pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ung thư đường mật ngoài gan, cụ bà phải 3 lần đặt stent đường mật
Sức khỏe bệnh nhân ổn định, ăn ngủ tốt, tự sinh hoạt bình thường sau khi can thiệp - Ảnh: AN
Cụ T.N.T. (84 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) bị khối u ngã ba ống gan (u Klatskin - một dạng khối u ở nơi hợp lưu ống gan phải và ống gan trái). Khối u chèn ép gây hẹp, tắc nghẽn ống gan chung.
Vào tháng 8/2020, tại một bệnh viện ở TP.HCM, cụ T. đã được đặt một stent nhựa bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP). Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 1 tuần, cụ lại phải nhập viện do nhiễm trùng đường mật, điều trị bằng kháng sinh. 10 ngày sau đó, các bác sĩ phải tiến hành can thiệp ERCP rút bỏ stent nhựa cũ, đặt stent nhựa mới do stent cũ đã bị tắc gây nhiễm trùng.
5 ngày sau khi đặt stent lần 2, bệnh nhân lại tiếp tục có các biểu hiện của nhiễm trùng đường mật do tắc stent nhựa nên được người thân đưa đi nhập viện. Lần này, cụ được can thiệp đặt 2 ống dẫn lưu ống gan phải và ống gan trái giải áp đường mật bằng phương pháp dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da (PTBD).
Nhưng sau đó, tình trạng vẫn không cải thiện. Khoảng hơn 1 tuần sau khi đặt ống dẫn lưu, cụ T.N.T xuất hiện tình trạng sốt run, vàng da, hạ đường huyết… Cụ ăn uống kém, ốm yếu, tình trạng nhiễm trùng đường mật tái đi tái lại.
Nguy cơ tử vong cao nếu không can thiệp kịp thời
Đầu tháng 12/ 2020, cụ T. nhập viện tại Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM) trong tình trạng vàng da, ăn uống rất kém, khó tiêu, không tự ngồi dậy được, sốt lạnh run từng cơn.
Các kết quả cận lâm sàng cho thấy khối u đường mật trong gan kích thước 25x30x45 mm gây chèn ép tắc ống gan chung, giãn đường mật trong gan phải và trái, ống túi mật giãn, tắc không hoàn toàn đường mật. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị xơ vữa động mạch chủ, tăng huyết áp và có tiền sử đái tháo đường.
Trực tiếp nhận bệnh nhân, ThS.BS. Nguyễn Thế Toàn, Phó Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 đánh giá, bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật, nhiều khả năng stent đã bị tắc, nếu không can thiệp ngay thì có thể chuyển sang nhiễm trùng huyết, nguy cơ tử vong rất cao. Điều khó khăn là bệnh nhân tuổi đã cao, không chỉ bị ung thư mà còn mắc nhiều bệnh lý nền, thể trạng kém.
Với kinh nghiệm của mình, bác sĩ Toàn đã rất thận trọng và tự tin đưa ra phương hướng điều trị, đồng thời trấn an bệnh nhân và gia đình người bệnh.
Theo đó, bác sĩ đã chỉ định phác đồ kháng sinh phù hợp để bệnh nhân chấm dứt tình trạng sốt, sau đó tiến hành can thiệp nội soi mật tụy ngược dòng ERCP rút bỏ stent nhựa cũ đã tắc, đặt một stent kim loại mới kích thước 10mm x 100mm.
Khi đặt stent mới, bác sĩ vẫn giữ lại 2 ống dẫn lưu đường mật cũ để dự phòng. Một ngày sau đó, bác sĩ mới rút bỏ 2 ống PTBD. Sau khi đặt stent, bệnh nhân tiếp tục ở lại bệnh viện để được theo dõi và chăm sóc sức khỏe nâng cao thể trạng.
Sau 2 ngày, bệnh nhân đi lại bình thường, ăn uống tốt, không sốt, không vàng da nên được xuất viện. Sau 5 ngày tái khám, thể trạng của cụ T. đã tốt hơn nhiều, các chỉ số xét nghiệm hoàn toàn ổn định, ăn ngủ tốt, tự sinh hoạt bình thường.
Theo bác sĩ Toàn cho biết, khi stent kim loại đặt đúng vị trí, sẽ đảm bảo sự thông suốt đường mật kích thước > 4mm, đây là kích thước lý tưởng về độ thông suốt đường mật. Trong khi đó, đặt stent nhựa chỉ đảm bảo được nhiều nhất 3,3mm, thấp hơn so với kích thước lý tưởng.
"Đặt stent hợp lý, đúng vị trí sẽ giúp tái lưu thông dịch mật từ gan xuống tá tràng, ngăn ngừa các biến chứng do tắc mật, giúp kéo dài thời gian sống cũng như chất lượng sống của người bệnh", Phó Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 chia sẻ.