Từ vụ nữ sinh lớp 9 ở Đắk Lắk bị dâm ô trong nhà vệ sinh: Cần siết chặt quản lý từ nhà trường

Phúc Nguyên
19/12/2019 - 08:08
Từ vụ nữ sinh lớp 9 ở Đắk Lắk bị dâm ô trong nhà vệ sinh: Cần siết chặt quản lý từ nhà trường
Một nữ sinh lớp 9 ở TP Buôn Ma Thuột bị khống chế bằng dao và dâm ô 2 giờ liền trong nhà vệ sinh của trường bởi tên biến thái giả danh phụ huynh lẻn vào, song nhà trường, thầy cô không hề hay biết. Vụ việc gây phẫn nộ trong dư luận bởi sự liều lĩnh của tên “yêu râu xanh” và sự buông lỏng quản lý, nhận thức của nhà trường.

Học sinh vắng 2 tiếng liền, thầy cô không hề biết

Vụ việc nữ sinh lớp 9 trường THCS Hùng Vương - ngôi trường ngay giữa thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - bị dâm ô trong nhà vệ sinh của trường bởi một thanh niên giả danh phụ huynh đón con, đang khiến xã hội quan tâm và nhiều bậc phụ huynh lo lắng về tình trạng mất an toàn ngày càng cao trong chính trường học.

Từ vụ nữ sinh lớp 9 ở Đắk Lắk bị dâm ô trong nhà vệ sinh: Cần siết chặt quản lý từ nhà trường - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ngày 16/12, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết, qua kiểm tra cho thấy nhà trường có sơ hở và Ban Giám hiệu cần xem xét trách nhiệm trong việc để thanh niên khống chế, dâm ô nữ sinh trong nhà vệ sinh suốt 2 giờ liền. Theo đó, sáng 14/12, Đỗ Hữu Bảo (22 tuổi, trú phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột) giả là phụ huynh đến trường xin gặp người thân để đưa chìa khóa. Sau khi vào trường, Bảo lợi dụng sơ hở đã trốn ra phía sau nhà vệ sinh rồi vào một phòng đóng cửa lại ngồi chờ. Lúc có một nữ sinh vào phòng bên cạnh, Bảo đã dùng dao khống chế, dâm ô nữ sinh lớp 9 trong nhà vệ sinh suốt 2 giờ và còn quay clip để đe dọa.

"Rõ ràng là có sơ hở, có vấn đề về quản lý vì nhà trường đã để người lạ vào suốt nhiều giờ và khống chế nữ sinh mà không ai hay biết", ông Khoa nhận định.

Vụ việc hiện được cơ quan điều tra vào cuộc, xác minh làm rõ. Những cá nhân liên quan có trách nhiệm cũng đã chịu các hình thức xử lý bước đầu. Song điều khiến dư luận bức xúc là việc buông lỏng trong quản lý, kiểm soát người ra vào trường cũng như quản lý chính học sinh của nhà trường.

Tình trạng học sinh bị dâm ô, xâm hại ngay trong chính trường học - nơi tưởng chừng như an toàn nhất với các em, vẫn đang diễn ra với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp hơn. Theo Bộ LĐTBXH, chỉ trong 2 năm 2017 - 2018, cả nước xảy ra 3.139 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại. Trong 3 tháng đầu năm 2019 đã xử lý 310 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, với 325 trẻ em là nạn nhân. Đáng chú ý, hơn 21% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam là người thân trong gia đình.

Từ vụ nữ sinh lớp 9 ở Đắk Lắk bị dâm ô trong nhà vệ sinh: Cần siết chặt quản lý từ nhà trường - Ảnh 2.

Đối tượng Đỗ Hữu Bảo và ngôi trường - nơi xảy ra vụ việc

Nhà trường được cho là nơi an toàn với trẻ, thế nhưng thời gian gần đây không chỉ xảy ra những vụ bạo lực học đường giữa giáo viên với học sinh, đáng sợ hơn còn là những vụ xâm hại tình dục ngay phía sau cánh cổng trường học. Tình trạng xâm hại trẻ em nơi học đường có xu hướng gia tăng, hàng loạt những vụ xâm hại tình dục học sinh đang xảy ra ngay trong chính trường học.

Phân loại đối tượng trẻ em để có giải pháp tuyên truyền phù hợp

Để xảy ra các vụ việc xâm hại, dâm ô học sinh ngay trong trường học, theo các chuyên gia tâm lý, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Hiệu trưởng. Công tác quản lý an ninh, an toàn cần mang tính phòng ngừa thay vì "mất bò mới lo làm chuồng". Bởi sau vụ việc nói trên, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk mới cho biết, Sở sẽ có quy định cụ thể hơn về việc nếu phụ huynh có việc đột xuất thì sẽ được mời vào phòng khách hoặc phòng hội đồng của giáo viên chờ gặp. Đây chỉ là cách thức đối phó sau sự việc xảy ra, còn thực tế cho thấy trước đó, việc quản lý người ra - vào tại nhiều trường học, thậm chí với những trường ngay giữa trung tâm thành phố, vẫn khá bất cập.

Dư luận chưa thể quên vụ việc phụ huynh bé gái một trường Tiểu học tại TP.HCM tố cáo con gái bị xâm hại bởi một người lạ được cho là người cung cấp nước cho trường học, cách đây chưa lâu. Rõ ràng trước mắt, trách nhiệm của nhà trường là phải siết chặt hơn việc kiểm soát người lạ vào trường học, đồng thời có các quy định chặt chẽ về việc phụ huynh đưa đón con hoặc ra vào trường khi có việc đột xuất.

Về lâu dài, công tác phòng ngừa, theo nhiều chuyên gia, vẫn là yếu tố cần được đẩy mạnh hàng đầu. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, trước hết cha mẹ cần trang bị cho trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, thoát ra khỏi nguy cơ bị đe dọa xâm hại. Sau nữa, các biện pháp truyền thông ở trường học cần được tập trung hơn, trong đó nhắm vào đối tượng học sinh, tăng cường các ấn phẩm, tờ rơi với nội dung phong phú, hấp dẫn. "Chúng ta cũng có thể lồng ghép các nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt của Hội phụ nữ các cấp. Trên cơ sở tìm được báo cáo viên tốt trong buổi sinh hoạt hội để cha mẹ nâng cao nhận thức và có ý thức giáo dục con cái của mình tốt hơn", bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết.

Về điều này, phát biểu tại đợt giám sát công tác phòng chống xâm hại trẻ em của đoàn đại biểu Quốc hội vào tháng 8/2019, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, tình hình xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, tính chất mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. "Cần xác định phòng ngừa là biện pháp hàng đầu, cơ bản và lâu dài. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, thông tin không chỉ cho đối tượng trẻ em mà còn dành cho người thân, các đối tượng liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền đến trẻ em cần chú ý việc phân loại đối tượng trẻ em để có giải pháp phù hợp", ông Uông Chu Lưu cho hay.

Cũng theo ông Uông Chu Lưu, với sự phát triển bùng nổ của thông tin, không thể không quan tâm đến vai trò của gia đình trong giáo dục con cái, trách nhiệm của nhà trường trong giáo dục học sinh. "Vừa rồi, Quốc hội có rất nhiều phiên chất vấn liên quan đến bạo lực học đường, tình hình này hiện tại diễn ra như thế nào, có còn nhiều nữa hay không, nổi lên các điểm nào... cũng là điều cần được đánh giá và đưa ra giải pháp phù hợp", ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm