Xóa biên chế giáo viên không nên trao quá nhiều quyền cho hiệu trưởng

07/06/2017 - 15:08
Trước tuyên bố sẽ thí điểm xóa biên chế ở ĐH, một số trường THPT đủ điều kiện của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng, cho rằng, không nên trao quá nhiều quyền cho hiệu trưởng để tránh tiêu cực.

Không cẩn thận sẽ tạo bất bình đẳng giáo dục

- Thưa TS Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa khẳng định sẽ chỉ thí điểm xóa biên chế ở trường một số trường ĐH và THPT đủ điều kiện. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

- Xóa biên chế trong giáo viên (GV) cũng là điều cần thiết, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt và một bộ phận GV chưa đáp ứng được nhu cầu người học trước đòi hỏi đổi mới giáo dục.

Hình thức hợp đồng lao động đòi hỏi có những mô hình quản trị cao như ở trường ĐH thì có vấn đề tự chủ tài chính và tự chủ nhân sự. Tự chủ làm tăng tính năng động của nhà trường và cán bộ, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và có lợi cho xã hội

Tuy nhiên áp dụng thời điểm nào và như thế nào thì phải căn cứ vào nhu cầu xã hội và vùng miền. Có những nơi chưa thể làm ngay được mà phải có lộ trình, có thí điểm.

- Chủ trương này gây tâm tư rất lớn với những GV ở vùng khó khăn. Làm thế nào để giữ chân được họ nếu như không giúp họ cảm thấy yên tâm công tác, thưa ông?

- Đây chính là điều tôi băn khoăn. Bởi nếu thí điểm không làm thận trọng, sẽ phát sinh hiện tượng phân biệt vùng miền, gây bất bình đẳng vùng miền và bất bình đẳng giáo dục.

Những vùng nông thôn, vùng núi hải đảo, khả năng chi trả của người học hạn chế, điều kiện thì khó khăn. Nếu xóa biên chế, những GV giỏi chắc chắn sẽ tìm những trường khác tốt hơn, trả lương cao hơn. Khi đó học sinh ở nơi này sẽ không có cơ hội để được học với GV giỏi. Bất bình đẳng giáo dục vì thế sẽ dễ nảy sinh.

Riêng đối với những vùng khó khăn, Nhà nước cần phải có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau. Cần tạo những cơ chế khác nhau để GV thấy rằng ở những vùng miền nhất định vẫn có những cơ chế thỏa mãn được họ. Bộ GD&ĐT cần thấy rằng, ở những nơi không có khả năng chi trả để hút người giỏi thì phải có chính sách đối với GV thu nhập thấp ấy như thế nào?

Thay biên chế bằng hợp đồng nhưng phải gắn với các chính sách cho họ như tăng nguồn tài trợ của nhà nước do khả năng chi trả của vùng miền đó thấp, nhằm tạo cơ hội cho người tài. Những vùng khác tự chi trả được thì tài trợ ít hơn. Điều này giúp cho người giỏi thấy rằng vẫn có thể làm được chỗ này chỗ khác, tránh sự mất đồng đều về chất lượng GV giữa các vùng miền.

Cần kiểm soát quyền lực Hiệu trưởng

- Nếu thí điểm xóa biên chế giáo viên ở trường đại học, theo ông điều gì sẽ xảy ra?

- Nếu các trường tự chi trả, tự làm lấy được thì tôi thấy không có gì khó khăn. Nhưng một nguyên tắc cần phải làm rõ là không nên trao quá nhiều quyền cho hiệu trưởng để tránh tiêu cực ngay từ đầu.

Tức là phải có quy trình bổ nhiệm, lựa chọn và thi tuyển hiệu trưởng rõ ràng, gắn với cơ chế kiểm soát quyền hạn, tránh lạm quyền và gây nên sự bất bình thường khi ký hợp đồng với GV. Người đứng đầu phải gắn với trách nhiệm, đề cao tính mẫu mực.

Nếu áp dụng đúng mô hình hội đồng trường trong các trường ĐH mà các nước trên thế giới đang làm, bản thân các Hiệu trưởng đơn thuần chỉ như một CEO (người điều hành). Việt Nam hiện vẫn chưa áp dụng đúng mô hình này. Điều này Bộ GD&ĐT cần lưu ý và học hỏi mô hình các nước đi trước để rút kinh nghiệm và đưa ra một quy trình chuẩn, đồng bộ và mô hình thực hiện tốt nhất.

Nếu làm được như vậy thì sẽ phù hợp với cơ chế thị trường, tạo động lực cho người có năng lực thật sự, đặt tất cả giáo viên ở trong tình trạng luôn luôn phải nỗ lực không ngừng.

- Đối với các trường THPT, việc tự chủ tài chính vẫn chưa được đặt ra. Nếu thí điểm ở một số trường THPT theo lời bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì theo ông cần đảm bảo những điều kiện nào?

Với những trường THPT muốn thí điểm thì phải đồng bộ các tiêu chí, các quy định nhất định. Phải có những hội đồng như hội đồng trường, hội đồng phụ huynh, học sinh… đại diện cho các nhóm xã hội khác nhau để giám sát hoạt động ấy.

Dù xóa biên chế ở cấp nào, ĐH hay THPT thì vai trò của hiệu trưởng rất quan trọng. Cần minh bạch, khách quan và chống tiêu cực ngay từ khâu bổ nhiệm hiệu trưởng bởi hiện nay ở không ít trường phổ thông, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng vẫn rất tiêu cực

Một hiệu trưởng được bổ nhiệm tiêu cực thì trường đó không tránh khỏi tiêu cực trong tuyển dụng GV. Nó cũng giống như quy trình: Đã bỏ tiền ra đầu tư thì phải tính đến việc hoàn vốn, thậm chí lấy lãi. Tiêu cực sẽ nảy sinh từ đây.

Audio TS Nguyễn Văn Hùng nói về đề xuất xóa biên chế giáo viên:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm