pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình cứu người để nhận lại sự đền đáp"
Chị Nhan (trái) thăm hỏi bệnh nhi vừa được ra viện
"Trong một lần xuống thôn, tôi gặp một phụ nữ trẻ người Mông ngồi thẫn thờ trước cửa nhà, hỏi gì cũng không nói, chỉ khóc. Hàng xóm bên cạnh mới bảo, con của chị í vừa mất vì không có tiền đi chữa bệnh. Trái tim tôi thắt lại".
Đó là câu chuyện khởi nguồn cho hành trình hỗ trợ bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn của chị. Khi được hỏi điều gì tạo động lực cho hành trình thiện nguyện của mình, chị Nhan chia sẻ: "Giúp đỡ những bệnh nhi hằng ngày không bị bệnh tật giày vò là điều làm tâm tôi an yên. Có sức khỏe là sẽ có tất cả".
Với tâm niệm ấy, chị không quản ngại vận động đủ số tiền chữa trị cho người bệnh. Có trường hợp mới nghe đến câu "đi bệnh viện", gia đình bệnh nhân đã lo lắng tới mức nhất quyết không đồng ý đưa con đi khám vì không có tiền. Không ngần ngại, chị Nhan đã bỏ tiền túi, trực tiếp đưa đón bệnh nhân đi bệnh viện thăm khám. Nhờ sự giúp đỡ ấy mà nhiều trường hợp đã được chữa khỏi.
Mỗi khi giúp ai, chị lặn lội đến tận nhà hoặc liên hệ địa phương, bệnh viện xác minh rồi ghi chép lại cẩn thận. Tin tưởng sự chân thành của chị mà những tấm lòng nhân ái đã tìm đến ủng hộ và đồng hành cùng chị.
"Tôi đã cùng tham gia hỗ trợ một số bệnh nhân với cô Nhan. Nhiều người ở Mèo Vạc đều rất kính trọng tấm lòng của cô. Cách đây gần 3 năm, có một trẻ sơ sinh ở xóm Cá Chua Đớ 2, xã Giàng Chu Phìn, bị nhiễm trùng, đang nằm thoi thóp ở nhà. Cô Nhan biết đã đưa đến bệnh viện kịp thời. Cô ấy còn bỏ tiền túi ra hỗ trợ gia đình. Mới đây, vợ chồng tôi trở lại thăm cháu bé. Cháu hiện khỏe mạnh và rất nhanh nhẹn", chị Hà Thị Phương (Trường THPT Mèo Vạc) cho biết.
Hơn 5 năm qua, chị Nhan đã vận động hỗ trợ gần 30 bệnh nhi được chữa trị kịp thời. Qua sự kết nối của chị, hàng trăm suất quà, tiền mặt đã được trao đến bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình cứu người để nhận lại sự đền đáp. Tôi yêu nụ cười và đôi mắt trong veo của các em nhỏ và tôi chỉ cố gắng để có thêm thật nhiều nụ cười trẻ thơ hiện diện trên cuộc đời này. Thấy các em vui và bớt khổ là mình cũng vui", chị Nhan tâm sự.
Huyện Mèo Vạc vẫn còn không ít hủ tục ăn sâu bén rễ trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Có những lúc, chị Nhan cảm thấy bất lực vì không thể thay đổi ngay được những hủ tục đó.
"Năm ngoái, tôi hỗ trợ một bệnh nhi 10 tháng tuổi ở xã Cán Chu Phìn bị khối u ở tai. Đưa cháu đến bệnh viện tỉnh rồi, bác sĩ nói phải phẫu thuật để loại bỏ khối u ấy nhưng gia đình cháu nhất định không cho phẫu thuật mà đòi đưa về đắp lá và cúng. Tôi cùng cán bộ địa phương xuống tận nhà vận động mấy ngày trời nhưng không có kết quả. Thậm chí nhiều người trong gia đình ấy còn kéo đến, doạ hành hung", chị Nhan thở dài nói.
Điều khiến người phụ nữ có tấm lòng nhân ái này cảm thấy trăn trở là vòng luẩn quẩn đói nghèo-bệnh tật vẫn đeo bám nhiều người dân ở Mèo Vạc. Nhiều trường hợp do quan niệm lạc hậu của người lớn mà trẻ nhỏ không được cứu chữa kịp thời.
Thời gian gần đây, bên cạnh hỗ trợ bệnh nhi, chị Nhan còn kết nối hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ làm đường, xây trường học. "Tôi mong rằng, khi đời sống, trình độ dân trí được nâng lên, những hoàn cảnh cần tôi hỗ trợ sẽ giảm dần", chị Nhan tâm sự.