pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiêm vaccine BCG phòng lao có hạn chế nguy cơ mắc COVID-19?
Mới đây, một nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ và Ireland cho thấy, những nước có chương trình tiêm chủng đại trà vaccine BCG ngừa bệnh lao thì có ít bệnh nhân chết vì đại dịch COVID-19 hơn.
Thông tin trên đã khiến nhiều chuyên gia tại Việt Nam "mừng". Bởi hiện nay, nước ta đang tiêm vaccine BBG trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Để làm rõ hơn mỗi liên hệ giữa vaccine BCG và bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã giao cho BV Phổi TƯ thực hiện đề tài nghiên cứu.
GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi TƯ, cho biết, BV đang đang thiết kế một nghiên cứu hợp tác với một đơn vị của Pháp để tìm hiểu mối liên hệ giữa vaccine BCG và bệnh COVID-19. Theo đó, sẽ có khoảng 800 nhân viên y tế ở các BV tuyến đầu chống dịch như BV Bệnh Nhiệt đới TƯ; BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM,… tham gia nghiên cứu.
Những người tham gia nghiên cứu sẽ được chia làm 2 nhóm: Một nhóm được tiêm vaccine BCG, một nhóm được tiêm vaccine khác không phải BCG. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu sẽ tìm hiểu trong số những bệnh nhân này trong nước nhiễm COVID-19, trường hợp nào đã tiêm BCG. Nếu bệnh nhân đã tiêm thì kháng thể với lao còn không, nếu còn thì ở mức độ nào.
Theo các chuyên gia, vaccine BCG có tác động đến sức miễn dịch tự nhiên (miễn dịch bẩm sinh của cơ thể). Nó giúp điều hòa miễn dịch, đáp ứng miễn dịch tốt hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thiết, cần đánh giá qua thử nghiệm lâm sàng.
Tại Việt Nam, vaccine BCG được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1984. Trung bình mỗi năm có từ 1,5 đến 1,8 triệu trẻ được tiêm ngừa lao mỗi năm. Vaccine phòng lao BCG được khuyến cáo tiêm cho trẻ trong vòng 1 tháng sau sinh. Sau thời gian trên, phụ huynh vẫn có thể tiêm vaccine phòng lao cho trẻ, nhưng vaccine chỉ có tác dụng khi cơ thể bé chưa bị nhiễm khuẩn lao. Còn các trường hợp nếu đã xác định chính xác trẻ nhiễm lao thì việc tiêm phòng lao lúc này là không cần thiết.