Việt Nam đối diện nguy cơ "bị đánh cắp nguồn nhân lực một cách hợp pháp"

PVH
31/12/2019 - 15:47
Việt Nam đối diện nguy cơ "bị đánh cắp nguồn nhân lực một cách hợp pháp"
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra hôm nay (31/12), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị lãnh đạo 63 tỉnh/thành tập trung giải pháp căn cơ phòng cống bạo lực, xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, ông Dung cũng nêu ra nguy cơ nước ta bị "đánh cắp nhân lực một cách hợp pháp", có thể bị mất nguồn nhân lực một cách ồ ạt.

Tiếp tục chương trình làm việc Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, sáng nay (31/12), ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cho biết: Cùng với những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế, các lĩnh vực xã hội, an sinh của nước ta trong năm 2019 cũng đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Trong đó, giảm nghèo đa chiều và Xây dựng nông thôn mới chính là điểm sáng trong năm qua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,35%, đến nay còn dưới 4%. Có thể nói, "kết quả này là về trước một bước mục tiêu thiên niên kỷ". Theo 3 tiêu chí hộ nghèo của Liên Hợp Quốc, thì thực chất hộ nghèo của nước ta còn lại chỉ là 1,35%, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Việt Nam đối diện nguy cơ bị 'đánh cắp nguồn nhân lực một cách hợp pháp' - Ảnh 1.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Trong lĩnh vực quản lý của ngành, ông Đào Ngọc Dung cho biết: Về đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, cung cầu thị trường lao động, trong năm qua, cả nước giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động (vượt 130% chỉ tiêu); tỷ lệ thất nghiệp còn 3,2% vượt chỉ tiêu; 148 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giáo dục nghề nghiệp tăng 15 bậc; quy mô lao động 56 triệu đang có sự chuyển dịch theo hướng hợp lý, lao động khu vực nông nghiệp giảm còn 34,5%...

Theo ông Đào Ngọc Dung, nguồn nhân lực là nguồn tài nguyên quý nhất của nước ta. Tuy vậy, thực tế hiện nay "nguồn nhân lực nhiều nhưng lại là nguồn nhân lực giá rẻ". Đây không được coi là ưu thế vượt trội để thu hút đầu tư. Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì cần quan tâm tới vấn đề phát triển nguồn nhân lực và coi đây là yếu tố quyết định.

Bộ trưởng Dung đề nghị Trung ương và các địa phương tăng cường ngân sách đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Tập trung các giải pháp nâng tầm kỹ năng cho lao động Việt Nam. Chuyển nhanh lao động khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, nâng cao thu nhập của nhóm thu nhập thấp.

Đồng thời dự báo cung cầu lao động, đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường.  Cùng với đó có giải pháp căn cơ, dự báo những tác động tới sự thay đổi của các ngành nghề. Trong tương lai, dự báo có 30% ngành nghề sẽ thay đổi và 40% ngành nghề hiện tại sẽ không còn phù hợp trong tương lai.

Ông Đào Ngọc Dung cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm các vấn đề liên quan tới nguồn nhân lực. Cụ thể, quản lý chặt chẽ dân cư, phòng chống tội phạm môi giới đưa người di cư bất hợp pháp, trốn ra nước ngoài. Thứ 2, kiểm soát chặt chẽ các loại hình đào tạo liên kết với nước ngoài, nhất là hình thức liên kết trá hình để đưa người ra nước ngoài trái phép. Ông Đào Ngọc Dung cho biết, trên cả nước hiện có 42 điểm đang liên kết để hợp thức hóa đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

Đặc biệt, Bộ trưởng Dung cũng nêu ra thực trạng nước ta có thể bị "đánh cắp nguồn nhân lực một cách hợp pháp". Ông Đào Ngọc Dung cho biết: Trong quý 1/2020, nhiều khả năng có một số nước do áp lực già hóa dân số sẽ tìm mọi cách để "đánh cắp nhân lực một cách hợp pháp". Cách thức là cấp visa du lịch để người lao động sang nước đó, đồng thời cho phép các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng thẳng lao động có visa du lịch đó. "Nếu không khéo nước ta có thể bị mất nguồn nhân lực một cách ồ ạt", ông Đào Ngọc Dung lo ngại.

Để phát triển nguồn nhân lực một cách bền vững, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045, trong đó đào tạo ban đầu cho 1 triệu lao động và đào tạo lại cho vài chục triệu lao động, đồng thời coi đây là giải pháp trọng tâm…

Việt Nam đối diện nguy cơ bị 'đánh cắp nguồn nhân lực một cách hợp pháp' - Ảnh 2.

Lao động nữ đi làm việc tại Nhật Bản. Ảnh minh họa

Tại Hội nghị trực tuyến này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị các địa phương tập trung triển khai các giải pháp căn cơ để phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đặc biệt là 12 tỉnh/thành có tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em có số vụ lớn trên cả nước. Đây là vấn đề gây ra nhiều bức xúc, lo lắng trong xã hội thời gian qua. Theo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" và báo cáo kết quả tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2020.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm