TPHCM: Đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng

PL
26/07/2023 - 10:33
TPHCM: Đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng
Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một phương thức hữu hiệu để TPHCM góp phần hiện đại hóa lĩnh vực văn hóa, dẫn đến sự ra đời các mô hình kinh doanh mới, các cấu trúc quản lý mới gắn với thị trường, gắn với sự năng động, sáng tạo, đổi mới.

Tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, do Thành ủy TPHCM tổ chức vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cho biết: Đóng góp của sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) trong GRDP (tổng sản phẩm của thành phố) ngày càng tăng, thể hiện vị thế của ngành đối với kinh tế của thành phố, trong đó ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất là ngành quảng cáo.

TPHCM: Đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM chia sẻ tại Hội nghị

Cụ thể, theo Phó Giám đốc đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, số nhân lực hoạt động trong một số ngành CNVH có khoảng 97.000 người; số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa có 17.670 doanh nghiệp, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn Thành phố. Năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành CNVH đạt trên 19.313 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt trên 38.916 tỷ đồng. Năm 2020, do bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, giá trị sản xuất của các ngành CNVH phát triển chậm lại, đạt 36.732 tỷ đồng, chiếm 3,62% tổng GRDP của toàn Thành phố…

Từ những số liệu cụ thể, có thể thấy rằng việc phát triển các ngành CNVH là một phương thức hữu hiệu để TPHCM góp phần hiện đại hóa lĩnh vực văn hóa, dẫn đến sự ra đời các mô hình kinh doanh mới, các cấu trúc quản lý mới gắn với thị trường, gắn với sự năng động, sáng tạo, đổi mới; kích thích các tài năng và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. "CNVH khai thác khía cạnh kinh tế của văn hóa, làm giảm sự phụ thuộc vào cơ chế bao cấp, đồng thời góp phần gia tăng sự phát triển bền vững của văn hóa, tạo nên "sức mạnh mềm" của địa phương", bà Thanh Thúy cho biết thêm.

TPHCM: Đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng - Ảnh 2.

Đoàn ca múa nhạc Bông Sen trình diễn chào mừng Hội nghị

Theo đại diện Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, ngay sau khi Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025, đơn vị đã trình UBND thành phố Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2035 trên cơ sở phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện, cơ hội tốt và là nguồn sinh khí quan trọng cho thành phố, tạo nên những bứt phá trong việc đóng góp vào tổng sản phẩm thành phố (GRDP), tạo đà phát triển so với các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhằm thúc đẩy chiến lược hợp tác phát triển ngành CNVH của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trên trường quốc tế, đồng thời khai thác và quảng bá được những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc và đặc trưng cùa Thành phố mang tên Bác.

TPHCM: Đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng - Ảnh 3.

TPHCM luôn quan tâm xây dựng, phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật

Để sớm đạt được những kỳ vọng cũng như phát huy thế mạnh, tiềm năng của thành phố, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM mong rằng cần sớm thông qua đề án Phát triển các ngành CNVH để tạo nên thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng với thế giới.

Qua 15 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, TPHCM đã đạt được một số kết quả quan trọng về phát triển văn học, nghệ thuật, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa – xã hội của thành phố. Bên cạnh các thành tựu về hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; giao lưu và hợp tác quốc tế; phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng... thành phố đã tăng cường chế độ chính sách đối với đội ngũ văn nghệ sĩ.

TPHCM: Đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng - Ảnh 4.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM báo cáo kết quả tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, do Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 25/7/2023

Cụ thể, đối với nghệ sĩ đã cống hiến tài năng và tuổi trẻ cho sự phát triển của lĩnh vực nghệ thuật, thành phố đã có chính sách khám sức khỏe định kỳ cho văn nghệ sĩ đạt các giải thưởng và danh hiệu nhà nước cao quý tại Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Thành ủy; tặng thể bảo hiểm y tế cho văn nghệ sĩ đạt các giải thưởng và danh hiệu nhà nước cao quý; hỗ trợ văn nghệ sĩ trên 70 tuổi có hoàn cảnh khó khăn; chăm lo cho các văn nghệ sĩ tiêu biểu vào các dịp Tết Nguyên đán...

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm lớn, tầm cỡ và giá trị. Một số tác phẩm đạt giải cao cả trong và ngoài nước nhưng tính lan tỏa trong cộng đồng chưa cao. Chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ chưa phù hợp, chưa tạo sức hút, giữ chân các tài năng. Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích hữu hiệu thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư để phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật... 

Để tiếp tục phát huy những mặt đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, TPHCM đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm