Trà sen Tây Hồ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Thức uống tinh tế được làm ra từ bàn tay những người phụ nữ

Trà sen Tây Hồ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: 

THỨC UỐNG TINH TẾ ĐƯỢC LÀM RA TỪ BÀN TAY NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 2316/QĐ-BVHTTDL về việc đưa nghề ướp trà sen Quảng An (Q.Tây Hồ, TP Hà Nội) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trà sen - thứ thức uống đặc biệt tinh tế của đất Hà thành - thường được tạo ra bởi bàn tay của những người phụ nữ.

Thú chơi đất Hà thành

Người Hà Nội vốn tinh tế, vốn cầu kỳ, có những thứ đặc sản, là tinh túy của đất trời, muốn tạo ra được thì phải tỉ mẩn, công phu, chỉ theo mùa và cần thêm những điều đặc biệt khác. Một trong những thứ ấy, là trà sen Tây Hồ.

Trong thú "chơi trà" ngày nay, những bánh trà Tàu từ những cây trà cổ nghìn năm tuổi được nhập về có giá bán đến vài trăm triệu một bánh trà, thì một cân trà sen Tây Hồ có giá bán rơi vào khoảng chục triệu đồng cũng không có gì là ghê gớm, nếu chỉ nói về mặt tiền bạc. Một cân trà sen Tây Hồ, được làm ra cần đến 1000 bông sen bách diệp, thì vẫn có những giá trị rất riêng có, là "thú chơi", thú thưởng thức riêng của người Hà thành.

Câu chuyện về hương đất, "hương người"

Trà sen vẫn được biết đến xưa kia là loại trà ngâm với gạo sen, sau đó có thêm loại trà xổi, được làm bằng cách cho trà vào bông hoa sen rồi bọc lại. Hiện tại, khi thị trường có nhu cầu, rồi do thú uống trà thú chơi sen, nhiều người đã học rồi làm trà sen. Những công đoạn làm ra trà sen thì cũng không có gì là quá phức tạp cả.

Nhưng để làm thứ trà sen Tây Hồ "chuẩn xịn" thì lại vô cùng cầu kỳ và phức tạp, phải làm vào buổi sáng sớm mới đảm bảo chất lượng. Những bông hoa sen sau một đêm ngậm sương, "ngậm" khí trời phải được thu hoạch khi vừa chớm chớm nở, khi nắng chưa lên mới đảm bảo được mùi hương tốt nhất. Mùa thu hoạch sen diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, sen đạt mùi hương tốt nhất rơi vào khoảng tháng 7. Những người thu hoạch sen phải dậy từ 4h sáng. Thu hoạch sen là công việc rất vất vả, những người thu hoạch sen phải lội xuống bùn, ngâm người trong nước, và cẩn thận cắt từng bông hoa sen.

Trà sen Tây Hồ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Thức uống tinh tế được làm ra từ bàn tay những người phụ nữ- Ảnh 1.

Hoa sen được lấy vào sáng sớm, sau khi đã "ngậm" đủ "khí" qua một đêm

Trà sen Tây Hồ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Thức uống tinh tế được làm ra từ bàn tay những người phụ nữ- Ảnh 2.

Thu hoạch sen là một việc vất vả

Bán đảo Quảng An là một khu đất cổ, ăn ra giữa Hồ Tây, có một địa thế riêng, có thổ nhưỡng lẫn khí hậu đặc biệt. Nhờ có thứ gió trời từ sông Hồng thổi vào, hoa sen đầm Trị được hưởng "khí" của đất trời, mới có mùi hương đặc biệt được như vậy. Chỉ có ở đó, những bông sen giữa đầm, vươn lên từ bùn lầy mới có được cái "khí" rất riêng này.

Nhưng rồi đi tìm hiểu về trà sen, mới thấy rằng, ngoài thứ "hương đất", còn là câu chuyện về "hương người". Sự thảo thơm từ lòng người, mới lại là cái tạo ra thứ hương trà đặc biệt.

Vùng bán đảo Quảng An – Tây Hồ giờ đây là những biệt thự tiền tỉ, những dự án đắt tiền, là khu vực mà đất có chỗ đã lên đến 1 tỷ đồng/1m2. Trong 1 con ngõ nhỏ nơi phố Tô Ngọc Vân, cứ mỗi mùa sen, đại gia đình bà Dần lại quây quần làm chè sen. Bao năm qua vẫn vậy, cứ vào mùa sen, sáng sớm khi những ánh nắng đầu tiên vừa lên, là những người hái sen đã mang sen đến nhà, thơm ngát khoảng sân gạch đỏ.

Bà Dần đã hơn trăm tuổi, đã làm trà sen, đã gắn bó với trà sen đến hơn 80 năm. "Từ ngày cậu mất, bà buồn, dạo này bà yếu lắm", người cháu trai của bà Dần cho biết.

Hơn một trăm tuổi, cụ Dần là một chứng nhân lịch sử. Trong nhà, cụ Dần treo trang trọng tấm huy chương kháng chiến. Cụ từng tham gia kháng chiến, bị địch bắt rồi giam vào nhà lao 18 tháng. Kháng chiến thành công, bà tiếp tục với các hoạt động cách mạng, và mưu sinh với gánh hàng hoa, với cách làm trà sen truyền thống được truyền lại từ những đời trước, để nuôi con nhỏ.

Cuối năm ngoái, giới thể thao phong trào, giới bóng đá "phủi" tiếc thương tiến đưa một quái kiệt đặc biệt – huấn luyện viên Ngô Tiến Thiết, người vẫn hay được giới bóng đá yêu mến và gọi với cái tên là thầy Thiết. Một trong những hình ảnh cuối cùng trong đời của thầy Thiết, rất đẹp, là nụ cười khi trở về căn nhà mình, ngồi bên mẹ, nở một nụ cười tươi, trên tay là những cánh sen hồng.

Trà sen Tây Hồ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Thức uống tinh tế được làm ra từ bàn tay những người phụ nữ- Ảnh 3.

Cụ Dần bên cạnh con trai mình - huấn luyện viên bóng đá Ngô Tiến Thiết

Trà sen Tây Hồ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Thức uống tinh tế được làm ra từ bàn tay những người phụ nữ- Ảnh 4.

Mỗi sáng vào mùa sen, cụ bà hơn trăm tuổi vẫn thức dậy làm sen cùng con cháu

"Hồi trẻ, kiếm được tiền từ sớm lắm, lúc 17 tuổi, đang đi học, người ta đã đến gọi đi đá bóng rồi. Cứ xách giầy, đi đá giải khắp nơi, đá thắng là có tiền. Thời ấy chỉ có cái xe đạp, sáng dậy chở mẹ đi lấy hoa về nhà làm trà sen, rồi lại trốn đi đá bóng, đi chơi. Sau rồi phong trào chơi tennis bắt đầu có ở Hà Nội, bắt đầu sớm nhất từ mấy sân tennis ở cái đất Quảng An này, thời ấy là môn chơi của nhà giàu, của người có điều kiện. Mình chơi, rồi lại chuyển qua dạy tennis, dạy cho người nước ngoài sinh sống ở Quảng An, hồi đó tiền bạc rủng rỉnh lắm. Cứ mải chơi ham chơi, về nhà là lại bị mẹ mắng vài câu, đến giờ có tuổi rồi vẫn vậy đấy…", đó là những câu chuyện mà khi còn sống, HLV Ngô Tiến Thiết đã chia sẻ. Cứ đến mùa sen, thầy Thiết lại nhắn cho anh em bạn bè "qua lấy trà sen về uống nhé", lại mang tặng người thân những gói trà sen nhà làm.

Ở bên ngoài, trong những cuộc chơi bóng đá phong trào, người ta biết đến thầy Thiết như một vị huấn luyện viên cá tính, người khiến bao anh tài bóng đá khắp mọi miền nể trọng. "Nhưng cứ về đến nhà, là cậu ấy tình cảm lắm, chưa bao giờ cãi mẹ, cãi chị một câu nào. Còn nhờ có cụ Dần, cái nghề, và nếp nhà bao năm vẫn được gìn giữ. Nghề làm trà sen cứ từ đời các cụ truyền lại, đời bà truyền sang đời mẹ, mẹ lại truyền cho con, nàng dâu về nhà cũng được dạy cách làm trà sen, đến mùa là cả nhà lại quây quần bên nhau", bà Ngô Thị Thân - con gái bà Dần - cho biết.

Người Hà Thành là như thế, mảnh đất bán đảo gió lộng sản sinh ra những con người tài hoa, cá tính riêng, nhưng luôn trân trọng giá trị gia đình, giữ cái cốt cách sống của một gia đình Hà Nội trước bao biến đổi của thời cuộc. Những con người đã sống cả cuộc đời gắn với thứ hương sen thơm ngát.

