"Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong khoa học: Hãy bắt đầu từ nhà trường!"

Na Uy là một trong những quốc gia bình đẳng giới nhất của thế giới và cũng là đất nước có tỷ lệ nữ khoa học, kỹ sư nữ cao nhất châu Âu. Nhân ngày quốc tế Phụ nữ và Trẻ em gái trong Khoa học (11/2), Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà HILDE SOLBAKKEN, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam về vai trò và tầm quan trọng của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học.


PHẢI TẬN DỤNG VÀ PHÁT HUY HẾT TIỀM NĂNG CỦA "MỘT NỬA THẾ GIỚI"


- Bà đánh giá thế nào về vai trò quan trọng của nữ giới trong khoa học và công nghệ tại Việt Nam những năm qua?

Đại sứ HILDE SOLBAKKEN: Tôi mới bắt đầu nhiệm kỳ của mình ở Việt Nam từ tháng 9/2022. Mặc dù vẫn đang tiếp tục quá trình tìm hiểu về vai trò của Phụ nữ Việt Nam trong khoa học và công nghệ nhưng tôi đã phát hiện thấy những thông tin rất thú vị.

Khoa học và công nghệ là một trong 8 lĩnh vực mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam. Phụ nữ hiện chiếm 46% lực lượng lao động của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Các nhà khoa học nữ của Việt Nam có tên trong top 100 Nhà khoa học tiêu biểu của châu Á. Có 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được UNESCO vinh danh, thậm chí có người còn nằm trong nhóm 1% các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều trên thế giới. Điều này thật ấn tượng và Việt Nam nên tiếp tục duy trì điều này.

"Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong khoa học: Hãy bắt đầu từ nhà trường!" - Ảnh 1.

Đại sứ HILDE SOLBAKKEN với các bé gái tại Nhà May mắn – TP Hồ Chí Minh

- Bà có thể chia sẻ với chúng tôi những gì Na Uy đã làm để thúc đẩy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ trong khoa học và công nghệ không?

Đại sứ HILDE SOLBAKKEN: Na Uy được biết đến là một trong những quốc gia bình đẳng giới nhất thế giới. Na Uy đứng thứ 3 thế giới về bình đẳng giới theo xếp hạng của Báo cáo Khoảng cách Giới Toàn cầu 2021. Một nghiên cứu gần đây còn cho thấy Na Uy có tỷ lệ nhà khoa học nữ và kỹ sư nữ cao nhất châu Âu, với 55% phụ nữ tham gia lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Đây cũng là một thành tựu lớn đối với chúng tôi trong hai thập kỷ qua.

Phải mất vài thế kỷ để Na Uy cải thiện đáng kể về bình đẳng giới. Cách tiếp cận của chúng tôi rất đơn giản: phụ nữ đại diện cho một nửa dân số, vì thế phải tận dụng và phải phát huy hết tiềm năng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực.

Ngoài ra, bình đẳng giới sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, việc làm và năng suất lao động. Để thực hiện bình đẳng giới, từ những năm 80, Chính phủ Na Uy đã rất nỗ lực xây dựng khung pháp lý, cơ chế thực hiện, cấp kinh phí cho các chương trình an sinh xã hội, đảm bảo quyền sinh sản và chăm sóc trẻ em. Những nỗ lực này đã đem lại những thay đổi lớn về văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học, và đời sống gia đình của xã hội Na Uy.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới, điều quan trọng là phải có những mục tiêu và hành động thiết thực ở cấp độ chính sách: mọi chiến lược quốc gia đều phải lồng ghép giới, tiếp đó là một thị trường lao động năng động giúp thúc đẩy cơ hội việc làm bền vững cho phụ nữ, loại bỏ sự phân biệt nghề nghiệp theo giới tính, và thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ...

"Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong khoa học: Hãy bắt đầu từ nhà trường!" - Ảnh 2.

Đại sứ chơi bóng đá với các bé gái tại Thừa thiên huế

BÌNH ĐẲNG GIỚI: LÀ QUYỀN CON NGƯỜI, LÀ DÂN CHỦ...
LÀ ĐIỀU THUẦN TUÝ PHẢI LÀM


- Theo bà, những tiêu chí then chốt để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực khoa học công nghệ là gì?

Đại sứ HILDE SOLBAKKEN: Mọi tiêu chí đều quan trọng. Tầm nhìn dài hạn và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ phải được thể hiện bằng những chính sách kiến tạo. Cá nhân tôi cho rằng, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học công nghệ nên bắt đầu từ nhà trường. Các trường học cần khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để các em gái có nhiều cơ hội tham gia khoa học và công nghệ, qua đó giúp định hình tương lai cho các em. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khi mà công nghệ và kỹ thuật số là đòn bẩy then chốt cho các thành tựu kinh tế và xã hội của chúng ta hiện nay.

"Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong khoa học: Hãy bắt đầu từ nhà trường!" - Ảnh 3.

Na Uy có một Dự án tên là Trẻ em gái và công nghệ nhằm nâng cao tỷ lệ nữ sinh học môn Khoa học ở mọi cấp học

Na Uy có một Dự án tên là Trẻ em gái và công nghệ do Liên đoàn Doanh nghiệp Na Uy (NHO) và Hiệp hội Kỹ sư và Công nghệ Na Uy (NITO) phối hợp thực hiện từ năm 2003. Mục đích Dự án là nâng cao tỷ lệ nữ sinh học môn Khoa học ở mọi cấp học. Dự án thường xuyên tổ chức các hội nghị và ngày trải nghiệm cho các bé gái ở độ tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cùng với đó, các doanh nghiệp và những người có tầm ảnh hưởng luôn tích cực truyền cảm hứng và giúp các em nhận biết và nắm bắt những cơ hội tương lai khi theo đuổi ngành khoa học kỹ thuật. Sau 10 năm thực hiện, số lượng nữ sinh chọn môn khoa học công nghệ tại Đại học Agder (là đối tác của Dự án) đã tăng đáng kể từ 128 (2005) lên 395 (2014).

- Na Uy làm gì để hỗ trợ Việt nam trong lĩnh vực này?

Đại sứ HILDE SOLBAKKEN: Mạng lưới cựu sinh Na Uy ở Việt Nam hiện có khoảng 300 thành viên. Rất nhiều bạn nữ trong đó đã tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ thậm chí tiến sĩ trong các ngành khoa học, công nghệ ở Na Uy.

Trong hơn 25 năm qua, Chính phủ Na Uy và các trường Đại học Trømso, Đại học Bergen, Đại học Khoa học Công nghệ Na Uy (NTNU) đã hợp tác chặt chẽ với Đại học Nha Trang của Việt Nam trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Thông qua hợp tác này, chúng tôi rất tự hào vì đã góp phần đào tạo nên một đội ngũ giáo sư tiến sĩ, nữ giảng viên và các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực thủy sản không chỉ riêng cho ĐH Nha Trang, mà nhiều đơn vị chuyên môn khác ở Việt Nam và một số nước trong khu vực.

"Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong khoa học: Hãy bắt đầu từ nhà trường!" - Ảnh 4.

Đại sứ tới thăm Trường Tiểu học Thực nghiệm tại Hà Nội

Tựu chung lại, tại sao chúng ta cần phải phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới trong khoa học, công nghệ cũng như mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội? Tôi muốn trả lời bằng việc trích dẫn lời của Tiến sĩ Gro Harlem Brundtland - nữ Thủ tướng đầu tiên của Na Uy, người tiên phong trong sự nghiệp phát triển bền vững. Bà nói "Vì đây là quyền của con người. Vì đây là sự dân chủ. Và đơn giản đó là điều thuần túy phải làm".

- Trân trọng cám ơn Đại sứ!

Hải Yến
10/02/2023 14:00