm nhìn của họ đối với châu Âu. Một số cái tên đáng chú ý đã xuất hiện trong cuộc đua. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, sau Đức, đã cố gắng thể hiện suốt nhiều năm để trở thành "người dẫn dắt" thay thế bà Merkel. Thủ tướng Italy Mario Draghi, người đã "cứu" đồng euro khi còn là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, cũng có một số phẩm chất cần thiết cho vai trò này. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích, chính trị gia và nhà ngoại giao đồng tình rằng cả 2 người chưa thực sự đủ khả năng "đi vừa chiếc giày" của Thủ tướng Merkel.

Nhu Thụy (Theo DW, Guardian)