pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua chính sách an sinh xã hội
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, chia sẻ tại tọa đàm.
Những rào cản thực hiện bình đẳng giới
Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Tạ Thị Thanh Thủy, Trưởng bộ môn Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM, đã chỉ ra rằng: Bình đẳng giới được hiểu là sự đối xử công bằng về mặt luật pháp, cũng như vị thế xã hội giữa nam và nữ giới. Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới tại Việt Nam nói chung và khu vực phía Nam nói riêng đang còn nhiều rào cản.
"Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động cao nhưng vị thế công việc của phụ nữ còn thấp. Thu nhập của lao động nữ thường thấp hơn so với lao động nam cùng trình độ. Phụ nữ là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực. Tỷ lệ nữ giới làm công tác quản lý, lãnh đạo tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Người dân vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái", bà Thủy cho hay.
Với nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực đồng bằng sông Cửu Long, PGS.TS Huỳnh Văn Chẩn, Trưởng Khoa Công tác xã hội, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: nhóm phụ nữ, phụ nữ dân tộc thiểu số tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn khó tiếp cận với các vấn đề về kinh tế, giáo dục, sức khỏe và việc làm. Đặc biệt, đối với vấn đề bạo lực gia đình, phụ nữ dân tộc thiểu số còn mang tính cam chịu nhiều hơn là đấu tranh và khai báo để có thể tự bảo vệ mình.
Khu vực phía Nam có đặc điểm văn hóa - xã hội khá tương đồng nhưng điều kiện kinh tế có nhiều chênh lệch, có tác động nhất định đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái cũng như thúc đẩy bình đẳng giới.
Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, khu vực phía Nam có nhiều tỉnh/thành phố dẫn đầu kinh tế của cả nước (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu). Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có những tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều tỉnh còn thiếu nhiều cơ sở hạ tầng, thường xuyên chịu tác động mạnh và phải ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh kế của người dân trong vùng, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.
Các vấn đề an sinh xã hội (mà trụ cột là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội, giảm nghèo) cũng như việc gắn kết giữa đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái với việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới chưa được xem xét đầy đủ ở cấp độ vùng, tiểu vùng.
Lồng ghép giới trong chính sách an sinh xã hội
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội, cho biết: "Việc lồng ghép yếu tố giới trong thiết kế chính sách an sinh xã hội cần được coi là nguyên tắc xuyên suốt. Việc phân tích tác động giới của các chính sách là điều cần thiết để xem xét các rào cản mà phụ nữ phải đối mặt như: thai sản, chăm sóc gia đình".
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc còn cho biết thêm: Đối với lao động nữ trong khu vực phi chính thức, cần có những chương trình hỗ trợ đặc thù như thiết kế các gói bảo hiểm với mức đóng góp phù hợp với thu nhập không ổn định, cung cấp hỗ trợ tài chính để khuyến khích tham gia bảo hiểm và tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, cần có những chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi công việc và tiếp cận tín dụng để tăng cường khả năng tự chủ tài chính cho nhóm đối tượng này.
Trao đổi giải pháp về thúc đẩy bình đẳng giới thông qua mô hình hỗ trợ sinh kế giai đoạn hậu Covid-19, Hội LHPN TPHCM đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch để giúp các phụ nữ bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh được thụ hưởng Dự án "Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi sinh kế sau Covid-19 cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực", do Chính phủ Australia tài trợ. Với dự án này, TPHCM có hơn 2.000 hộ được hỗ trợ nguồn vốn 5,5 triệu đồng/người và hỗ trợ kỹ thuật để phục hồi kinh tế gia đình.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, cho biết: "Dự án đã góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới. Bên cạnh hỗ trợ tài chính, dự án còn cung cấp tư vấn và đào tạo kỹ năng để giúp người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn, phục hồi sinh kế bền vững. Hiện nay, ngoài hỗ trợ sinh kế ban đầu, chúng tôi tập trung vào việc giám sát, đánh giá hiệu quả của các chương trình và đồng hành cùng phụ nữ để đảm bảo sự bền vững của các mô hình".
Sáng 15/11, tại TPHCM, Hội LHPN Việt Nam tổ chức tọa đàm "Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua thực hiện chính sách an sinh xã hội khu vực Nam bộ". Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, tham dự và chủ trì tọa đàm.
Hiện nay, những khuôn mẫu và định kiến giới đã ăn sâu vào xã hội, tạo ra rào cản lớn đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới. Phụ nữ và trẻ em gái thường được "mặc định" đảm nhiệm phần lớn công việc gia đình không được trả công, điều này không chỉ hạn chế cơ hội học tập, việc làm của họ mà còn khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước các rủi ro trong cuộc sống. Vậy nên, "Chính sách an sinh xã hội, cần phải tính đến những khía cạnh giới để không làm tình trạng bất bình đẳng giới kéo dài và thậm chí trở nên trầm trọng hơn", Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết.