Từ một tổ hợp tác nhỏ bé gom những người dân quê cùng chí hướng, đến một hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao với sản phẩm dưa lưới được người tiêu dùng ưa chuộng. Hành trình của chị Nguyễn Thị Như (SN 1976), Giám đốc HTX Như Hoa (Việt Yên, Bắc Giang), là minh chứng cho niềm tin bền bỉ vào giá trị nông sản Việt: Ngon và lành.
Giấc mơ ngọt thanh từ mảnh ruộng quê
Sinh ra và lớn lên giữa đồng đất Việt Yên, vùng quê Bắc Giang thuần nông, Nguyễn Thị Như thấm đẫm ký ức tuổi thơ với những mùa thu hoạch bội thu rồi chợt thất giá. Bà con vất vả làm ra nông sản nhưng bán rẻ như cho, bởi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Câu hỏi luôn thôi thúc chị: "Tại sao mình không gom lại, liên kết lại, để có tiếng nói và đầu ra vững chắc hơn?".
Chị Như chăm sóc cây mỗi ngày
Năm 2007, chị mạnh dạn đứng ra thành lập tổ hợp tác với 14 hộ, gom lại một diện tích trồng tập trung để thương lái dễ tìm đến. Nhưng chỉ khi HTX Như Hoa chính thức ra đời năm 2021, mô hình của chị mới thực sự tạo được tiếng vang với sản phẩm chủ lực là dưa lưới trồng trong nhà màng công nghệ cao.
Trên diện tích 5.000m2, HTX Như Hoa áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân vi sinh, nguồn nước sạch, hạn chế tối đa sâu bệnh và không sử dụng thuốc hóa học. Cây dưa được chăm sóc tỉ mỉ từ lúc gieo hạt đến khi thu hái, từng bước đều được ghi chép và giám sát chặt chẽ.
Điều đặc biệt ở dưa lưới Như Hoa không chỉ là độ ngọt thanh, mùi thơm tự nhiên, mà còn ở câu chuyện phía sau: Một loại trái cây được trồng với tất cả sự nâng niu, tự hào như thể trồng để biếu mẹ, tặng bạn chứ không phải chỉ để bán. "Tôi luôn muốn người ăn dưa của mình không chỉ thấy ngon, mà còn thấy an tâm", chị Như tâm sự.
Với chị Như, mỗi sản phẩm là một thử nghiệm, một bài học, và một nỗ lực khép kín chuỗi giá trị từ trồng, chế biến, tiêu thụ
Dưa lưới Như Hoa được bày trên bàn tiệc, trong các hộp quà tặng sang trọng, hay trên kệ siêu thị. Không ít người tiêu dùng trung thành đã tìm về tận nhà màng để tận mắt thấy quy trình trồng. Sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, có giá trị dinh dưỡng cao và được xem như "trái ngọt" của một hướng đi nông nghiệp bền vững.
Vượt khó làm nông nghiệp công nghệ cao
Khởi nghiệp với nông nghiệp đã khó, làm nông nghiệp công nghệ cao càng không dễ - nhất là khi thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, và thiếu thị trường ổn định.
"Chúng tôi từng trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn," chị Như chia sẻ. "Đầu năm 2023, khu đất nhà màng của HTX bị thu hồi để giải phóng mặt bằng. Toàn bộ hợp đồng bị gián đoạn, sản lượng sụt giảm, chưa kể phải chạy đôn chạy đáo tìm quỹ đất mới".
Sản phẩm sấy của HTX Như Hoa luôn có những đơn đặt hàng với số lượng lớn
Dù vậy, HTX vẫn cố gắng duy trì 3-5 lao động thường xuyên và tạo việc làm thời vụ cho 30-50 lao động nông thôn, đặc biệt là phụ nữ. Hội LHPN địa phương cũng hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ TYM và Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp duy trì hoạt động trong lúc chờ hoàn tất di dời.
