pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, Việt Nam làm chủ 2 kỹ thuật xét nghiệm SASR-CoV-2
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống COVID-19, đến 18h ngày 27/4, Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, đến nay cả nước vẫn có 270 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Hiện tại, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 52.428. Trong đó, cách ly tập trung tại BV là 323 trường hợp; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 11.311 trường hợp và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 40.794 người.
Còn theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) trong ngày 27/4 cả nước đã ghi nhận thêm 3 ca dương tính trở lại. Bao gồm BN74 (nam 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam), BN207 (nam, 49 tuổi, quốc tịch Brazil) và BN224 (39 tuổi, quốc tịch Brazil).
Ngoài ra, trong số các bệnh nhân đang điều trị, số trường hợp có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 8 ca; số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2 là 6 ca.
Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng cho biết, Việt Nam đã sản xuất thành công sinh phẩm mới để xét nghiệm COVID-19. Như vậy, Việt Nam đồng thời làm chủ 2 phương pháp xét nghiệm COVID-19.
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết, trên thế giới hiện đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm COVID-19. Đó là xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).
Phương pháp PCR có độ chính xác cao vì phát hiện trực tiếp gen của virus, nên tại thời điểm dương tính thì bệnh nhân chắc chắn đang có virus SARS-CoV-2 trong người. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi các khâu chuyên môn hóa cao, cần có chuyên gia thực hiện với nhiều máy móc phức tạp, thời gian cho kết quả lâu (vài giờ). Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có thời gian ngắn, vận hành đơn giản, người làm xét nghiệm không cần thiết phải được đào tạo chuyên biệt, không cần thiết bị đặc biệt kèm theo. Tuy nhiên, phương pháp này có độ nhạy, độ đặc hiệu thấp hơn nhiều so với phương pháp PCR, dễ nhầm và bỏ sót.
Vì vậy, phương pháp PCR thường được dùng để khẳng định lại kết quả xét nghiệm nhanh.
Theo Bộ Y tế, thời gian đầu Việt Nam sử dụng nguồn sinh phẩm từ nước ngoài. Sau đó, Việt Nam đã phát triển được loại sinh phẩm xét nghiệm PCR rất tốt thay thế nguồn nước ngoài (sinh phẩm do Học viện Quân y phối hợp với công ty Việt Á phát triển). Sinh phẩm này đã và đang được sử dụng chủ đạo tại Việt Nam để xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Bộ Kit xét nghiệm bằng phương pháp PCR của Việt Nam đã được WHO và Vương quốc Anh công nhận chất lượng và có thể được sử dụng trên phạm vi toàn cầu.
Cũng theo Bộ Y tế, thời gian qua, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã phối hợp với một trường đại học của Nhật Bản để nghiên cứu và phát triển thành công loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể có độ nhạy, độ đặc hiệu cao hơn nhiều so với các loại sinh phẩm tương tự mà nhiều nước đang sử dụng.
Điểm khác biệt rất đáng chú ý là sinh phẩm xét nghiệm nhanh của Việt Nam sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến TƯ đến tận y tế tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác. Vì vậy, sinh phẩm này dễ sử dụng cho tất cả các tuyến, các cơ sở y tế tuyến huyện có thể xét nghiệm được do sử dụng hệ thống máy xét nghiệm sẵn có; độ an toàn cao (xét nghiệm qua mẫu máu); đặc biệt độ nhạy, độ đặc hiệu của sinh phẩm Việt Nam đạt khoảng 95%, trong khi sản phẩm của nước ngoài chỉ đạt khoảng 70-75%. Bên cạnh đó, qua đánh giá ban đầu, giá thành của sinh phẩm này rẻ hơn nhiều so với sinh phẩm nhập ngoại (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm);… Hiện Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt.