Xóa rào cản trong chăm sóc sức khỏe với phụ nữ và trẻ em gái

Nhu Thụy
03/06/2024 - 15:42
Xóa rào cản trong chăm sóc sức khỏe với phụ nữ và 
trẻ em gái

Ở Jordanie, UN Women tổ chức đóng gói hàng nghìn bộ dụng cụ, bao gồm cả sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt để gửi đến Gaza

Kenya bắt đầu xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm kinh nguyệt cũng như nguyên liệu thô để sản xuất vào năm 2004 và đến năm 2017 bắt đầu phân phát băng vệ sinh miễn phí tại các trường công.
Chính sách "mù giới"

Mỗi tháng, hơn 2 tỷ người trên khắp thế giới có kinh nguyệt. Mặc dù là một quá trình tự nhiên và lành mạnh, kinh nguyệt lại làm gián đoạn cuộc sống, quyền và tự do của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái. Họ không đủ khả năng mua các sản phẩm kinh nguyệt hoặc tiếp cận nguồn nước, các thiết bị vệ sinh để quản lý sức khỏe và vệ sinh kinh nguyệt của mình. 

Các chính sách và luật thuế "mù giới" như "thuế hồng" đối với các sản phẩm dành cho phụ nữ đang là rào cản ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Ở nhiều bang của Mỹ, Viagra (dành cho chứng rối loạn cương dương đối với nam giới) được phân loại là sản phẩm y tế được miễn thuế, trong khi các sản phẩm vệ sinh phụ nữ được phân loại là hàng xa xỉ và bị đánh thuế ở mức cao nhất. 

Tại nước này, 1 trong 4 thanh thiếu niên và 1 trong 3 người lớn gặp khó khăn trong việc mua các sản phẩm kinh nguyệt, đặc biệt là người da màu và các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Gần hai triệu cô gái trong độ tuổi 14-21 ở Anh đã phải nghỉ học một ngày hoặc cả ngày trong mỗi học kỳ vì kỳ kinh nguyệt (nghỉ học vì kỳ kinh nhiều hơn bất kỳ lý do nào khác). Ở Gambia, một số bé gái nghỉ học 5 ngày mỗi tháng vì không đủ tiền mua hoặc không tiếp cận được các sản phẩm vệ sinh và sản phẩm kinh nguyệt. 

Điều này tương đương với việc bỏ lỡ một tháng rưỡi học tập mỗi năm. Ở nhiều quốc gia khác, các em gái bị tụt hậu trong việc học ở trường đến mức phải bỏ học hoàn toàn. Khi các bé gái và phụ nữ mất đi cơ hội học tập, họ sẽ mất đi các cơ hội lâu dài về việc làm, phát huy hết tiềm năng của mình và đóng góp cho thế giới một cách bình đẳng như nam giới.

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử ngày càng gia tăng trong các cộng đồng nơi có những chuẩn mực văn hóa và xã hội có hại. Ở một số nơi trên thế giới, các cô gái và phụ nữ đang có kinh nguyệt bị coi là bẩn thỉu hoặc không thể chạm tới, hạn chế việc di chuyển và tiếp cận không gian của họ.

Xóa rào cản trong chăm sóc sức khỏe với phụ nữ và 
trẻ em gái- Ảnh 1.

Các chuyên gia chính phủ Sénégal đã tham gia hội thảo đào tạo giảng viên về quản lý vệ sinh kinh nguyệt

Chiến dịch thay đổi nhận thức

Hoạt động vận động thay đổi chính sách do chính phụ nữ và trẻ em gái chủ trì đang cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 2020, Scotland trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp miễn phí các sản phẩm kinh nguyệt, bao gồm cả các sản phẩm có thể tái sử dụng. 

Kenya bắt đầu xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm kinh nguyệt cũng như nguyên liệu thô để sản xuất vào năm 2004 và đến năm 2017 bắt đầu phân phát băng vệ sinh miễn phí tại các trường công. Nam Phi đã cung cấp băng vệ sinh dùng một lần miễn phí cho phụ nữ và trẻ em gái nghèo kể từ năm 2019. Botswana đã cung cấp băng vệ sinh miễn phí cho các trường công và tư.

Các quốc gia khác như Australia, Canada, Colombia, Ấn Độ, Jamaica, Lebanon, Malaysia, Nicaragua, Nigeria, Trinidad và Tobago và Uganda cũng đã giảm hoặc loại bỏ thuế đối với các sản phẩm kinh nguyệt.

Nguồn: UN Women
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm