Vừa thoát khỏi "cửa tử", giảng viên đại học lao vào hỗ trợ người nghèo vượt đại dịch

Tuy nhiên, với ý chí của bản thân cũng như sự nỗ lực của các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, anh Dũng đã vượt qua. Khi sức khỏe chưa bình phục hẳn, anh đã đi vận động mọi người hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vượt qua đại dịch Covid-19.

Có nguy cơ tử vong tới 90% vì viêm tụy cấp

Anh chia sẻ câu chuyện của mình lúc 23h đêm 24/4, sau khi vừa đi phát các suất hỗ trợ gồm (gạo, mỳ tôm, khẩu trang…) cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Phù Đổng. Theo đó, vào trưa ngày 24/2 anh Dũng xuất hiện các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như đau bụng dữ dội, buồn nôn,… Đến cuối giờ chiều, khi một bác sỹ gần nhà vừa đi làm về, gia đình đưa anh Dũng sang khám, bác sĩ sau đó có tiêm thuốc giảm đau và hẹn nếu 30 phút nữa cơn đau vẫn không giảm thì lập tức đến bệnh viện. Nhưng khi anh Dũng vừa đi được nửa đường thì vị bác sĩ này liền lấy ô tô của nhà đuổi theo và đưa anh tới Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu.

Tại đây với những triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị, đau lan cả ra sau lưng, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần phân lỏng, rồi buồn đi ngoài nhưng không đi ngoài được. Sau khi làm xét nghiệm và chụp cắt lớp cho thấy men tụy cao… các bác sỹ xác định anh Dũng bị viêm tụy cấp, với bệnh tình hiện tại thì có 90% nguy cơ tử vong.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm tụy cấp là sỏi mật và rượu. Tuy nhiên do anh Dũng không có tiền sử uống rượu và bị sỏi mật, nên các bác sỹ xếp vào loại không rõ nguyên nhân.

Trước tình hình đó, các bác sĩ ngay lập tức chuyển anh Dũng lên phòng cấp cứu. Trước khi tiến hành đặt ống sonde vào dạ dày và truyền thuốc kháng sinh liều cao, bác sĩ yêu cầu vợ anh Dũng phải ký giấy cam kết rủi ro, "Nghe vậy, vợ tôi tâm lý rất khoảng sợ, vì cô ấy có một số triệu chứng bệnh liên quan đến não bộ. Phân vân không biết làm sao, cô ấy kể lại cho tôi và tôi lại động viên cô ấy cứ yên tâm ký", anh Dũng nhớ lại.

Vừa thoát án tử của Thần Chết, giảng viên đại học lại lao vào hỗ trợ người nghèo vượt đại dịch - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Ngọc Dũng thiếp đi trong thời gian cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

Các bác sĩ nhanh chóng can thiệp nhưng cơn đau tụy vẫn không thuyên giảm, lúc đó anh Dũng phải cắn chặt gấu áo để không thét lên. Không ngủ được vì đau đớn, trong một đêm anh Dũng chứng kiến trong 10 bệnh nhân nằm gần mình thì có 1 người chết tại Khoa Hồi sức cấp cứu, còn 7 người nữa vì bệnh tình biến chứng nặng nên bị trả về. Cho nên, đến khi không chịu được nữa, hàm cứng lại và có cảm giác mình không thể qua khỏi, anh Dũng cố gắng ra hiệu và nói với bác sĩ cho xin một tờ giấy hiến tạng, nhưng do bệnh viện không có nên sau đó anh có xin một tờ giấy trắng và ký vào để vợ viết.

Vừa thoát án tử của Thần Chết, giảng viên đại học lại lao vào hỗ trợ người nghèo vượt đại dịch - Ảnh 3.

Nếu không sống bằng cách này thì sẽ sống bằng cách khác để cho vợ con nhìn thấy đâu đó vẫn còn tôi. Và hơn hết, tôi muốn làm gương cho 2 con, con đầu hiện đang học lớp 5 và con thứ hai hiện giờ đã lên lớp 1.

Anh Nguyễn Ngọc Dũng

Hôm đó tình cờ vào đúng dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), nên các y, bác sĩ đã tới thăm bệnh, và tặng hoa anh Dũng và động viên: "Anh hãy yên tâm, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình!".

Minh chứng cho những nỗ lực đó, 4 ngày sau bệnh tình của anh Dũng dần tiến triển và được ra viện để điều trị ngoại trú. Hôm xuất viện nhìn vào Bảng kê chi phí điều trị thấy có ghi thêm bệnh kèm theo là "Nhồi máu cơ tim", trong khi lúc nằm trên giường bệnh anh Dũng không thấy ghi bệnh này ở vòng tay: "Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Dũng – Viêm tụy cấp". Do đó, anh Dũng mới đem thắc mắc này hỏi bác sĩ và được trả lời, "Em phải giấu anh, nếu anh biết mình bị viêm tụy cấp, lại còn mắc thêm nhồi máu cơ tim nữa thì anh lại đột ngột sốc, khi đó anh anh sẽ chết vì nhồi máu cơ tim chứ không phải chết vì viêm tụy cấp", anh Dũng nhớ lại lời bác sỹ giải thích.

Vừa thoát án tử của Thần Chết, giảng viên đại học lại lao vào hỗ trợ người nghèo vượt đại dịch - Ảnh 5.

Anh Dũng bị viêm tụy cấp kèm theo bệnh nhồi máu cơ tim khiến nguy cơ tử vong rất cao

Chia sẻ về bệnh tình của anh Dũng, một bác sĩ tại Khoa Hồi sức cấp cứu vào tối hôm đó (đề nghị giấu tên) cho biết, bệnh nhân nhập viện với triệu chứng của bệnh viêm tụy cấp, đây là một chứng bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay bệnh tình của bệnh nhân đã ổn định, các chỉ số đều ổn và tiến hành điều trị tại nhà theo đơn thuốc của bác sĩ.

"Ốc chẳng mang nổi mình ốc, lại còn mang cọc cho rêu"

Sau khi ra viện, vì chưa có công ăn việc làm nên anh Dũng thuộc diện được hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn xã. Tuy nhiên, vì thấy trên địa bàn còn nhiều người khó khăn hơn mình nên anh Dũng đã không làm đơn để nhận khoản tiền này.

Cùng với khoảng thời gian này, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và có diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là đối với những người nghèo, người khuyết tật, người tâm thần, người già neo đơn… Trong hoàn cảnh bình thường với mức trợ cấp hàng tháng 700.000-800.000 đồng của Nhà nước họ đã không không đủ để lo cho mình thì huống chi ở hoàn cảnh này.

Cũng sống và vươn lên trong cảnh khó khăn nên anh Dũng thấu hiểu hoàn cảnh của những cảnh đời này. Bởi như anh kể, vào khoảng năm 1997, anh đỗ đại học nhưng không thể đi học vì bố mẹ nghèo chỉ lo cho được anh cả và anh hai, cho nên để có thể dành dụm tiền đi học sau… anh Dũng đã mất 4 năm đi làm thợ cắt tóc, vẽ phông đám cưới, đẩy xe rau ở dốc lên cầu Long Biên…

Về sau thi đỗ và tốt nghiệp Đại học Phương Đông, chỉ sau mấy năm bươn trải anh Dũng trở thành một trong những nhà đầu tư có tên tuổi trên sàn chứng khoán. Nhưng, có lẽ cuộc đời muốn anh trở về con số 0 khi thị trường chứng khoán bị sụp đổ (năm 2011), anh Dũng cũng như nhiều người khác lâm vào cảnh trắng tay, anh phải bán nhà và bán cả ô tô để trả nợ, chỉ 1 tháng trong khoảng thời gian này tóc anh đã bạc trắng.

Vừa thoát án tử của Thần Chết, giảng viên đại học lại lao vào hỗ trợ người nghèo vượt đại dịch - Ảnh 6.

Cả gia đình cùng quây quần chúc mừng sinh nhật anh Dũng (26/3) và con trai đầu (23/3)

Không chỉ vậy, sau biến cố này, bệnh tình về não của vợ anh trở nặng, con sinh ra bị những biến chứng của bệnh sởi tưởng như sắp chết, anh trai vừa mất do tai nạn giao thông, bố mẹ tuổi cao cũng lại lâm bệnh… dồn dập đến với anh. 

Nhưng có lẽ mình đã từng trắng tay, nên cho dù có thế này đi chăng nữa thì mình vẫn có thể vượt qua.

Anh Dũng chia sẻ

Vừa thoát án tử của Thần Chết, giảng viên đại học lại lao vào hỗ trợ người nghèo vượt đại dịch - Ảnh 8.

ThS. Nguyễn Ngọc Dũng, giảng viên trường Đại học Phương Đông

Lao đao mất 10 năm, qua một số công việc như Phó Bí thư Đoàn Thanh nên xã Phù Đổng, Phó trưởng Công an xã Phù Đổng,... hiện giờ anh là giảng viên bộ môn "Hệ thống di dích lịch sử văn hóa và danh thắng Việt Nam" của trường Đại học Phương Đông và đang ấp ủ viết một cuốn sách về văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Từng làm nhiều nghề và ở những vị trí khác nhau nên việc kêu gọi mọi người ủng hộ cho các hoàn cảnh khó khăn của anh Dũng thuận lợi hơn so với những người khác. Trong đó có nhiều lần anh kêu gọi được cả trăm triệu đồng để giúp những gia đình nghèo có tiền cho con tiếp tục phẫu thuật.

Không chỉ vậy, hàng tháng kể từ 6 năm trở lại đây, anh vẫn thường kêu gọi những mạnh thường quân, những người con của xã Phù Đổng thành đạt để hỗ trợ những người có hoàn cảnh không may trên địa bàn. Hoặc có những khi vì chưa có tiền tài trợ, thì anh tự bỏ tiền túi, chạy về nhà lấy gạo để giúp những người nghèo khó xung quanh mình ngày hôm đó có tiền để mua thực phẩm, có gạo để thổi cơm.

Trong đợt đại dịch lần này, khi sức khỏe vẫn chưa ổn định, lo cho những người dân trên địa bàn xã mình không có tiền để mua khẩu trang và không mua được khẩu trang vì khan hiếm. Anh Dũng đã vận động một người bạn thân là doanh nhân ủng hộ 10.000 chiếc khẩu trang phát trên địa bàn, trong đó dành 3.000 chiếc khẩu trang ủng hộ Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch cũa xã Phù Đổng.

Ngoài ra, vào đêm ngày 18/4 và ngày 24/4 vừa qua, anh Dũng đã cùng một số người bạn trong nhóm tình nguyện đi phát quà hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn như hộ nghèo, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần, người mang bệnh hiểm nghèo…

Vừa thoát án tử của Thần Chết, giảng viên đại học lại lao vào hỗ trợ người nghèo vượt đại dịch - Ảnh 9.

Anh Dũng tham gia phát quà hỗ trợ cùng Nhóm Thiện Tâm Gia Lâm tới người nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn trên địa bàn xã Phù Đổng

Đêm tối, những người dân ở quê thường đóng cửa và nghỉ từ rất sớm nhưng mỗi khi nghe tiếng gõ cửa và giọng nói của anh: "Cháu Dũng đây, cháu đến biếu ông bà ít mỳ tôm!", thì những người già, người thiểu năng trí tuệ (hội chứng down) lại lật đật bật điện, ra mở cửa với ánh mắt tin tưởng. Vì hầu hết những người trong số họ đã đều từng nhận hỗ trợ từ anh.

Nhóm Thiện tâm Gia Lâm thành lập từ năm 2017, nhằm kêu gọi các thành viên trong nhóm và những mạnh thường quân hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Các thành viên trong nhóm chủ yếu là công nhân, ngoài ra còn có cả giáo viên và một số người kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn xã Phù Đổng. Cho nên, họ thường phát quà về đêm vì lúc đó hầu hết các thành viên đều có thời gian.

Chia sẻ về anh Dũng, anh Trần Đình Huy (34 tuổi, trú tại xã Phù Đổng), đại diện Nhóm Thiện tâm Gia Lâm cho biết, không chỉ anh Dũng mà cả vợ con anh cũng là thành viên tích cực của nhóm trong nhiều năm nay. Hễ có hoạt động tổ chức quên góp cho người nghèo là anh chị đều hăng hái tham gia như tổ chức Tết Thiếu nhi cho trẻ em nghèo, tổ chức Tết ấm áp hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Hôm vừa rồi đang trên đường từ trường về nhà, xe anh Dũng không may bị hết xăng, trong túi không có nổi 1.000 đồng, anh phải gọi điện thoại nhờ bạn ứng tiền mua xăng giúp. Dẫu vậy, nhưng khi được hỏi, với hoàn cảnh như vậy bản thân anh hiện giờ cũng chưa thể lo được đầy đủ cho gia đình mình vậy thì sao anh lại lo cho người khác, anh không sợ người khác nói: "Ốc chẳng mang nổi mình ốc, lại còn làm cọc cho rêu" à?".

"Dẫu hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi phải chăm sóc bố mẹ già yếu, vợ đau yếu thường xuyên đi bệnh viện, các con còn nhỏ dại… nhưng trong thời gian qua với tiếng nói của mình, anh Dũng đã kêu gọi được nhiều tấm lòng hảo tâm chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Điều này địa phương rất ghi nhận, tuy nhiên do anh Dũng có bệnh nền là viêm tụy cấp nên địa phương cũng đã nhắc nhở anh Dũng nên ở nhà để tránh ảnh hưởng vì dịch bệnh."

Bà Nguyễn Thị Thuý, Phó Chủ tịch xã Phù Đổng.

Anh chỉ cười, một nụ cười hiền hậu: "Tôi không quan tâm lắm đến suy nghĩ của mọi người về mình, mà tôi thường nghĩ đến nụ cười của những người khó khăn khi được nhận quà, mà tôi là cầu nối giữa các mạnh thường quân và họ".

"Nếu cuộc đời bằng phẳng, với xuất phát ban đầu, tôi con nhà nghèo, hai vợ chồng khó khăn về sinh nở, chắc sẽ chẳng đủ tiền sinh con. Vì vậy, tuy trải qua rất nhiều thăng trầm, nhưng hiện tại vợ chồng tôi có được hai con ngoan ngoãn, đấy là tài sản mà tôi lãi nhất, vô giá nhất trong cuộc đời mình rồi", anh Dũng tâm sự.

Bài: Trường Hùng

Ảnh: NVCC