Tỉ lệ phụ nữ làm lãnh đạo cao, doanh nghiệp vận hành bền vững hơn

Hai lý do giải thích cho mức độ bền vững của doanh nghiệp có nữ lãnh đạo

Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí "Utilities Policy" (Chính sách cho Dịch vụ) của Mỹ vào tháng 8 năm 2023, đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp với sự đa dạng về giới tính trong ban lãnh đạo (board gender diversity) đạt được nhiều chỉ tiêu về phát triển bền vững hơn.

Tỉ lệ phụ nữ làm lãnh đạo cao, doanh nghiệp vận hành bền vững hơn- Ảnh 1.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu trong thời gian qua đã đưa ra những nhận định tương tự – các doanh nghiệp được nữ giới lãnh đạo có khả năng cao hơn trong việc hoàn thành các mục tiêu "xanh hoá". Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gỡ bỏ các rào cản để phụ nữ có thể tham gia lãnh đạo và giữ các vị trí cấp cao trong việc thực hiện các mục tiêu về môi trường.

Quan điểm này, ngoài được sự ủng hộ của các học giả, còn nhận được sự đồng tình của nhiều tổ chức như Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế hay Liên minh Châu Âu, đều cho rằng sự đa dạng về giới tính tại các doanh nghiệp và tổ chức là chìa khóa để xây dựng một tương lai xanh và bền vững.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu, các cố vấn chính sách và các học giả hàng đầu nhất trí rằng bình đẳng giới và đa dạng giới là điều cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) mà Liên hợp quốc đã đặt ra – với hai lý do thường được viện dẫn để giải thích cho nhận định này.

Thứ nhất, mức độ "bền vững" vượt trội của công ty có nữ lãnh đạo

Tại thời điểm hiện tại, hầu hết các ý kiến đều đồng thuận rằng năng lực lãnh đạo và mức độ cam kết của nữ giới trong việc dẫn dắt doanh nghiệp của mình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là đáng kể hơn.

Tỉ lệ phụ nữ làm lãnh đạo cao, doanh nghiệp vận hành bền vững hơn- Ảnh 2.

Sarah Chen, một trong 30 nhân vật dưới 30 tuổi xuất sắc nhất của châu Á (Asian 30 under 30) do Forbes bình chọn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, các lãnh đạo nữ thường xuyên đặt mục tiêu về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường làm ưu tiên. Đây là 2 yếu tố quan trọng để một doanh nghiệp phát triển bền vững. Báo cáo gần đây của Quỹ Đầu tư châu Âu cho biết, các công ty do phụ nữ lãnh đạo có chỉ số môi trường, xã hội và quản trị (ESG factors - các chỉ số đo lường mức độ sẵn sàng của các công ty để phát triển lâu dài) cao hơn các công ty khác. Các doanh nghiệp có tỷ lệ đại diện của phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo nhiều hơn thường có thành tích tốt hơn trong việc áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường.

Phụ nữ cũng có nhiều khả năng là những nhà lãnh đạo hợp tác và bao quát, hạn chế phân biệt đối xử. Những phẩm chất này được đánh giá là cần thiết để thực hiện các sáng kiến phát triển bền vững thành công, bởi chúng thường đòi hỏi sự hợp tác đa ngành và sự tham gia của tất cả các cấp trong tổ chức.

Sarah Chen, 1 trong 30 nhân vật dưới 30 tuổi xuất sắc nhất của châu Á (Asian 30 under 30) do Forbes bình chọn, chia sẻ: "Khi phụ nữ trở thành lãnh đạo, họ cho những người phụ nữ khác thấy điều gì là khả thi. Ngày càng nhiều phụ nữ vươn tới vị trí lãnh đạo và đang thay đổi đáng kể tình thế tại bàn đàm phán ... mang lại sự lắng nghe tích cực, hợp tác và sẵn sàng đối diện với những vấn đề khó khăn bằng những giải pháp không chỉ táo bạo mà còn bền vững".

Tỉ lệ phụ nữ làm lãnh đạo cao, doanh nghiệp vận hành bền vững hơn- Ảnh 3.

Liên hợp quốc khẳng định rằng Mục tiêu 5 - Bình đẳng giới và Mục tiêu 13 - Biến đổi khí hậu cần được thực hiện một cách đồng bộ.Nhiều nghiên cứu đã cho thấy các doanh nghiệp được nữ giới lãnh đạo có khả năng cao hơn trong việc hoàn thành các mục tiêu “xanh hoá”.

Thứ hai, phát triển bền vững bao gồm bình đẳng giới

Mục tiêu 5 của các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Còn Mục tiêu 13 là thực hiện các hành động khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và tác động của nó. Hai mục tiêu này gắn kết chặt chẽ với nhau. Chúng ta không thể đạt được một mục tiêu này nếu không có những hành động vì mục tiêu còn lại.

Liên hợp quốc thừa nhận rằng "bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là điều cần thiết để đạt được phát triển bền vững" và "sự tham gia đầy đủ và có hiệu quả của họ vào quá trình ra quyết định là điều cần thiết để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững".

Sandrine Dixson-Declève, đồng chủ tịch của Câu lạc bộ Rome (một tổ chức phi chính phủ gồm những nhà cựu và đương kim lãnh đạo quốc gia, các quan chức Liên hợp quốc có trụ sở tại Thụy Sỹ) đồng tình với điều này. Bà Sandrine Dixson-Declève cho rằng, phụ nữ thường gánh chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu nhưng cũng đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc đấu tranh kép cho quyền phụ nữ và quyền khí hậu. "Điều này được phản ánh trong phong trào của những người trẻ hiện nay, khi mà chúng ta có sự lãnh đạo của không chỉ Greta Thunberg (một nhà hoạt động vì môi trường nổi tiếng), mà còn bởi nhiều phụ nữ trẻ khác", bà nói.

Tỉ lệ phụ nữ làm lãnh đạo cao, doanh nghiệp vận hành bền vững hơn- Ảnh 4.

Xóa rào cản với phụ nữ không đồng nghĩa với việc bỏ qua hoặc làm giảm vai trò của nam giới

Xóa rào cản với phụ nữ không đồng nghĩa với giảm vai trò nam giới

Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, cần phá bỏ những rào cản đối với phụ nữ làm lãnh đạo. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bỏ qua vai trò của nam giới.

Theo Nhà lãnh đạo trẻ của Liên hợp quốc vì các Mục tiêu phát triển bền vững và Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Victoria Alonsoperez, khả năng lãnh đạo tuyệt vời không chỉ được định nghĩa đơn thuần bằng giới tính nam hay nữ. "Thế giới cần những nhà lãnh đạo có các kỹ năng cần thiết, không quan trọng là giới tính nào", cô nói.

Những thông tin trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhưng quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Hiện tại, chúng ta đang trong quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050.

Tỉ lệ phụ nữ làm lãnh đạo cao, doanh nghiệp vận hành bền vững hơn- Ảnh 5.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam

Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, để thực hiện tốt các công việc này, Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng tình hình và các thông tin hiện có để đưa ra quyết định đúng đắn. Điều này bao gồm đầu tư vào các chương trình và sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới trong việc điều hành và ra quyết định, cũng như lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở tất cả các cấp với giới tính là một trong những tiêu chí quan trọng.

Bà chia sẻ thêm: "Bất bình đẳng giới không phải là vấn đề của phụ nữ mà là một mối quan ngại của toàn xã hội. Nếu không đạt được tiến bộ đáng kể trong các mục tiêu về giới và lồng ghép có chiều sâu các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu mà cân nhắc đến vấn đề giới trong mọi hành động, Việt Nam có thể sẽ không đạt được mục tiêu khí hậu của mình, đồng nghĩa với việc nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị bỏ lại phía sau ở một tương lai bất công".

+ "Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030".

(Chỉ tiêu 3, Mục tiêu 2: Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030)

+ "Nỗ lực đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế".

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050

Đăng Dương   
18/11/2023 23:15