Từ bỏ mức lương 30 triệu đồng/tháng về quê viết tiếp ước mơ của bố

Nguyễn Long
01/07/2020 - 16:02
Từ bỏ mức lương 30 triệu đồng/tháng về quê viết tiếp ước mơ của bố

Nguyễn Thị Hảo

Tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc với tấm bằng giỏi, ra trường có công việc ổn định, thu nhập 30 triệu đồng/tháng, Nguyễn Thị Hảo (SN 1992, ở Đan Phượng, Hà Nội) đã từ bỏ công việc với mức lương mà nhiều người mơ ước để theo đuổi đam mê làm mộc, viết tiếp ước mơ của bố.

Hảo sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố làm nghề thợ mộc, mẹ làm ruộng. Từ nhỏ Hảo đã tiếp xúc với lưỡi cưa, lưỡi đục của bố nhưng chưa bao giờ cô nghĩ lớn lên sẽ làm công việc này.

Năm Hảo học lớp 10, bố cô bị tai biến, phải bỏ nghề. Từ đó, xưởng mộc nhỏ của gia đình cũng được dỡ bỏ để lấy đất xây chuồng trại phục vụ chăn nuôi. Tốt nghiệp cấp 3, Hảo thi đỗ đại học, do gia đình nghèo nên cô sinh viên mới chân ướt, chân ráo ra Hà Nội phải tìm đủ việc để làm thêm kiếm sống và đi học.

Năm thứ 4 đại học, mỗi lần về quê, thấy gương mặt u sầu của bố, Hảo buồn lắm và quyết định sẽ làm gì đó để bố vui. Hảo bắt đầu tìm hiểu về nghề mộc, tự mày mò học hỏi. Ban đầu, Hảo học cưa cắt và tự đóng những chiếc bàn, chiếc ghế nhỏ, sau đó, đóng kệ, giá sách và các đồ chơi thủ công cho trẻ em.

Với thành tích học tập tốt, Hảo dễ dàng xin được công việc đúng ngành nghề tại một công ty bất động sản. Khi đó, Hảo cân nhắc rất nhiều nhưng rồi cô quyết định tạm gác lại nghề mộc, đi làm kiếm tiền nuôi em, phụ giúp mẹ chữa bệnh cho bố.

Sau nhiều năm đi làm, Hảo liên tục đạt thành tích nhân viên xuất sắc của công ty, rồi được làm quản lý với mức lương trên 30 triệu đồng/tháng. Thế nhưng chính vì ngồi bàn giấy nhiều khiến cô cảm thấy nhàm chán. Nghĩ về cuộc sống trước đây khi được phụ bố làm mộc, đó là khoảng thời gian Hảo cảm thấy vui vẻ nhất và Hảo đã quyết định từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi nghề mộc.

Từ bỏ mức lương 30 triệu đồng/tháng về quê viết tiếp ước mơ của bố - Ảnh 1.

Hảo làm thợ mộc

Viết tiếp giấc mơ của bố

Về làm nghề mộc, Hảo mua sắm cưa, đục rồi máy móc. Thế nhưng, khi bắt tay vào làm cô lại không biết sử dụng và phải nhờ những người đi trước và tham khảo trên mạng để học cách vận hành.

Đã có những khoảng thời gian Hảo làm việc từ 6 giờ sáng đến 2 giờ đêm mà vẫn chưa hết việc. Với mức thu nhập chỉ bằng một phần nhỏ trước đây, dù đã có lúc Hảo nghĩ sẽ phải dừng lại công việc làm mộc nhưng nghĩ đến mục đích ban đầu của mình Hảo đã vượt qua và tiếp tục theo đuổi.

Ngoài đam mê, trong sâu thẳm suy nghĩ của Hảo, làm mộc còn để bố được nghe tiếng cưa, tiếng đục... hàng ngày, chỉ cần thấy bố vui là Hảo mãn nguyện lắm rồi. "Bố tôi bị tai biến nhưng vẫn đi lại được, hàng ngày ông dùng kinh nghiệm của mình chỉ dạy tôi để làm ra những sản phẩm sắc nét hơn", Hảo nói.

Mất nhiều công sức để làm ra một sản phẩm, người mà Hảo muốn khoe nhất chính là chồng và những người thân trong gia đình. Thế nhưng, khi mang những sản phẩm đó ra, ai cũng chê và bảo sẽ không ai bỏ tiền ra mua những đồ như thế này. Những lời nói đó chẳng khác nào hàng ngàn vết dao cứa vào ruột gan người thợ.

Thế rồi, Hảo đã kiểm chứng những điều mọi người nói bằng cách chụp ảnh các sản phẩm đưa lên mạng để bán. Các sản phẩm đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Điều đó tạo thêm động lực để Hảo cố gắng theo đuổi nghề mộc. Giờ đây, ngoài các vật dụng trong gia đình, cô còn thiết kế các loại đồ chơi, dụng cụ trực quan nhằm phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ.

"Chưa biết thời gian tới sẽ ra sao nhưng tôi nghĩ chỉ cần mình quyết tâm sẽ làm được. Công việc này dù không mang lại thu nhập cao như trước nhưng nó giúp tôi viết tiếp ước mơ của bố, làm bố tôi vui... Như vậy là tôi hạnh phúc lắm rồi", Hảo tâm sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm