Bà giận chị lắm vì cái tội xoen xoét miệng nói mẹ chồng như mẹ đẻ, thế mà ngay trong việc sắm chiếc áo dài thôi, mua cho mẹ đẻ vải nhung cao cấp trị giá hai triệu, còn mua cho bà vải gấm thường có năm trăm ngàn.
Bà vừa hậm hực kể lể với mấy người hàng xóm, vừa gầm gừ đay nghiến: “Tôi đẻ toàn con trai, không có con gái nên khổ tâm lắm. Con trai thì vô tâm, mà con dâu thì có đứa nào thương mẹ chồng thật tâm. Đã thế đừng cứ nói xem mẹ chồng như mẹ đẻ, cho đỡ cảm giác giả dối”.
Vì bà không có con gái nên lúc con trai lớn cưới vợ, bà vui lắm, bởi trong nhà có thêm tính nữ để bà không chơi vơi. Thế nên khi chị về làm dâu thì được chào đón lắm, mẹ chồng mừng ra mặt như có thêm đồng minh. Nhiều khi thấy bà cùng chị đi chợ, cùng đi thể dục, mọi người thường nói “hạnh phúc quá, mẹ chồng nàng dâu mấy ai được như thế”.
Vậy mà thời gian trôi đi, bà có thêm dâu mới thì tình cảm cũng dần phai nhạt (hoặc giả vốn thế, chỉ là suy diễn nhiều hơn nên nghĩ là phai nhạt). Đứa con dâu nào cũng nói mẹ chồng như mẹ đẻ, bà cũng từng nghĩ thương chúng như con gái.
Vậy mà cuối cùng bà thấy “con dâu vẫn chỉ là con dâu, mình chỉ là phận mẹ chồng”. Còn các con dâu thì giận dỗi, bóng gió xa xôi rằng: “Nhiều khi muốn nói lời thật lòng với bà nhưng bà lại nghĩ mình phận dâu nên hay soi xét rồi suy diễn, khó lắm”.
Một hôm, bà than thở với hàng xóm về sự tủi thân không có con gái, ở với con dâu tủi lắm, thì có bà nói luôn: “Ối giời, mẹ chồng thì không thể là mẹ đẻ, con dâu thì không thể là con gái. Nhà tôi cứ quan điểm rõ ràng thế, không vì cảm xúc nhất thời mà nhập nhèm, đánh tráo khái niệm rồi thành ra ỡm ờ, khó cư xử”. Bà nghe xong thì không nói gì nữa, thẫn thờ ra về.
Có lẽ không ít gia đình như bà, lúc vui lên thì động viên nhau hoặc cao hứng thì nói thương mẹ chồng như mẹ đẻ, thương con dâu như con gái. Nhưng bản chất tâm lý tình cảm, lý trí thì điều đó không đạt được một trăm phần trăm.
Chính chúng ta ỡm ờ khái niệm nên thành ra đòi hỏi, kỳ vọng những điều đôi khi vượt quá thực tế. Cha mẹ yêu con cái ruột thịt bằng bản năng, còn đối xử với con rể và con dâu có phần rất lớn của lý trí. Tiếng Anh đã dùng từ “mother in law” để chỉ mẹ chồng, “daughter in law” chỉ con dâu để thấy hai khái niệm đó có khoảng cách rất xa với mother và daughter.
Có lẽ khi chúng ta ý thức được rất rõ ràng rằng mẹ chồng là người đã có công nuôi dưỡng, chăm sóc chồng mình, là người được chồng mình yêu quý (nếu không ngại mình thì chắc anh ấy nói yêu mẹ nhất đời), hoặc ít ra cũng là người lớn tuổi hơn, là người đang sống trong “tập thể” gọi là gia đình của mình. Gia đình mình tốt đẹp hay không phụ thuộc vào mối quan hệ từng cá nhân với nhau.
Con dâu là người được con trai mình yêu, là tương lai của con trai mình, là người sinh ra cháu mình, là nguồn hạnh phúc của con trai - đứa con mình dứt ruột sinh ra. Vì thế chỉ mong nó hạnh phúc, mối quan hệ của mình và con dâu ảnh hưởng rất lớn tới hạnh phúc của con và cháu mình.
Nếu chúng ta ý thức đơn giản, rõ ràng như thế để điều khiển lý trí và cảm xúc của mình khi đối xử với mẹ chồng/nàng dâu thì có lẽ câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu đã nhẹ nhàng hơn nhiều, không khoa trương giả dối kiểu “như mẹ đẻ”, “như con gái” nhưng sẽ đủ ôn hòa và nhân văn, chẳng thất vọng vì chính chúng ta đòi hỏi những điều vượt quá ngưỡng yêu thương tự nhiên.