Đây là vấn đề quan trọng được đưa ra tại hội thảo “Tham vấn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam vào Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025” tại Hà Nội ngày 24/4.
Ông Bùi Tất Thắng - Chánh Văn phòng Tổ biên tập Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, cho biết: Chiến lược được xây dựng trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới với Chương trình nghị sự về phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Các mục tiêu SDGs là nội dung quan trọng, phổ quát và cân bằng để đạt được phát triển bền vững ở Việt Nam. Lồng ghép các SDGs vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là sự thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc triển khai nhanh và có hiệu quả các SDGs, là sự kế thừa có chọn lọc các bài học sáng tạo được đúc rút từ kinh nghiệm quốc tế hóa các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam gần 2 thập kỷ qua. Lồng ghép các SDGs vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trên nguyên tắc lấy con người làm trung tâm; phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu SDGs.
Bình đẳng giới đang dần trở thành nội dung xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ năm 2014, ở Việt Nam đã không còn sự khác biệt đáng kể trong tỷ lệ biết đọc, biết viết và nhập học giữa nam và nữ ở tất cả các cấp học. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp tăng mạnh, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Sự tiếp cận của phụ nữ vào các hoạt động chính trị, kinh tế- xã hội gia tăng đáng kể. Phụ nữ chiếm tỷ lệ 27,01% trong thành phần các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021.
. Việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, chú trọng đến nữ làm chủ doanh nghiệp đang là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Với những nỗ lực đó, Việt Nam đã và đang có những thành tựu nổi bật. Tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao, đạt 73% và phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 31,8%, thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam cũng đã đạt được nhiều tiến bộ trong các chỉ số về y tế như giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tỷ lệ tử vong trẻ. Các kết quả về tăng tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh cơ bản, nơi ở an toàn ngày càng gia tăng ở mọi bộ phận dân số, bao gồm cả các nhóm yếu thế. Lồng ghép yếu tố giới, dân tộc và trẻ em một cách hợp lý vào quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp xác định trúng mục tiêu của kế hoạch, nâng cao hiệu quả bố trí và sử dụng nguồn lực, duy trì tác động bền vững của các kết quả phát triển.
Hướng đến Kế hoạch hành động quốc gia 2030, Việt Nam cam kết duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững. Kế hoạch hành động quốc gia 2030 còn cho thấy Việt Nam hướng tới kiểu tăng trưởng mới với sự kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tăng tính bền vững về môi trường với định hướng được hoạch định phò hợp hơn với bối cảnh của một nước có mức thu nhập trung bình. Kế hoạch hành động quốc gia 2030 còn đặt ra các mục tiêu về hoàn thành quản trị quá trình phát triển với trọng tâm là tăng cường tham gia, tham vấn và nâng cao trách nhiệm giải trình.