Vụ người cha tại Hóc Môn đánh con dã man: Dù trẻ thương tật dưới 11% cũng phải khởi tố

Đinh Thu Hiền
06/05/2021 - 13:34
Vụ người cha tại Hóc Môn đánh con dã man: Dù trẻ thương tật dưới 11% cũng phải khởi tố

Bàn tay đầy máu của bé H.A sau khi bị cha ruột đánh. Ảnh: Nguồn tin riêng gửi cho Báo PNVN

Luật sư của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM cho biết, lẽ ra các cơ quan chức năng huyện Hóc Môn (TPHCM) cần đưa trẻ đi giám định thương tật ngay khi tiếp nhận sự việc và dù tỉ lệ thương tật dưới 11% cũng phải khởi tố.

Trao đổi về vụ việc bé trai V.T.H.A tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn (TPHCM) bị cha ruột đánh dã man, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, cho biết, các cơ quan chức năng tại đây cần phải đưa trẻ đi giám định thương tích ngay khi tiếp nhận sự việc. Cho dù tỉ lệ thương tật của trẻ em dưới 11% thì cũng cần phải khởi tố. 

Vụ bé trai 10 tuổi bị cha đánh dã man tại Hóc Môn: Dù trẻ thương tật dưới 11% cũng phải khởi tố - Ảnh 1.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trường Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM

Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; b) Dùng axít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ".

Trong các diễn biến liên quan, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cũng khẳng định, bé H.A cho dù có ham chơi thì người lớn cũng không được bạo hành và ra đòn dã man, vì điều đó là vi phạm pháp luật. Có nhiều phương cách để dạy dỗ trẻ, kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Vậy nên không thể đổ lỗi cho trẻ hư mà đánh đập, bạo hành trẻ. "Ở khía cạnh khác, việc bé H.A có "năn nỉ" xin đi bán vé số thì người lớn cũng không được phép sử dụng lao động khi đối tượng còn ở lứa tuổi chưa trưởng thành. Việc này vi phạm quyền trẻ em, theo Luật trẻ em 2016, có hiệu lực 1/6/2017", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết. 

Clip bé H.A bị cha đánh dã man đã được hàng xóm ghi lại gửi tới Báo PNVN

* Như Báo PNVN đã phản ánh, cháu V.T.H.A sống cùng cha mẹ tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn (TPHCM), bị cha đánh đập dã man vào nửa đêm khiến hàng xóm phẫn nộ quay clip gửi tới Báo PNVN. Cũng theo lời kể của người hàng xóm, sau một lần bị cha đánh dã man, bàn tay của cậu bé máu chảy ròng ròng, mắt bị sưng phù rất đáng thương. Người đàn ông được xác định là cha ruột của H.A. Trong clip có xuất hiện mẹ ruột của H.A nhưng người này không hề có hành vi nào bảo vệ cậu bé mà còn hét lớn, chửi mắng con.

Sáng hôm qua, 5/5/2021, các cơ quan chức năng huyện Hóc Môn đã tới xã Thới Tam Thôn để làm việc và đưa các phương án xử lý vụ việc.

Cũng trong ngày 5/5/2021, Văn phòng Chủ tịch nước đã ra Công văn số 425/VPCTN-TH về việc Thông báo ý kiến của Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thành ủy, UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương xác minh thông tin Báo PNVN đã nêu; xử lý nghiêm, kịp thời hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, đảm bảo đầy đủ các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật.

Báo PNVN sẽ tiếp tục theo dõi và đưa thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.

Vụ người cha tại Hóc Môn đánh con dã man: Dù trẻ thương tật dưới 11% cũng phải khởi tố - Ảnh 3.

Bàn tay đầy máu của bé H.A sau khi bị cha ruột đánh. Ảnh: Nguồn tin riêng gửi cho Báo PNVN

Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26//5/2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em đã ghi rõ: "... một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp như: bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tử vong do tai nạn, thương tích, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành nghề, lĩnh vực, suy dinh dưỡng trẻ em thể chất còi, an toàn, vệ sinh trong trường học, trẻ em bỏ học, thiếu thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em.

Nguyên nhân của những tổn tại trên do một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, coi trọng đúng mức công tác này; việc áp dụng chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quyền trẻ em chưa nghiêm, chưa kịp thời, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa tiến hành thường xuyên, nghiêm túc; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả; sự suy giảm thuần phong, mỹ tục, đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

Để tăng cường bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị: 1. Các bộ, ngành, UBND các cấp; a) Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em; b) Đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng điều kiện phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương; c) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; d) Xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm "đúng người. đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm...".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm