Tỷ phú tự thân nổi tiếng một thời đối mặt với 20 năm tù

Nhu Thụy
04/09/2021 - 06:05
Tỷ phú tự thân nổi tiếng một thời đối mặt với 20 năm tù
Sau 4 năm trì hoãn, phiên tòa xét xử Elizabeth Holmes, tỷ phú startup xét nghiệm máu Theranos với cáo buộc lừa đảo sẽ diễn ra vào tuần sau. Nếu bị kết tội, cô Holmes có thể đối diện án tù 20 năm ở tuổi 37.

Từng được ví như phiên bản nữ của Steve Jobs, tỷ phú một thời Elizabeth Holmes giờ đây chuẩn bị đứng trước cáo buộc lừa đảo hàng trăm triệu USD từ giới đầu tư và bệnh nhân.

Tỷ phú tự thân nổi tiếng một thời đối mặt với 20 năm tù

Báo giới vây quanh Elizabeth Holmes khi cô được đưa đến tòa án


Bồi thẩm đoàn cho phiên tòa của Holmes đã được lựa chọn ngày 2/9. Danh sách bồi thẩm đoàn cho phiên tòa xét xử Holmes gồm 12 thành viên chính và 5 thành viên dự phòng đã tuyên thệ. Từng là "con cưng" của giới truyền thông, khá khó để tìm bồi thẩm đoàn có quan điểm trung lập, chưa từng biết đến Theranos hoặc Holmes.

Dự kiến kéo dài 3-4 tháng, phiên tòa xét xử Holmes sẽ nhắm vào 12 tội danh lừa đảo liên quan đến hoạt động kinh doanh và công nghệ của Theranos. Phiên tòa xét xử Holmes sẽ đặt ra câu hỏi về việc bà bị điều khiển bởi lòng tham và quyền lực, hay chỉ là kẻ ngây thơ tin vào chính mình và bị tình cũ là Ramesh Balwani thao túng. Vụ án xoay quanh vấn đề liên quan đến công nghệ của Theranos mà Holmes khẳng định sẽ "cách mạng hóa lĩnh vực xét nghiệm máu".

Năm 2018, tình cũ của Holmes là Ramesh Balwani cũng bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố với tội danh lừa đảo. Phiên tòa xét xử Balwani dự kiến diễn ra vào đầu năm 2022.

Theo The Guardian, nhóm luật sư của Elizabeth Holmes đã lên kế hoạch bảo vệ thân chủ trước phiên tòa. Phía bị đơn sẽ dựa trên luận điểm rằng Holmes bị bạn trai cũ lạm dụng tình dục, thao túng tâm trí. Vì vậy, hoạt động lừa đảo của công ty Theranos không phải do bà chủ mưu. Nhân vật bị các luật sư đổ tội chính là Ramesh Balwani (57 tuổi). Ông Balwani đồng thời là lãnh đạo cấp cao của Theranos. Đội ngũ pháp lý của Elizabeth Holmes đã nộp đơn lên tòa án Quận San Jose, California. Trong khi đó, bên bào chữa cho ông Balwani phủ nhận mọi cáo buộc.

Thẩm phán Edward Davila tại Tòa án quận Bắc California đã tách vụ án của Holmes và Balwani. Các chuyên gia cho rằng đây là động thái bất thường để 2 người đổ lỗi lẫn nhau mà bên kia không thể phản kháng.

Holmes sớm được ca ngợi là Steve Jobs tiếp theo và trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới. Từng xuất hiện trên bìa của Forbes, Fortune, Inc và được Time liệt kê trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới. Holmes một thời cũng được xem là "nữ hoàng khởi nghiệp" tại thung lũng Silicon. Cô đứng đầu một công ty công nghệ y tế tỷ USD, nắm giữ bí quyết có thể cứu mạng hàng triệu người và thay đổi thế giới. Tuy nhiên, thực tế thiết bị kỳ diệu này mãi chỉ tồn tại trên giấy. Holmes bị cáo buộc dùng các công nghệ xét nghiệm thông thường để giả mạo kết quả cho cỗ máy tưởng tượng kia.

Tỷ phú tự thân nổi tiếng một thời đối mặt với 20 năm tù

Elizabeth Holmes từng nổi tiếng là tỷ phú trẻ nhất thế giới


Holmes thành lập Theranos vào năm 2003 khi mới 19 tuổi rồi nghỉ Đại học Stanford. Balwani gia nhập công ty năm 2009 và huy động hơn 700 triệu USD từ nhà đầu tư. Theranos được định giá 9 tỷ USD cùng nhiều lời lẽ có cánh từ Holmes.

Theranos còn ký thỏa thuận với chuỗi cửa hàng dược Walgreens và siêu thị Safeway tại Mỹ để cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu. Một số chính trị gia Mỹ như George Shultz, Henry Kissinger (cựu Bộ trưởng Ngoại giao), William Frist (cựu Thượng nghị sĩ) và James Mattis (cựu Bộ trưởng Quốc phòng) cũng có tên trong hội đồng quản trị của Theranos.

Sau cuộc điều tra năm 2015 của WSJ về những tuyên bố dối trá của nữ CEO này, hình ảnh của cô xấu đi nhanh chóng. "Cô ta đã lừa đảo, làm hại rất nhiều bệnh nhân và lấy tiền của họ", Tiến sĩ Phyllis Gardner, Giáo sư y khoa Đại học Stanford cho biết.

Về sau, sự giám sát từ cơ quan quản lý và nhà đầu tư đã tiết lộ nhiều điểm nghi vấn về Theranos dẫn đến cáo buộc lừa đảo của SEC, vụ kiện từ nhà đầu tư và Walgreens.

Năm 2016, Forbes hạ ước tính tài sản của Holmes từ 4,5 tỷ USD xuống 0. Tháng 4/2017, Theranos phải trả cho các khách hàng ở bang Arizona số tiền 4,65 triệu USD và không được tham gia vào lĩnh vực xét nghiệm máu trong 2 năm. 11 tháng sau, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) phạt Elizabeth Holmes 500.000 USD, yêu cầu cô phải từ bỏ quyền điều hành công ty mình sáng lập, nộp lại 19 triệu cổ phiếu Theranos. Holmes bị cấm làm giám đốc của bất kỳ công ty đại chúng nào trong một thập kỷ. Năm 2018, Theranos ngừng hoạt động.

Cáo trạng từ Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội Holmes và Balwani từng nói với nhà đầu tư rằng thiết bị của Theranos có thể xét nghiệm lâm sàng đầy đủ bằng cách lấy mẫu máu từ đầu ngón tay, dù cả 2 biết hiệu quả xét nghiệm thực tế rất kém, không đáng tin cậy và chậm chạp. Cả 2 còn tuyên bố với nhà đầu tư Theranos có thể đạt doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2015 nhưng con số thực tế chỉ là vài trăm nghìn USD.

Nguồn: Guardian, NYT
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm