pnvnonline@phunuvietnam.vn
Việt Nam sẽ đón chào công dân thứ 100 triệu vào năm 2023
Người di cư chịu nhiều thiệt thòi, nhất là ảnh hưởng do dịch Covid-19
Đó là nhận định của ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tại lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người di cư (18/12), do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) phối hợp với Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) và Nhóm Kỹ thuật Sức khỏe Người di cư tổ chức ngày 18/12.
Năm 2000, Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua Nghị quyết chọn ngày 18/12 là Ngày Quốc tế Người Di cư. Trước đó, vào ngày 18/12/1990, Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về Bảo vệ Quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ. Năm 1997, các tổ chức di cư của Philippines và các nước Châu Á bắt đầu kỷ niệm ngày 18 tháng 12 như một Ngày Quốc tế Đoàn kết của người di cư.
Theo IOM, trên thế giới hiện có 281 triệu người di cư. Người di cư là nguồn đóng góp quan trọng cho sự thịnh vượng, đổi mới và phát triển bền vững của quốc gia đi, đến và thậm chí quá cảnh. Kiều hối của người di cư mang lại nguồn sống cho nhiều gia đình, thúc đẩy thị trường địa phương phát triển, đặc biệt là ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Trong những năm gần đây, xung đột, mất an ninh, dịch bệnh và biến đổi khí hậu đã buộc nhiều người phải di cư để đến những nơi an toàn hơn. Trong đó, người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương. Họ thường bị lạm dụng, bóc lột và bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ thiết yếu bao gồm chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, phải đối mặt với sự kỳ thị, bài ngoại do thông tin sai lệch gây ra.
Ngoài ra, nhiều lao động di cư thường làm những công việc tạm thời, không chính thức hoặc không được bảo vệ. Điều này khiến họ có nguy cơ cao phải làm việc trong điều kiện tồi tệ, không được bảo vệ và dễ bị sa thải.
Hàng triệu người vẫn tiếp tục thực hiện các hành trình di cư đầy nguy hiểm mỗi năm bởi thiếu vắng các con đường di cư an toàn. Hơn 50.000 người di cư đã thiệt mạng trên các tuyến đường di cư trên khắp thế giới, kể từ năm 2014.
Phát biểu tại Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người di cư, bà Park Mihyung Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam đã nhấn mạnh: Chúng ta cần sự đoàn kết, chung tay của tất cả các bên, cùng nhau hành động, hỗ trợ và bảo vệ các quyền cơ bản của người di cư. Hãy chia sẻ, lắng nghe người di cư hơn nữa thông qua những câu chuyện và cách nhìn của chính họ. Vì những hành trình an toàn, trật tự và tốt đẹp hơn.
Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết, người di cư có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của quốc gia sở tại và quốc gia đi. Tuy nhiên, trong quá trình di cư, người di cư cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội. Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương và đại dịch Covid-19 vừa qua càng cho ta thấy rõ điều đó hơn.
Theo ông Tú, dân số Việt Nam hiện nay là hơn 99 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Việt Nam sẽ đón chào công dân thứ 100 triệu vào năm sau, năm 2023. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 66,6 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 68% tổng dân số cả nước.
Với quy mô dân số lớn 100 triệu dân, đồng nghĩa với việc Việt Nam là một thị trường lớn với 100 triệu khách hàng, luôn hấp dẫn bất cứ nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam. Chính những điều này đã tác động đến các dòng di cư tại Việt Nam cũng như dòng di cư đi và đến Việt Nam. Các số liệu thống kê cho thấy, đã có sự phục hồi, gia tăng nhanh chóng các dòng di cư của nước ta, góp phần quan trọng vào việc phục hồi, tăng trưởng kinh tế đất nước.
"Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với người di cư, bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản", ông Tú thông tin.
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Người di cư, Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam đã trao giải cho các cá nhân được bầu chọn cao nhất trong cuộc thi "Di cư qua lăng kính của tôi".