Thức uống tinh tế được làm ra từ bàn tay những người phụ nữ

Từ xưa cho đến tận bây giờ, trà sen để ngon vẫn được làm hoàn toàn thủ công bởi bàn tay những người phụ nữ. Loại sen phù hợp nhất nhất để làm trà là sen bách diệp, với hàng trăm cánh. Sen bách diệp, nhưng lại phải ở đầm Trị (Hồ Tây) mới thực sự cho hương thơm đặc biệt để làm trà.

Công đoạn tách gạo sen (hạt màu trắng bên trong đài sen) là khó nhất, phải khéo léo, nhanh tay để giữ được mùi hương. Trà được lấy từ những câu trà cổ thụ, những búp trà ngon nhất ở các vùng nguyên liệu tại Thái Nguyên. Trà được ướp với gạo sen gồi sấy để hương từ gạo sen ngấm vào trà, cần 5 lượt sấy, mỗi mỗi lượt cần 200 bông sen. Như vậy, để làm được 1kg trà thì cần tới 1000 bông sen bách diệp. Công đoạn sấy này cũng được làm thủ công. 1kg trà sen làm theo kiểu này sẽ mất khoảng 2 tuần.

Trà sen Tây Hồ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Thức uống tinh tế được làm ra từ bàn tay những người phụ nữ- Ảnh 5.

Trà sen - thứ thức uống thanh tao được làm ra bởi bàn tay của những người phụ nữ

Trà sen Tây Hồ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Thức uống tinh tế được làm ra từ bàn tay những người phụ nữ- Ảnh 6.

Để làm được trà sen, là cả đại gia đình lại quây quần. Đằng sau thứ hương sen thơm quyện vào trà, để trà được ngon, còn chứa đựng tình cảm gia đình, chứa đựng cốt cách sống của những gia đình Hà Nội xưa

Người giữ nghề, và hương sen thơm giữ tình người. Tại khu vực Quảng An hiện chỉ còn khoảng 4-5 hộ là vẫn duy trì nghề làm trà sen từ xưa. Mỗi mùa sen, muốn làm được trà sen, là những người phụ nữ trong đại gia đình lại quây quần bên nhau. Những ai đã đến để mua trà, đến để xem làm trà sen Tây Hồ, thì sẽ cảm nhận, sẽ nhận ra được rằng, thứ hương sen thơm tinh túy của đất trời ngấm vào trong trà, còn được tạo ra bằng tình cảm gia đình, ở đó có tình yêu thương của người mẹ, có tấm lòng thảo thơm của những người con, người cháu.

Cứ nói đến trà sen Tây Hồ, người ta lại nhắc đến trà sen bà Dần. Những người yêu mến đã tự đặt cho trà sen bà Dần là "thiên cổ đệ nhất trà". Một người thiếu nữ đất Tây Hồ kiên cường trong kháng chiến, một người mẹ đảm đang bao năm gìn giữ nếp nhà, một người nghệ nhân làm trà xuyên thế kỷ, câu chuyện cuộc đời của cụ Dần như một minh chứng cho sức sống của người Hà Nội. Những thứ là tinh hoa văn hóa Hà Nội, được tạo nên chính bởi sức sống và cốt cách của người Hà Nội.

Người làm trà sen có mối lo riêng. Theo thời gian, diện tích trồng bị thu hẹp, không khí ô nhiễm hơn, giống sen bách diệp Tây Hồ có nguy cơ biến mất. Trước đây người làm sen lấy sen ngay trong các hồ, đầm ở Quảng An, thì giờ phải đưa giống sen ra các hồ đầm ở những khu vực khác để trồng, mà như thế, cái "khí" cái hương ở bông sen sẽ vợi bớt bởi không còn được trồng trên đất xưa.

Trà sen Tây Hồ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Thức uống tinh tế được làm ra từ bàn tay những người phụ nữ- Ảnh 7.

Trà sen - nét tinh hoa của người Hà Nội

Rất may, nhằm khôi phục và phát triển giống sen Bách Diệp này, Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ đã triển khai dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ, Hà Nội". Mô hình được triển khai thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và hồ Thủy Sứ tại phường Quảng An, với 7000 cây giống được trồng trên diện tích 7ha mặt nước.

Việc nghề ướp trà sen Quảng An đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một điều đặc biệt. Tôn vinh, gìn giữ và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa của Hà Nội ngàn năm văn hiến là điều cần tiếp tục được đẩy mạnh.

Trăm năm, sen Tây Hồ vẫn ngát hương. 

Quang Thái (thực hiện)