pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vai trò của gia đình đối với an sinh xã hội trong những tháng ngày cam go của đại dịch
Những mảnh ghép nhỏ, giá trị lớn
Dịch bệnh Covid-19 là một thách thức lớn đối với các tổ chức an sinh xã hội khi phải đối mặt với những chính sách hỗ trợ, đảm bảo đời sống cho người dân. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng tạo nên một năng lực tự an sinh của mỗi người dân, đặc biệt là với vai trò là thành viên trong gia đình.
Dịch Covid-19 xảy ra đã tác động rất lớn đến đời sống, việc làm và từ đó ảnh hưởng đến thu nhập của mỗi người, từ đó tác động đến từng gia đình nhưng bằng sự tương trợ, vững vàng trước đại dịch, nhiều gia đình đã cùng nhau vượt qua sóng gió.
Là một lái xe tại công ty tư nhân, anh Nguyễn Mạnh Hùng (Phúc Xá, Q. Ba Đình, Hà Nội) đã phải "tạm nghỉ" không lương trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19. Vợ chồng anh phải nuôi hai con nhỏ và một mẹ già đau ốm. Vì thế, kinh tế gia đình trong thời gian này phải trông cậy hoàn toàn vào vợ anh, chị làm ở một cơ quan nhà nước, lương công chức. Anh Hùng cho biết, kinh tế gia đình anh chỉ vừa đủ, không dư dả. Hai vợ chồng đóng góp như nhau nên khi anh nghỉ không lương, coi như mất đi một nửa thu nhập, những ngày đầu gia đình phải xoay xở rất khó khăn. Nhưng sau đó, hai vợ chồng đã lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, bởi nếu dịch kéo dài sẽ không thể chống đỡ nổi. Anh Hùng ở nhà chăm sóc mẹ già, con cái, hướng dẫn con học bài. Vợ anh vừa làm việc cơ quan vừa tranh thủ nhận thêm sổ sách để làm, có thêm thu nhập, cộng với chi tiêu tiết kiệm, gia đình anh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn. Anh Hùng nhận định, với 3 tháng không lương, cuối cùng gia đình anh cũng không đến nỗi quá thiếu thốn, đó là nhờ sự tương trợ lẫn nhau trong gia đình.
Đã qua một thử thách của đợt đầu Covid-19, bước vào cuộc sống mới sau dịch, mỗi cá thể, mỗi gia đình đều đã có kinh nghiệm sống trải qua giai đoạn trước, cho nên tôi tin rằng các gia đình Việt đã và đang luôn có tâm thế của người chiến thắng, có kinh nghiệm trong việc xoay xở, tương trợ, chấp nhận, tin tưởng để vượt qua mọi biến cố”.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa
Cũng như gia đình anh Hùng, gia đình chị Hải Vân và anh Lê Tuấn ở Lào Cai chọn giải pháp "luân phiên" để chèo chống trong đại dịch. Anh chị đều làm cho một công ty du lịch. Khi đại dịch xảy ra, công ty này chỉ duy trì sản xuất một nửa, số lao động còn lại cho nghỉ luân phiên, mỗi tuần chỉ làm 3 ngày, nghỉ 3 ngày không lương. Thu nhập vốn không dư dả nên khi bỗng nhiên "được nghỉ" bán thời gian như vậy, một nửa thu nhập của gia đình cũng giảm theo. "Vậy là hai vợ chồng đổi nhau đi làm, hôm nay chồng nghỉ thì vợ đi, vợ nghỉ thì chồng đi, người còn lại ở nhà làm việc nội trợ, trông nom con cái. Chi tiêu cũng phải tính toán tiết kiệm tối đa. May mắn là hai vợ chồng cũng đã vượt qua", chị Vân cho biết.
Nhưng cũng có những gia đình cả vợ cả chồng đều mất việc làm khi đại dịch xảy đến. Chị Trần Như Hoa và anh Nguyễn Minh Tú (Mê Linh, Hà Nội) đều làm trong một công ty của Trung Quốc. Trong suốt 3 tháng khi bắt đầu dịch Covid-19, cả hai phải nghỉ việc tạm thời. Vừa nuôi con nhỏ, vừa đi thuê trọ, chị Hoa và anh Tú đã vô cùng lo lắng khi thu nhập trở thành con số 0. Số tiền tiết kiệm từ năm ngoái cũng tiêu hết trong dịp tết rồi, vậy mà lại phải nghỉ không lương. Đã vậy, do giãn cách xã hội nên anh chị cũng không kịp về quê để cầu cứu gia đình nội ngoại, đành ở lại Hà Nội chật vật mưu sinh. Chị Hoa và anh Tú mỗi ngày đều thay nhau đi xe máy đến các vườn rau quanh khu vực Mê Linh để mua rồi mang ra chợ dân sinh bán. Người mua thì ít, lại luôn lo sợ bị lây dịch bệnh, tâm trạng bất an, lo lắng, nhất là mỗi ngày bán rau xong trở về nhà không biết mình có bị nhiễm Covid-19 không? Có làm lây sang con không? Chị Hoa nói: "Thú thật, có lúc cơ cực quá, nghĩ thà cả nhà bị Covid rồi cùng nhau vào khu tập trung có khi còn có cái ăn. Đấy là lúc bi quan thì nghĩ vậy thôi, chứ mình dù khó khăn đến mấy cũng không thể trở thành gánh nặng cho xã hội được. Cũng may anh Tú cũng rất chăm chỉ, thương vợ con, sáng sớm dậy đi kiếm nguồn rau về bán ở chợ, ngày ngày cũng đủ ba bữa đạm bạc".
Trước khi đại dịch xảy ra, tôi từng chứng kiến những gia đình vợ chồng lục đục, cha mẹ con cái xung khắc, thậm chí đối xử với nhau khá lạnh nhạt. Nhưng sau thời gian giãn cách xã hội, tôi thấy có nhiều thay đổi. Ví dụ, một ông chồng gia trưởng không bao giờ động vào việc nhà đã có thể vừa nấu cơm vừa kiên nhẫn cùng con học online để vợ đi làm. Một người vợ sống thụ động vào lương của chồng bỗng biết xoay xở bán hàng qua mạng để lo trang trải cuộc sống. Những người đối xử với hàng xóm “lạnh như tiền” bỗng nhiên kêu gọi ủng hộ, quyên góp cho những người nghèo khó trong đại dịch... Nhiều gia đình đã gắn bó, hỗ trợ nhau để cùng vượt qua đại dịch. Bởi thế, tôi cho rằng, trải qua biến cố mới thấy khả năng tự an sinh của các gia đình là vô cùng lớn, cần tiếp tục phát huy, dù chúng ta có đang trong thời kỳ đại dịch hay không”.
Chị Hải Vân, 34 tuổi, ở Lào Cai
Có thể nhận thấy, mỗi gia đình là một mảnh ghép của xã hội. Trong mỗi mảnh ghép ấy, nếu mỗi thành viên đều tự làm công tác "an sinh" trong chính ngôi nhà của mình thì xã hội sẽ bớt đi một gánh nặng. Bởi vậy, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 vừa qua, vai trò an sinh của gia đình trong xã hội càng được phát huy tối đa, thể hiện là một mảnh ghép nhỏ nhưng giá trị lớn.
Tương trợ, chấp nhận, tin tưởng để vượt qua biến cố
Nói về vai trò của gia đình đối với xã hội, chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, gia đình là tổ ấm của con người, là nơi để sau những giờ làm mệt mỏi ngoài xã hội, người ta trở về trong bầu không khí thân mật, thương yêu nhau để tái tạo sức lao động, để ngày hôm sau bước vào cuộc sống lao động lại tràn đầy năng lượng. Chính vì vậy, những lúc xã hội có biến cố, ảnh hưởng đến đời sống chung thì việc tự lực an sinh trong mỗi gia đình là vô cùng quý giá và cần thiết. Trong thời dịch Covid-19 vừa qua, nhà nước và các tổ chức xã hội đã dành nhiều hình thức hỗ trợ đến từng gia đình, từng cá nhân nhưng việc mỗi gia đình tự giúp nhau sẽ trở thành sức mạnh lớn, chia sẻ gánh nặng cho xã hội và giúp bản thân có thêm nghị lực, kỹ năng ứng phó với khó khăn.
Chuyên gia Trịnh Trung Hòa cũng cho rằng, về mặt đời sống tinh thần, cũng cần "an sinh". Thời gian dịch bệnh Covid-19, giãn cách xã hội vừa qua cũng là thời gian để các thành viên trong gia đình gần gũi, yêu thương, chia sẻ với nhau. Các gia đình Việt Nam vốn có truyền thống gắn kết, yêu thương, nên khi đại dịch xảy ra, truyền thống này lại có cơ hội phát huy. Chính vì vậy, có thể nhận ra, khi các nước trên thế giới lao đao vì đại dịch, thậm chí còn có bài báo đăng tải tỷ lệ ly hôn ở một nước lớn tăng đột biến sau khi dịch Covid-19 tạm lắng, thì ở Việt Nam, dường như cuộc sống gia đình vẫn không có nhiều biến động.
Vì vậy, có thể khẳng định rằng, vai trò của gia đình đối với an sinh xã hội là rất lớn. Khả năng tự an sinh của các gia đình Việt Nam cũng rất tốt. Chính vì thế, thời gian qua, thế giới có nhiều nước biểu lộ lòng cảm phục công cuộc chống Covid-19 ở Việt Nam.