Xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030

Ngự Bình
06/12/2019 - 12:50
Xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 được xây dựng trên cơ sở: Xác định được các vấn đề bình đẳng giới trọng tâm và các giải pháp mang tính chiến lược trong giai đoạn 2021 – 2030. Đảm bảo phù hợp với pháp luật về bình đẳng giới và thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và của Việt Nam, Công ước CEDAW và các cam kết quốc tế có liên quan khác.

Ngày 6/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khởi động Kế hoạch rà soát việc thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chiến lược mới giai đoạn 2021-2030 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và Đại sứ quán Úc tổ chức.

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Ngọc Tiến

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Ngọc Tiến

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH) Phạm Ngọc Tiến cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW), Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và Chương trình nghị sự phát triển bền vững SDGs. 10 năm trước, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới để xác định những ưu tiên cần giải quyết nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong giai đoạn 2011-2020. Trong gần 10 năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được ghi nhận là đã đạt được các tiến bộ về bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Năm 2020 sẽ là năm cuối cùng thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Tới thời điểm này, mặc dù Bộ LĐ, TB&XH chưa có đánh giá tổng kết việc thực hiện Chiến lược song những nỗ lực của các cấp, các ngành trong triển khai Chiến lược nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực rất đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn những tồn tại, thách thức. Trong mỗi nhóm phụ nữ và nam giới vẫn có những nhóm đang phải chịu những thiệt thòi mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tư tưởng định kiến, phân biệt đối xử, tạo áp lực cho cả hai giới. Bên cạnh đó, bối cảnh trong nước và quốc tế hiện cũng đang có nhiều thay đổi nhanh chóng, vừa tạo cơ hội nhưng đồng thời cũng cho thấy những thách thức mới cần được giải quyết như tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề về an ninh phi truyền thống, sự cách biệt giàu nghèo, tình trạng di cư lao động, bạo lực, buôn bán, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái. Những vấn đề này đòi hỏi cần có những giải pháp toàn diện và quyết liệt hơn trong giai đoạn tới để đạt được mục tiêu bình đẳng giới một cách thực chất hơn, bền vững hơn, đồng thời giải quyết các vấn đề giới đang tồn tại cũng như các vấn đề giới đang nảy sinh trong giai đoạn tới. Sự nỗ lực này tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu Phát triển bền vững số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ, TB&XH Phạm Ngọc Tiến trò chuyện cùng Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez (phải) và Đại sứ Úc Robyn Mudie

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ, TB&XH Phạm Ngọc Tiến trò chuyện cùng Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez (phải) và Đại sứ Úc Robyn Mudie

Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà là nền tảng cần thiết cho một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, phát triển toàn diện và bền vững".

Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez

Bà Elisa Fernandez - Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) cho biết, bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững và cũng không thể thiếu đối với tất cả các khía cạnh đời sống kinh tế - xã hội. Bà Elisa Fernandez cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc vận động chính sách nhằm xây dựng cơ chế để đảm bảo tài chính cho các cam kết bình đẳng giới sẽ được thực thi và nguyên tắc "Để không ai bị bỏ lại phía sau" trong quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Còn Đại sứ Úc Robyn Mudie nhấn mạnh, cam kết xây dựng một Chiến lược quốc gia vì bình đẳng giới không chỉ góp phần quan trọng vào việc thu hep khoảng cách giới mà còn thiết thực và có mục tiêu thực tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kế hoạch hỗ trợ của các tổ chức, các bên liên quan và đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện báo cáo kỹ thuật chuẩn bị cho rà soát việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Với sự cam kết hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức phát triển, các tổ chức Liên hợp quốc, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan ở Trung ương và địa phương sẽ là những điều kiện thuận lợi để xây dựng Chiến lược giai đoạn 2021-2030 đạt chất lượng cao và khả thi.

Lãnh đạo và nhóm chuyên gia

Lãnh đạo và nhóm chuyên gia

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 được xây dựng trên cơ sở: Xác định được các vấn đề bình đẳng giới trọng tâm và các giải pháp mang tính chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2030; Đảm bảo phù hợp với pháp luật về bình đẳng giới và thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và của Việt Nam, Công ước CEDAW và các cam kết quốc tế có liên quan khác.


Chiến lược Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 hướng tới 7 mục tiêu:

*Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

*Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.

*Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

*Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

* Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin.

* Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

*Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm