Vợ người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn: "Khi nghe tin, chân tay tôi rụng rời"

Nguyệt Minh
21/08/2020 - 18:02
Vợ người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn: "Khi nghe tin, chân tay tôi rụng rời"

Chị Bùi Ngọc Tủi tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Nguyệt Minh

“Khi nghe tin chồng bị rắn độc cắn, chân tay tôi rụng rời. Nhiều người nói bị rắn hổ mang chúa cắn thì không ai cứu được”, chị Bùi Thị Ngọc Tủi, vợ người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn đã ôm theo cả rắn vào bệnh viện, chia sẻ.

Tại Khoa Bệnh bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy, gương mặt Bùi Thị NgọcTủi (28 tuổi, tỉnh Tây Ninh) phờ phạc sau thời gian lo lắng cho tính mạng của chồng khi bị rắn hổ mang chúa cắn.

"Khi anh qua cơn nguy kịch thì tôi yên tâm hơn một chút. Trước đó, chân tay tôi rụng rời khi nghe tin chồng bị rắn độc cắn. Nhiều người nói bị rắn hổ mang chúa cắn thì không ai cứu được. Bác sĩ cũng nói tỉ lệ tử vong của chồng tôi đến 80%", chị Tủi kể.

Trước đó, vào ngày 19/8, khi đang làm rẫy, anh Tâm (38 tuổi) - chồng chị Tủi - thấy con rắn to nên tìm cách bắt. Nhưng không may, con rắn hổ chúa quay lại tấn công, cắn vào đùi phải. Anh được người dân phát hiện đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh rồi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), con rắn hổ mang chúa vẫn quấn chặt trên tay.

Chị Tủi kể, vào thời điểm chồng bị rắn độc cắn thì chị đang làm cỏ thuê ở một rẫy mãng cầu. Khi được một người phụ nữ bán vé số báo tin, chị hớt ha hớt hải chạy đến thì hay chồng đã được đưa đi bệnh viện.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, chị thấy bác sĩ đang cứu chữa cho chồng, con rắn hổ mang chúa quấn chặt trên tay anh Tâm. Do tình trạng nguy kịch, chồng chị được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

"Chân tay tôi rụng rời khi nghe tin chồng bị rắn độc cắn" - Ảnh 1.

Chị Bùi Ngọc Tủi tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Nguyệt Minh

Chị Tủi cho biết, chị và anh Tâm kết hôn 11 năm trước và đã có 2 con, bé trai đầu 9 tuổi và bé gái hơn 2 tuổi. Trước đây, anh Tâm làm rẫy. Đầu năm nay, anh bất ngờ bị tai nạn giao thông khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, không thể làm được việc nặng. Cũng từ đó, cuộc sống gia đình vốn dĩ đã khốn khó càng trở nên khó khăn hơn. Việc chi tiêu trong gia đình chủ yếu dựa vào công việc làm mướn của chị Tủi, với mức thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày, hết sức bấp bênh.

Hơn mười ngày trước, anh Tâm được người thân tặng 3 cái lưới bắt rắn. Biết khu vực gần núi Bà Đen có nhiều rắn, anh giăng lưới ở các rẫy trồng mãng cầu. Hôm đầu tiên, anh bắt được một con rắn long thừa nặng chừng 3kg, bán được 250.000 đồng.

Đến sáng 19/8, khi đang làm rẫy, anh thấy con rắn to nên tìm cách bắt nhưng không ngờ lại gặp nạn. Theo chị Tủi, chồng mình không phải là thợ bắt rắn. Cũng chỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn kiếm tiền đóng tiền học cho con và cũng không biết đó là rắn độc nên anh mới liều mạng như vậy.

BS Nguyễn Ngọc Sang, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết, bệnh nhân Tâm được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy nhập viện trong tình trạng bị rắn hổ chúa cắn vào vùng đùi bên phải. Bệnh nhân rơi vào tình trạng rất nguy kịch khi bị liệt hoàn toàn tứ chi, đồng tử giãn, mất phản xạ ánh sáng. Bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp, điều trị tích cực và truyền huyết thanh kháng nọc rắn.

Sau khi điều trị, bệnh nhân hồi phục tốt. Do lượng nọc độc phóng thích vào cơ thể nhiều nên bệnh nhân đã được truyền hai lần với tổng cộng 15 lọ huyết thanh kháng nọc rắn. Hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi sát các biến chứng tim mạch, viêm mô tế bào tiến triển, nhiễm trùng vết cắn.

"Chân tay tôi rụng rời khi nghe tin chồng bị rắn độc cắn" - Ảnh 2.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: BSCC

Theo bác sĩ Sang, rắn hổ mang chúa là loài rắn to lớn, có độc tính cao. Khi bị lượng độc tiêm vào cơ thể lớn có thể gây tử vong nhanh chóng khi người bị cắn chưa kịp đến cơ sở y tế. Nọc rắn phát tán nhanh chóng làm cho nạn nhân liệt tứ chi và liệt cơ hô hấp, suy đa phủ tạng nhanh. Bệnh nhân cần được sơ cứu và truyền huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn sau đó dù giải quyết được tình trạng liệt cơ và hô hấp nhưng có thể đối diện nhiều biến chứng từ 24-48 tiếng sau do nọc rắn tấn công vào cơ tim làm hủy cơ tim, suy tim cấp.

Bên cạnh đó, lượng nọc tiêm vào vết cắn nhiều có thể làm viêm mô tế bào tiến triển, sưng phù hoại tử cơ. Các cơ bị hủy vô tình phóng thích men cơ ồ ạt có thể làm cho bệnh nhân bị suy thận cấp.

Bác sĩ khuyến cáo khi đi vào những vùng rừng núi, bụi rậm, người dân nên sử dụng các loại giày cao su, dùng gậy để khua và đánh động các loại rắn tránh xa. Rắn hổ mang chúa có đặc tính có thể chủ động tấn công khi bị xâm phạm lãnh thổ nên càng nguy hiểm. 

Khi lỡ bị rắn cắn, tốt nhất cần ra khỏi khu vực nguy hiểm càng sớm càng tốt, nên hạn chế cử động vùng bị cắn, tránh làm khuyếch tán nọc độc và đến cơ sở y tế gần nhất. Bệnh nhân nếu không mang rắn được tới bệnh viện thì có thể chụp hình hoặc quan sát loại rắn cắn mình để giúp cho bác sĩ khai thác thông tin dịch tễ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm