Vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc giữ vững định hướng XHCN của việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam (bài 2)

GS.TS. Trần Văn Phòng - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Viện trưởng viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
11/09/2023 - 14:31
Vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc giữ vững định hướng XHCN của việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam (bài 2)

Tín dụng chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế

Bi kịch của người có thu nhập thấp, người nghèo, hộ nghèo cũng chính là thị trường béo bở cho các hoạt động tín dụng nhất là "tín dụng đen".

Giúp người nghèo, các đối tượng chính sách tiếp cận được tài chính phù hợp, tin cậy, tránh được "tín dụng đen"

Chúng ta đều rõ, lợi dụng những hoàn cảnh khó khăn của một số hộ, đã xuất hiện "hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao hơn quy định của pháp luật từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước".

Bi kịch của người có thu nhập thấp, người nghèo, hộ nghèo cũng chính là thị trường béo bở cho các hoạt động tín dụng nhất là "tín dụng đen".

Phương thức cho vay kiểu "tín dụng đen" đã gây ra những hệ lụy khôn lường, nhiều người nghèo càng trở nên nghèo hơn. Vay tín dụng đen sẽ tạo ra những khoản nợ lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền vay ban đầu. Điều này sẽ khiến cho người vay không có đủ khả năng chi trả, mất khả năng chi trả khi số nợ quá lớn.

Lúc này, người vay tiền tín dụng đen sẽ bị uy hiếp, khủng bố, đe dọa, tung hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm… làm ảnh hưởng đến cuộc sống và cả tính mạng của bản thân và những người thân xung quanh. Từ đây gây ra bất ổn xã hội, làm mất an ninh, an toàn trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội.

Tín dụng chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp những hộ nghèo phát triển kinh tế

Do vậy, tín dụng chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp những hộ nghèo không mắc vào bẫy "tín dụng đen". Bởi lẽ, tín dụng chính sách xã hội thông qua NHCSXH với nhiều chương trình tín dụng cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác vay.

Hơn nữa, NHCSXH có tới trên 10.400 Điểm giao dịch xã, mạng lưới rộng khắp cả nước và thực hiện ủy thác một số công đoạn trong quy trình cho vay thông qua bốn tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nên các hộ nghèo, hộ cận nghèo, những đối tượng chính sách có cơ hội tiếp nhận dịch vụ của tín dụng chính sách xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc giữ vững định hướng XHCN của việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam (bài 2) - Ảnh 2.

Hội LHPN là 1 trong 4 tổ chức chính trị xã hội nhận nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH

Đồng thời, NHCSXH đã phối hợp với chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập, quản lý trên 168 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn đến 100% thôn, ấp, bản, làng, phum, sóc, tổ dân phố trên toàn quốc.

Có thể nói, Tổ tiết kiệm và vay vốn là cầu nối giữa ngân hàng với người nghèo, hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, đã góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến đúng các đối tượng được thụ hưởng kịp thời, tiết giảm chi phí cho người vay. Trên cơ sở đó, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội thoát khỏi bẫy "tín dụng đen". Như vậy, vừa góp phần ổn định, phát triển kinh tế, vừa góp phần ổn định chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó, giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường.

Giúp người nghèo tiếp cận được tài chính cho việc nâng cao sức sản xuất, tạo sinh kế phát triển bền vững

Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến 31/12/2022 tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 867 nghìn lao động, trong đó có trên 7 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 62 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, giúp mua gần 87 nghìn máy vi tính, thiết bị học trực tuyến.

Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho đào tạo nghề, phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm cho các đối tượng là thanh niên tập trung chủ yếu vào 6 chương trình tín dụng lớn như: Chương trình tín dụng hộ nghèo; Chương trình tín dụng hộ cận nghèo; Chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo; Chương trình cho vay giải quyết việc làm; Chương trình tín dụng đối với vùng khó khăn; Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc giữ vững định hướng XHCN của việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam (bài 2) - Ảnh 3.

Tín dụng chính sách giúp người nghèo tiếp cận được tài chính cho việc nâng cao sức sản xuất, tạo sinh kế phát triển bền vững

Qua đây cho thấy, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho chính các đối tượng nghèo và chính sách xã hội, giúp cho một số người có cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh, số khác thì học nghề để có thể kiếm việc làm, số nữa thì đi lao động có thời hạn ở nước ngoài vừa tăng thu nhập vừa trau dồi tay nghề; học sinh, sinh viên khó khăn thì được hỗ trợ vay học tập để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Riêng năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ, tạo việc làm cho gần 879 nghìn lao động, giúp trên 7,5 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 70 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập.

Tín dụng chính sách cũng đã giải ngân cho gần 86 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập; giúp gần 1,1 nghìn doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho gần 155 nghìn người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã tham gia xây dựng gần 1,5 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xây dựng gần 1,6 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, trên 11,2 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp.

Tín dụng chính sách xã hội còn góp phần giúp những hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện khai thác tiềm năng đất đai; nâng cao chất lượng lao động thông qua các quỹ dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý để phát triển các sản phẩm truyền thống (sản phẩm OCOP), sản phẩm mới, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nghèo lao động ở nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên cả nước. Trên cơ sở đó giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

(Nguồn: VBSP, còn tiếp)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm