Thống kê tỷ lệ nữ qua các kỳ bầu cử Quốc hội
Qua các số liệu ở bảng trên có thể thấy sự "thăng, trầm" về số lượng và tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) qua các khóa và các thời kỳ. Cụ thể là, các khóa bầu cử ĐBQH trong thời kỳ chiến tranh (từ khóa I đến khóa V) có sự "thăng tiến" cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ nữ đại biểu (về số lượng: khóa I có 10 đại biểu; khóa II: 49; khóa III: 62; khóa IV: 125 và khóa V: 137; về tỷ lệ: từ 3% ở khóa I tăng liên tục tới 32,31% ở khóa V). Bảy khóa bầu cử trong thời kỳ hòa bình, xây dựng lại đất nước (từ khóa VI đến khóa XII) có sự biến động rất lớn, về số lượng đại biểu nữ giảm từ 137 đại biểu (khóa V - giai đoạn cuối chiến tranh) xuống 132 đại biểu (khóa VI - giai đoạn bắt đầu hòa bình xây dựng lại đất nước trên phạm vi cả nước), giảm mạnh còn 73 đại biểu (khoá IX); đến khóa X, số lượng đại biểu nữ có xu hướng tăng trở lại và đạt đỉnh cao là 136 đại biểu (khóa XI), nhưng lại giảm xuống còn 127 đại biểu (khóa XII). Về tỷ lệ đại biểu nữ cũng giảm từ 32,31% (khóa V) xuống còn 18,48% (khóa IX), tăng lên 26,22% (khoá X); 27,31% (khóa XI), và lại giảm xuống 25,76% (khoá XII), trong khi tỷ lệ đại biểu nữ cần đạt là 30% trở lên.
Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị” do Hội LHPNVN và Quỹ châu Á (The Asia Foundation) phối hợp tổ chức, tại Hà Nội ngày 25/8/2015 Ảnh: H.Hòa
Mặc dù, Việt Nam đã được Liên minh Nghị viện thế giới xếp vào những nước có tỷ lệ nữ ĐBQH tương đối cao (đứng thứ 13 trong số 171 nước có số liệu), tuy nhiên xét về tiềm năng và tỷ lệ dân số nữ, cũng như so sánh với một số khóa bầu cử Quốc hội trong thời kỳ chiến tranh, rõ ràng sự tiến bộ cả về số lượng và tỷ lệ đại biểu nữ vẫn còn chưa tương xứng.