Vụ C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì: Người tiêu dùng khó chứng minh thiệt hại

05/09/2016 - 18:00
Dự kiến ngày mai, 6/9, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ làm việc với URC Việt Nam để bàn về việc đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng. Theo LS Trịnh Văn Thắng (Văn phòng LS Interla), việc chứng minh thiệt hại đối với người tiêu dùng là rất khó.

PV: Thưa luật sư, với việc gần 40.000 thùng sản phẩm C2 và Rồng Đỏ của URC nhiễm chì đã được sử dụng thì URC có phải bồi thường cho người tiêu dùng không, căn cứ theo quy định nào?

LS Trịnh Văn Thắng: Trước hết phải khẳng định rằng việc kinh doanh sản phẩm nhiễm chì của URC nếu gây ra thiệt hại cho khách hàng thì sẽ phải bồi thường căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010. Cụ thể như sau:

Căn cứ theo quy định tại khoản 6, Điều 8, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 thì quyền của người tiêu dùng đó là:

“Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”.

3.jpg
Luật sư Trịnh Văn Thắng

Tại Điều 23 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 cũng nhấn mạnh: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa bao gồm:

Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa;

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa;

Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa;

Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa;

Như vậy, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, tổ chức kinh doanh hàng hóa phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định tại Chương XXI của Bộ luật Dân sự năm 2005. Về mặt nguyên tắc, những người đã tiêu thụ C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì có quyền tự mình hoặc đề nghị các tổ chức xã hội, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng khởi kiện để yêu cầu URC bồi thường thiệt hại.

PV: Do người tiêu dùng trên diện rộng nên việc bồi thường, mức bồi thường (nếu có) cho người tiêu dùng sẽ được xác định như thế nào? Liệu có phải đem tiền đến từng nhà bồi thường, thưa luật sư?

LS Trịnh Văn Thắng: Tại Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

  1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
  2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”.

Như vậy, kết hợp với các quy định trên thì để yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp này thì cần phải có các căn cứ sau:

Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật (kể cả trường hợp hành vi của chủ thể gây thiệt hại là hành vi có lỗi hoặc không có lỗi);

Có thiệt hại thực tế xảy ra. Thiệt hại ở đây là thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe… bị xâm phạm.

Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại thực tế xảy ra.

Về mức bồi thường: Căn cứ theo quy định tại Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì: Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.”.

Như vậy, qua đây có thể thấy rằng mức bồi thường sẽ căn cứ trên thiệt hại thực tế xảy ra và các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường này hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết nếu không thỏa thuận được.

Theo thông tin trên thì có gần 40.000 thùng sản phẩm bị nhiễm chì đã được tiêu thụ, không thu hồi được. Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng chưa khoanh vùng được khu vực tiêu thụ các sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Do đó, rất khó để có thể đem tiền bồi thường đến từng nhà để bồi thường cho người sử dụng.

Sở dĩ khẳng định việc bồi thường thiệt hại cho từng người là rất khó bởi vì:

Thứ nhất, rất khó xác định được chủ thể bị thiệt hại do trên thực tế người tiêu dùng thường mua lẻ và ít lưu giữ chứng cứ chứng minh đó là sản phẩm bị nhiễm chì, sản phẩm kém chất lượng. Bên cạnh đó, việc tích tụ chì, kim loại hoặc thành tố khác trong cơ thể sẽ phải mất một thời gian dài và tùy theo cơ địa của mỗi người nên việc vừa uống sản phẩm này mà cho rằng sẽ gây tác hại ngay thì sẽ khó chứng minh được.

Thứ hai, việc chứng minh thiệt hại do sản phẩm kém chất lượng gây ra không đơn giản và cần có hóa đơn chứng từ cho các chi phí khám chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe, tỷ lệ thương tật, tổn thương, mất khả năng lao động, cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập thực tế bị mất, … 

4.jpg
40 nghìn thùng sản phẩn C2 và Rồng đỏ nhiễm chì đã không thể thu hồi

PV: Dưới góc độ chuyên gia về luật, nếu là người có trách nhiệm chính trong vụ việc, luật sư sẽ đưa ra phương án xử lý như thế nào?

LS Trịnh Văn Thắng: Theo quan điểm của tôi, để xử lý dứt điểm vụ việc này, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng cần sự phối hợp thực hiện của nhiều các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, cụ thể như sau:

Về phía người tiêu dùng, nếu đã uống phải các sản phẩm C2, Rồng đỏ vượt ngưỡng chì cho phép thì trước hết cần tiến hành kiểm tra sức khỏe của mình tại các cơ sở y tế có chuyên môn. Sau đó, để có thể yêu cầu tổ chức có trách nhiệm bồi thường, người tiêu dùng cần thu thập chứng cứ để chứng minh việc mình đã mua những chai nước này ở đâu, thời gian nào, đã uống hay chưa uống, có thiệt hại về sức khỏe hay không? đồng thời liên hệ với cơ quan quản ý an toàn thực phẩm tại địa phương hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Chương III Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) để phản ánh về việc sử dụng sản phẩm và được hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Đối với các đại lý, đối tác, các bạn hàng tiêu thụ của URC: Các đơn vị này có những phiếu hóa đơn nhập hàng, xuất hàng hoặc hóa đơn thanh toán tiền hàng hóa. Vì vậy, các đơn vị này cần tổng hợp lại về lượng sản phẩm tiêu thụ của mình, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để khoang vùng được những nơi đã sử dụng sản phẩm kém chất lượng.

Về phía cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010 thì hệ thống tổ chức quản lý an toàn thực phẩm đã được thành lập và giao nhiệm vụ cụ thể từ trung ương tới tỉnh, huyện và xã/phường/thị trấn. Hệ thống này giúp cho việc thực thi quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo chuỗi, và giúp kiểm soát an toàn thực phẩm tại nơi phát sinh ra mối nguy hại. Vì vậy, các cơ quan này theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã được quy định cần tiến hành rà soát, khoanh vùng phạm vi tiêu thụ sản phẩm không đảm bảo chất lượng, phối hợp cùng với tổ chức kinh doanh sản phẩm thu hồi lại các sản phẩm chưa được bán hết tại các đại lý, cửa hàng đồng thời hướng dẫn để người dân kiểm tra sức khỏe, liên hệ với đơn vị để được bồi thường và cùng với các bên để đưa ra phương án giúp đỡ, hình thành quỹ quỹ bồi thường và bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng sản phẩm.

Về tổ chức kinh doanh có sản phẩm kém chất lượng (URC), trước hết, tổ chức có hành vi vi phạm phải thực hiện đúng quyết định của các cơ quan chức năng về việc xử lý sản phẩm không đảm bảo chất lượng; liên hệ với các đại lý, cửa hàng để thu hồi và tiêu hủy tối đa các sản phẩm còn chưa tới tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, như đã phân tích ở trên, việc chứng minh thiệt hại và bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, với ý thức, đạo đức và lương tâm của người kinh doanh, tổ chức kinh doanh sản phẩm cần phải có trách nhiệm với sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, tổ chức kinh doanh cần phải có biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra sức khỏe tổng quát cho người tiêu dùng và có phương án bồi thường cho người tiêu dùng đối với những khu vực tiêu thụ nhiều sản phẩm kém chất lượng…

Tôi cho rằng, các ngành chức năng cũng cần thành lập hội đồng có chuyên môn để đánh giá về những tác động, tác hại của lượng chì có trong hơn 40.000 thùng sản phẩm bị nhiễm chì chưa thu hồi được đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Trên cơ sở đánh giá này, các cơ quan chức năng và tổ chức kinh doanh có thể lập quỹ có thể gọi là “Quỹ dự phòng bồi thường” để chính tổ chức kinh doanh khắc phục hậu quả của sản phẩm lỗi và cũng là để các cá nhân, tổ chức trong xã hội đóng góp. Quỹ này sẽ được sử dụng trong việc kiểm tra sức khỏe, bồi thường, hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi hàm lượng chì (có thể không phân biệt việc bị ảnh hưởng bởi hàm lượng chì là từ sản phẩm nào).

Xin cảm ơn luật sư!

Thanh tra Bộ Y tế cho biết có hơn 40.000 thùng thuộc 2 lô nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì mà nhà sản xuất là Công ty URC phải thu hồi. Tuy nhiên, theo báo cáo của URC, họ chỉ thu hồi được gần 1.200 thùng, chủ yếu là lô C2 sản xuất vào tháng 2, còn lô Rồng Đỏ sản xuất cuối năm 2015 gần như đã bán hết. URC cho biết tổng giá trị sản phẩm C2, Rồng Đỏ đã bán ra là gần 3,9 tỷ đồng và số này không thể thu hồi được.  

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm