Tour du lịch giúp phụ nữ Cồn Chim xóa đói giảm nghèo

Tour du lịch giúp phụ nữ Cồn Chim xóa đói giảm nghèo

Những người phụ nữ vốn e dè, chỉ dám nép sau cánh cửa đã mạnh dạn, tự tin, giới thiệu bản sắc riêng của vùng đất cù lao đến với du khách, xây dựng một cộng đồng du lịch giúp xóa đói, giảm nghèo tại ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Trở thành điểm du lịch cộng đồng từ năm 2019, Cồn Chim đã thu hút khách du lịch không chỉ bởi đây là điểm tham quan, trải nghiệm mộc mạc, dân dã, đậm đà hồn quê, mà còn bởi sự hồn hậu, hiếu khách của bà con trong ấp. Dừng chân tại đây, du khách dường như không có cảm giác đang đi du lịch, mà là đang được trở về nhà, về với cuộc sống thôn dã điền viên an yên, trong lành.

Cù lao Cồn Chim có diện tích tự nhiên 63 ha nằm giữa dòng sông Cổ Chiên

Khởi hành từ thành phố Trà Vinh, di chuyển khoảng 10km về hướng Đông Bắc, qua một chuyến phà, chúng tôi đã đến được với Cồn Chim. Ngay khi phà vừa cập bến, bước chân qua cánh cổng mang đậm bản sắc của miệt vườn, cái nắng nóng oi ả đầu hè dường như được xua tan bởi màu xanh mướt của cảnh thiên nhiên trong ấp.

Dẫn chúng tôi đi dạo qua con đường hai bên rực rỡ sắc hoa, anh Nguyễn Tấn Thành (Trưởng ấp cù lao Cồn Chim), được mọi người gọi vui là "chúa đảo" hồ hởi giới thiệu: "Cù lao Cồn Chim có diện tích tự nhiên 63 ha nằm giữa dòng sông Cổ Chiên hiền hòa. Hồi xưa ở đây chim nhiều lắm, cứ sáng chúng bay đi kiếm ăn, chiều tối lại bay về đây trú ngụ nên người dân nơi đây gọi là Cồn Chim. 

Tour du lịch giúp phụ nữ Cồn Chim xóa đói giảm nghèo  - Ảnh 2.

Du khách có thể đi bộ, đi xe đạp để khám phả vẻ đẹp bình dị của Cồn Chim

Năm 2019 Cồn Chim được chủ trương làm du lịch cộng đồng theo phương châm phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có với mô hình du lịch xanh, chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa miệt vườn. 

Du khách đến với Cồn Chim thường gọi vui với nhau đây là tour du lịch "vỗ béo", còn người dân Cồn Chim thì gọi là tour 'xóa đói giảm nghèo', bởi chính du khách đến và mang đi cái đói cái nghèo nơi đây".

Tour du lịch giúp phụ nữ Cồn Chim xóa đói giảm nghèo  - Ảnh 3.

Cồn Chim phát triển du lịch cộng đồng từ năm 2019

Những người phụ nữ vươn lên thoát nghèo

Cồn Chim không có sự trù phú của những mảnh vườn hoa thơm trái ngọt, mà đây là vùng đất này có 2 mùa, dựa vào vị mặn – ngọt của nước sông. Nguồn thu nhập chính của bà con đến từ trồng lúa và nuôi tôm, nuôi trồng và sản xuất sạch luân phiên giữa cây lúa và con tôm, theo mô hình "con tôm ôm cây lúa". Nhưng trồng lúa thì thóc gạo cũng chỉ đủ ăn, còn nuôi tôm thì mùa được, mùa mất nên cuộc sống của bà con cũng khó khăn lắm. Nhiều hội viên phụ nữ là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

"Với suy nghĩ là phải làm sao để phụ nữ thoát nghèo nên khi tỉnh Trà Vinh và huyện Châu Thành có chủ trương phát triển du lịch, chúng tôi đã vận động chị em tham gia xây dựng điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim", bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chi hội trưởng hội Phụ nữ Cồn Chim chia sẻ.

Ấp Cồn Chim có 53 hộ dân, hiện có 23 hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng, trong đó có 13 hộ trực tiếp đón khách, 10 hộ tham gia sản xuất và cung ứng nguyên liệu, sản phẩm phục vụ du lịch.

Tour du lịch giúp phụ nữ Cồn Chim xóa đói giảm nghèo  - Ảnh 4.

Du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm

"Ở đây, mỗi hộ gia đình là một sản phẩm du lịch nên ở Cồn Chim không có khái niệm cạnh tranh. Khi có khách đến tham quan, các hộ dân ở đây liên kết phục vụ để du khách có một chuyến du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng trọn vẹn nhất. Mỗi hộ dân tham gia làm du lịch từ thế mạnh tự có của mình để tạo nên sản phẩm du lịch. Có hộ gia đình làm homestay, hộ phục vụ bánh xèo, hộ cho khách trải nghiệm xay bột làm bánh lá, hộ phục vụ nước dừa, hộ phục vụ trò chơi dân gian…", anh Nguyễn Tấn Thành cho biết.

Tour du lịch giúp phụ nữ Cồn Chim xóa đói giảm nghèo  - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Tấn Thành hướng dẫn du khách câu tôm

Để minh chứng cho lời giới thiệu của mình, "chúa đảo" Cồn Chim dẫn chúng tôi đến thăm các hộ gia đình làm du lịch. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi chính là Bếp xưa của cô Bích Vân. Bằng tình yêu với quê hương, cô đã dành thời gian, công sức để khôi phục lại không gian bếp cổ của vùng Nam Bộ. 

Bếp xưa đón du khách với mái lá, bếp củi, với đôi quang gánh và những đồ dùng, vật dụng đã ngả màu thời gian. Vừa giới thiệu không gian của bếp, cô Vân vừa mời du khách thưởng thức những món ngon do chính tay mình làm ra. Đó là chén sương sâm mát lạnh, là miếng mứt dừa ngọt ngào.  

Bếp xưa Nam Bộ của cô Bích Vân 

Với cô Ba Sữa, làm du lịch thực sự đã mang đến cho gia đình cuộc sống tốt đẹp hơn. "Gia đình tôi vốn là hộ nghèo, sống bằng nghề nuôi trồng thủy hải sản. Trước giờ tôi nhút nhát lắm, khách đến cũng chỉ dám nép sau cánh cửa. Nhớ lại những ngày mới làm du lịch, cứ thấy khách đến là tôi trốn vào bếp. Nhưng được chị em phụ nữ trong ấp vận động, hướng dẫn, giờ đây tôi đã tự tin để hướng dẫn du khách làm món bánh lá - món ăn được làm từ những nguyên liệu đặc trưng của địa phương như lá mơ, bột gạo xay, dừa…".

Tour du lịch giúp phụ nữ Cồn Chim xóa đói giảm nghèo  - Ảnh 7.

Cô Ba Sữa hướng dẫn du khách làm bánh bá

Ở Cồn Chim còn có rất nhiều hoạt động để khám phá như: tự tay chặt dừa và thưởng thức tại vườn dừa Bé Thảo; câu tôm, câu cua, tham gia các trò chơi dân gian tại "làng tôi"… Mỗi gia đình sẽ dựa vào thế mạnh của mình để phát triển một lĩnh vực du lịch riêng không trùng nhau, mà tạo thành một cộng đồng để giới thiệu những sản vật đặc trưng của vùng đất cù lao. 

Nhờ vậy, những người phụ nữ dù đã ở tuổi trung niên như cô Bích Vân, cô Ba Sữa, cô Sáu Giàu, chị Hạnh vườn dừa Bé Thảo… đã mạnh dạn, tự tin để vượt qua cái nghèo. 

Tour du lịch giúp phụ nữ Cồn Chim xóa đói giảm nghèo  - Ảnh 8.

Chị Hạnh (vườn dừa Bé Thảo) giới thiệu đặc sản vườn nhà đến du khách

"Cuộc sống của chị em cũng tôi thay đổi nhiều lắm, nhờ có khách du lịch, mình được giao lưu, học hỏi, mở mang kiến thức và có thêm thu nhập", bà Bích Vân chia sẻ.

Phát triển du lịch xanh, bền vững

"Khi làm du lịch cộng đồng, chúng tôi đã xác định vẫn phải giữ nghề truyền thống của mình, đó là trồng lúa, nuôi thủy hải sản. Các hộ gia đình làm du lịch cũng phải cam kết không được bỏ ruộng vườn và phát triển dịch vụ từ những sản vật do chính mình làm ra. Người dân Cồn Chim làm du lịch và nông nghiệp theo thuận tự thiên, không sử dụng hóa chất. Các hộ làm du lịch đều không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để tránh rác thải nhựa ra môi trường. Có như vậy mới bền vững được", Trưởng ấp cù lao Cồn Chim cho biết.

Tour du lịch giúp phụ nữ Cồn Chim xóa đói giảm nghèo  - Ảnh 9.

Người dân Cồn Chim làm du lịch và nông nghiệp theo thuận tự thiên, hướng đến du lịch xanh, bền vững

Tạm biệt ấp Cồn Chim sau một ngày trải nghiệm, bước xuống phà để về với những ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống nơi phố thị, những du khách hẳn sẽ không quên được những trải nghiệm, những tấm lòng đậm ân tình của bà con nơi đây. 

Có thể dịch vụ ở Cồn Chim chưa thể chuyên nghiệp như những khu du lịch khác nhưng những trải nghiệm, những là tình cảm nhận được từ những người dân thân thiện ở ấp cù lao này đã mang đến nhiều cảm xúc với khách phương xa. Hy vọng tại Cồn Chim sẽ có ngày càng có nhiều hộ dân cùng tham gia vào du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế đúng như mong muốn của "chúa đảo" Nguyễn Tấn Thành. 

Trần Lê
Lê Hoa
04/05/2023 14:31