Không thể kể hết hành trình của HTX Như Hoa mà thiếu bóng dáng của những người phụ nữ. Từ những ngày đầu thành lập tổ hợp tác, chị Nguyễn Thị Như đã quy tụ những hội viên phụ nữ cùng chung chí hướng, những người không ngại nắng mưa, sẵn sàng học hỏi kỹ thuật mới để từng bước đưa nông sản địa phương lên một tầm cao mới. Chính họ là lực lượng nòng cốt trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm.
Cà rốt sấy - Một trong những sản phẩm tốt cho sức khỏe của HTX Như Hoa
Hội LHPN cũng đóng vai trò cầu nối quan trọng, không chỉ hỗ trợ vốn, giới thiệu sản phẩm mà còn giúp chị em nâng cao kỹ năng quản trị HTX, tiếp cận thị trường và ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh. Với chị Như, phụ nữ không chỉ là lao động nông nghiệp mà là những người tạo giá trị, lan tỏa văn hóa sản xuất sạch, gắn kết cộng đồng. Chính tinh thần bền bỉ, sự tỉ mỉ và đồng lòng của chị em đã trở thành "nền móng mềm" nhưng vững chãi để HTX Như Hoa lớn mạnh từng ngày.
Không chỉ dừng lại ở sản phẩm tươi, HTX Như Hoa còn đầu tư vào chế biến với các dòng sản phẩm như khoai lang sấy mật ong, khoai tây Bắc sấy dẻo, dưa lưới sấy lạnh… Mỗi sản phẩm là một thử nghiệm, một bài học, và một nỗ lực khép kín chuỗi giá trị từ trồng, chế biến, tiêu thụ.
Chị Như thẳng thắn: "Chúng tôi còn thiếu nhiều lắm: Máy móc hiện đại, kỹ thuật chế biến, nhân sự, sàn thương mại điện tử… Nhưng mỗi ngày, chúng tôi lại học thêm một chút, cải tiến một bước, để HTX không chỉ là nơi trồng dưa mà là một mô hình kinh tế cộng đồng kiểu mới có nữ giới làm chủ, có khát vọng sáng tạo và sự chuyên nghiệp bền bỉ". Hành trình ấy có thể bắt đầu từ những trái dưa nhưng đích đến lại là một tương lai nông nghiệp văn minh hơn.
Chị Như đã vượt qua nhiều khó khăn để có những thành công như hôm nay
Không chỉ là người chèo lái HTX, chị Như còn là người kết nối. Chị không ngại đứng ra giới thiệu nông sản của địa phương tại các hội chợ, hội thảo, từ Bắc Giang đến Hà Nội. Với chị, "mỗi sản phẩm là một đại sứ của vùng đất này".
"HTX Như Hoa đã giúp cho địa phương có cái nhìn đa chiều về sản xuất nông nghiệp. Giúp nông dân địa phương ổn định sản xuất tập trung. Giúp nhiều hội viên phụ nữ có việc làm ổn định với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời nâng giá trị nông sản góp phần ổn định thu nhập và phát triển kinh tế", bà Võ Thành Lợi - Chủ tịch Hội LHPN phường Bích Động, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Bà Võ Thành Lợi - Chủ tịch Hội LHPN phường Bích Động, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang
Dưa lưới Như Hoa có thể chưa phải là thương hiệu lớn trong cả nước, nhưng chắc chắn là niềm tự hào của phường Bích Động, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Những quả dưa không chỉ ngọt bởi giống tốt, mà còn bởi có bàn tay của người phụ nữ luôn hướng về giá trị sạch, lành và bền vững.
Liên hệ: Chị Nguyễn Thị Như - Giám đốc HTX Như Hoa
Địa chỉ: Tổ dân phố Tự, phường Bích Động, Thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Điện thoại: 0343174812; 0843676768
"Trái ngọt" của một hướng đi nông nghiệp bền vững
Bài, ảnh: An Khê
01/05/2025 10:52