Trà Vinh: Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ trong chuỗi giá trị nghêu

Tiếng nói của nữ giới được lắng nghe

Phương tiện duy nhất để đến được xã đảo Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh nằm cô lập giữa bốn bề sông nước là những chuyến phà. Chúng tôi đi giữa dòng sông Cổ Chiên chở nặng phù sa, hai bên bờ là rừng dừa nước, sú bần ngút ngàn. Sau đó, phải "tăng bo" bằng xe ôm mới đến được hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu Tiến Thành ở ấp Hai Thủ.

Trà Vinh: Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ trong chuỗi giá trị nghêu - Ảnh 1.

Ra bãi bồi nuôi nghêu của HTX Tiến Thành

Chờ nước lên, ông Phạm Văn Trường – Giám đốc HTX Tiến Thành cùng ban giám đốc lấy thuyền đưa chúng tôi ra bãi bồi trên biển, nơi HTX có hơn 200 ha nuôi nghêu. Mỗi lứa nghêu sau 15 tháng mới thu hoạch

Ông Phạm Văn Trường - Giám đốc HTX Tiến Thành cho biết, HTX có nhiều thành viên nhất của huyện Châu Thành với 332 thành viên, trong đó 30% là phụ nữ. Dẫu ít nữ hơn nhưng mọi thành viên thực hiện vai trò làm chủ của mình bằng cách tham gia trực tiếp vào quá trình ra quyết định. Họ có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp.

Trên cánh đồng nghêu

Theo ông Trường, với tập quán văn hóa nơi đây, phụ nữ thiên về chăm lo cho gia đình nhiều hơn. Trước đây, những cuộc họp bàn công chuyện làm ăn thường không có phụ nữ tham gia. Các chị chỉ ở nhà làm công việc trong gia đình như cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con đi học, còn các công chuyện bàn bạc làm ăn phát triển kinh tế là của các anh đàn ông. Để thay đổi tư duy đó phải mất cả 1 thế hệ và cần cho con em, đặc biệt là con gái đi học cao hơn, sau này các con sẽ trở về xây dựng quê hương.

Trà Vinh: Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ trong chuỗi giá trị nghêu - Ảnh 3.

Bà Đinh Thị Chiến

Đồng tình với điều này, bà Đinh Thị Chiến - Kiểm soát viên, thành viên nữ duy nhất trong Ban quản trị HTX cho biết, ý kiến của bà đưa ra trong mọi cuộc họp đều được tiếp nhận. Từng là Phó Chủ nhiệm khi HTX được thành lập năm 2015, bà thường đại diện tiếng nói cho thành viên nữ trong HTX. Theo bà Chiến, những lớp tập huấn về bình đẳng giới và cách sản xuất hiệu quả mà tổ chức Oxfam thực hiện đã giúp bà và nhiều chị em trên xã đảo Long Hải hiểu hơn về vai trò, vị thế của người phụ nữ trong cộng đồng, gia đình. Các thành viên nữ của HTX đã chủ động tham gia công việc chung, đóng góp nhiều sáng kiến trong phát triển chăn nuôi thủy sản đóng góp vào phát triển sản xuất HTX. Trong HTX, những phụ nữ tích cực tham gia đều có tư duy sáng tạo và làm tốt không thua gì nam giới.

HTX tiến tới thay đổi nhân sự, động viên chị em tham gia ban quản trị để có tiếng nói bình đẳng trong quyền kinh tế, góp ý kiến vào tiến trình sản xuất, khai thác hay thu hoạch; giám sát tài chính. Các chị đã chủ động tìm hiểu, mở mang kiến thức ngoài xã hội để cùng với chồng phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình. Công việc gia đình, việc nuôi tôm, nghêu được vợ chồng bàn bạc chia sẻ với nhau. Dẫu năm 2018, 2019 mất trắng hai vụ do nghêu chết hay có những vụ tôm thất bát, nhiều gia đình đã không còn to tiếng với nhau, động viên nhau cố gắng tìm ra nguyên nhân, rút kinh nghiệm để vụ sau được mùa.

Trà Vinh: Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ trong chuỗi giá trị nghêu - Ảnh 4.

Đìa tôm nhà bà Chiến

Không chỉ tham gia HTX nuôi nghêu, bà Chiến cùng chồng chăm sóc 2 đìa tôm sú của gia đình. Căn nhà của bà khang trang hơn nhiều nhà khác trên đảo, là nơi ban quản trị HTX tin tưởng chọn làm trụ sở. Nói được, làm được, sự tự tin của bà Chiến đang truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ phụ nữ trẻ nơi xã đảo.

Trà Vinh: Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ trong chuỗi giá trị nghêu - Ảnh 4.

Bà Phan Thị Thu Hương - Quản lý Chương trình Bình đẳng giới của tổ chức Oxfam

Bàn về việc phụ nữ tham gia  vào HTX nuôi nghêu, bà Phan Thị Thu Hương - Quản lý Chương trình Bình đẳng giới của tổ chức Oxfam nhấn mạnh: "Bình đẳng giới là trọng tâm hành động của Oxfam tại Việt Nam. Tầm nhìn của chương trình hành động vì quyền phụ nữ là những đối tượng phụ nữ nghèo, thuộc những nhóm dễ tổn thương, đặc biệt là phụ nữ thuộc những nhóm xã hội khác và dân tộc thiểu số. Oxfam thúc đẩy phụ nữ được hưởng đầy đủ các quyền con người, tham gia vai trò lãnh đạo và đóng góp tích cực vào tiến trình ra quyết định".

Oxfam đã triển khai nội dung tăng cường cân bằng giới thông qua thúc đẩy hành động tập thể tại nhiều chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam, trong đó có các HTX nuôi nghêu ở Trà Vinh. Qua đó, tăng cường tiếng nói của người dân, đặc biệt là phụ nữ trong chuỗi giá trị và đời sống cộng đồng để tạo nên sự thay đổi bền vững cho người dân trong quá trình ra quyết định và công bằng giới. Nhờ vậy sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế cũng như năng lực tiếp cận thị trường của người dân. 

Sự lắng nghe, thấu hiểu trong từng gia đình

Chia tay HTX Tiến Thành, chúng tôi tìm đến HTX nuôi nghêu Thành Công ở ấp Tư, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang đúng lúc lớp tập huấn về phương pháp thúc đẩy cân bằng giới thông qua hành động tập thể của Dự án "Cân bằng giới trong chuỗi giá trị nghêu" được diễn ra. Cả đàn ông và phụ nữ đều sôi nổi bàn bạc đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX mình.

Các lớp tập huấn về phương pháp thúc đẩy cân bằng giới thông qua hành động tập thể

Là một trong những thành viên của HTX nuôi nghêu Thành Công, chị Nguyễn Thị Ngọc Vốn cho biết, qua các cuộc hội thảo về bình đẳng giới, gia đình đã có thay đổi lớn về nhận thức cũng như cuộc sống. Cả hai vợ chồng chị hiểu rằng công việc không phải là riêng chồng, riêng vợ mà là công việc chung cả hai cùng gánh vác: Làm tôm, kéo lưới, chia sẻ việc chăm con và việc nhà. Cả hai cùng bàn bạc khi chi tiêu, mua sắm những tài sản lớn. Cả hai cùng tham gia nhiều hội thảo, tập huấn về cách làm ăn, nuôi tôm làm giàu.

Trà Vinh: Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ trong chuỗi giá trị nghêu - Ảnh 6.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Vốn

"Từ khi phương pháp thúc đẩy cân bằng giới thông qua hành động tập thể - dự án của Oxfam được triển khai ở đây mọi thứ đã thay đổi. Những người chồng đã biết chia sẻ công việc với vợ. Còn phụ nữ đã chủ động tham gia các cuộc họp cũng như cùng nam giớ bàn bạc công việc phát triển kinh tế, đưa ra các sáng kiến trong nuôi nghêu, nuôi tôm", chị Vốn cho biết.

Còn với chị Đặng Thị Riêng, khi vợ chồng chị được tham gia các phương pháp tập huấn, anh chị có cơ hội trao đổi với nhau những bất bình đẳng giới trong phân công lao động, tiếp cận và kiểm soát nguồn lực trong gia đình. Chồng chị Riêng đã biết chia sẻ công việc với vợ con, cùng bàn bạc thống nhất về chi tiêu, đầu tư làm ăn.

Bàn về điều này, ông Phạm Văn Sánh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc HTX Thành Công, cho biết, HTX có 291 thành viên thuộc 151 hộ, trong đó phụ nữ chiếm 2/3. Chị em góp vốn theo quy định không quá 20% vốn điều lệ, tối thiểu 2 triệu và tối đa là 40 triệu đối với mỗi thành viên. Ngoài tự nuôi tôm, đời sống chị em ổn định hơn khi tham gia vào HTX nuôi nghêu. Trong thời gian thu hoạch nghêu, khả năng làm việc của một phụ nữ bằng hai nam giới. 

Trà Vinh: Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ trong chuỗi giá trị nghêu - Ảnh 7.

Sự đồng lòng của vợ chồng anh chị Lê Văn Miền -Dương Thị Lan

Gia đình anh Lê Văn Miền và chị Dương Thị Lan thuộc HTX nghêu Thành Công ở ấp Tư, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang là một trong những gia đình được hưởng lợi từ Dự án "Cân bằng giới trong chuỗi giá trị nghêu". Không chỉ tham gia vào HTX nuôi nghêu, mỗi năm nhà anh đầu tư nuôi 2 vụ tôm thẻ chân trắng, mỗi vụ thả nuôi khoảng 180 con -220/m2. Nếu được mùa, lợi nhuận đạt 200 - 300 triệu đồng/năm. 

Trước đây việc nuôi thả tôm do một mình anh làm, chị Lan chỉ ở nhà cơm nước, nội trợ. Từ khi anh chị được tham gia các buổi thực hành thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt nhờ thảo luận sơ đồ kinh tế anh chị đã nhìn thấy được tổng quan các hoạt động tạo thu nhập của gia đình, phân tích đặc điểm của các sinh kế, từ đó hai vợ chồng anh đã cùng nhau bàn bạc thống nhất để chuyển sang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao theo mô hình khép kín. Chị Lan còn tận dụng nguồn tôm thẻ của gia đình làm tôm chua bán để tăng thu nhập cho gia đình.

Trà Vinh: Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ trong chuỗi giá trị nghêu - Ảnh 8.

Cùng nuôi tôm cải thiện thu nhập

*Dự án "Cân bằng giới trong chuỗi giá trị nghêu" sử dụng phương pháp "Hệ thống học tập và hành động về giới" (gọi tắt GALS). Phương pháp này nhằm thúc đẩy cộng đồng tự chủ động quyết định, thay đổi và cùng nhau thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế bền vững và toàn diện, hỗ trợ phong trào bình đẳng giới.

*Các công cụ được áp dụng:

-Công cụ Cây cân bằng giới giúp các thành viên nam và nữ nhìn nhận rõ vai trò của từng cá nhân trong gia đình và trong HTX, sự khác biệt giữa nam và nữ trong phân công lao động, khả năm tiếp cận và kiểm soát nguồn lực của nam/ nữ.

-Sơ đồ sinh kế và sơ đồ liên kết thị trường: Các thành viên nam, nữ xác định các sản phẩm sinh kế của nhóm, vấn đề bất bình đẳng giới trong tiếp cận thị trường, xác định các chiến lược để gia tăng thu nhập và gia tăng hiệu quả sản xuất.

-Con đường mơ ước là cách các cá nhân và thành viên HTX bàn bạc; xây dựng kế hoạch tổ nhóm thực hiện sáng kiến sinh kế và thúc đẩy bình đẳng giới.

-Cây thách thức hành động giới giúp phụ nữ và nam giới tự xác định nguyên nhân của một số vấn đề giới, thảo luận các biện pháp giải quyết vấn đề giới và giải pháp hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua các thách thức giới.

THU SƯƠNG -Ảnh: NGỰ BÌNH, NGUYỄN SÍU, NGỌC DŨNG