Xưởng may gia công giúp phụ nữ dân tộc thiểu số không phải đi làm ăn xa

Bài, ảnh: Trần Lê
07/11/2023 - 14:19
Xưởng may gia công giúp phụ nữ dân tộc thiểu số không phải đi làm ăn xa

Các xưởng may gia công tại xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

Từ 1 mô hình nhỏ đã nhân rộng ra được 5 mô hình, các xưởng may gia công tại xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, đã mang đến cho nhiều phụ nữ dân tộc Mường nơi đây một cuộc sống đỡ vất vả và có thu nhập ổn định hơn.

Xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, là một xã miền núi đặc biệt khó khăn. Chị Đinh Thị Thu Giang, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Đồng, tâm sự: "Trước đây, cuộc sống của chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Mường bấp bênh lắm. Công việc không có, chị em chỉ quẩn quanh ở nhà trông con, có thời gian thì đi làm thuê, làm mướn, thu nhập gia đình chủ yếu phụ thuộc vào người chồng.

Để hỗ trợ hội viên, phụ nữ giảm nghèo bền vững, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội LHPN xã Ngọc Đồng đã rà soát đối tượng chị em phụ nữ trên địa bàn, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế với những mô hình phù hợp.

Xưởng may gia công giúp phụ nữ dân tộc thiểu số không phải đi làm ăn xa  - Ảnh 1.

Chị Đinh Thị Thu Giang, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, thăm và động viên các chị em trong xưởng may

Từ năm 2018, mô hình may gia công được thành lập trên địa bàn xã, với 17 thành viên tham gia. Đến nay, sau 5 năm, mô hình đã nhân rộng ra thành 5 nhóm với 70 thành viên tham gia. Thu nhập bình quân của chị em từ 3 triệu đồng đến 14 triệu đồng/tháng. Từ đó, cuộc sống của chị em có nhiều thay đổi tích cực, phát huy được vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Xưởng may gia công giúp phụ nữ dân tộc thiểu số không phải đi làm ăn xa  - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Bích Lập (39 tuổi) là chủ một cơ sở may gia công trên địa bàn xã Ngọc Đồng. Chị Lập cho biết, vợ chồng chị mở xưởng từ năm 2020, hiện sản xuất đa dạng các mặt hàng như áo chống nắng, áo gió, đồ bộ…

Xưởng may gia công giúp phụ nữ dân tộc thiểu số không phải đi làm ăn xa  - Ảnh 3.

"Tôi quan sát và nhận thấy, các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn hầu hết đều ở nhà chăm con nhỏ, làm các công việc vặt trong gia đình, không có thu nhập ổn định. Trong khi đó, nghề may có thể giúp chị em tận dụng thời gian nhàn rỗi, những lúc con đi học để làm việc, có thu nhập. Vì vậy, vợ chồng chị đã mạnh dạn mở xưởng để cải thiện thu nhập của chính bản thân mình và tạo việc làm cho chị em xung quanh. Lúc mới mở xưởng khó khăn nhiều lắm. Vợ chồng tôi phải đi khắp các chợ đầu mối ở Hà Nội và các tỉnh lân cận để tìm kiếm nguồn hàng, mang công việc về cho chị em", chị Bích Lập tâm sự.

Xưởng may gia công giúp phụ nữ dân tộc thiểu số không phải đi làm ăn xa  - Ảnh 4.

Chị Lê Thị Hứa (xã Ngọc Đồng) chia sẻ: Từ khi đi làm ở xưởng may, chị có thêm đồng lương thu nhập, trang trải lo cho gia đình. Công việc đỡ vất vả hơn, không phải dãi nắng, dầm mưa.

Xưởng may gia công giúp phụ nữ dân tộc thiểu số không phải đi làm ăn xa  - Ảnh 5.

Chị Ma Thị Hường (xã Ngọc Đồng) trước kia đi làm thuê khá vất vả mà thu nhập không được bao nhiêu. Cuộc sống của chị Hương thay đổi từ khi làm ở xưởng may. Chị có tiền lo cho con cái học hành. Chị Hường bày tỏ: "Tôi mong có nhiều hơn các cơ sr[ làm việc như thế này vì trên địa bàn vẫn còn nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, chưa có công ăn việc làm ổn định"

Xưởng may gia công giúp phụ nữ dân tộc thiểu số không phải đi làm ăn xa  - Ảnh 6.

Hiện xưởng may của chị Bích Lập có 28 phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia. Các chị có thu nhập từ 3 triệu đồng đến 8 triệu đồng/tháng.

Xưởng may gia công giúp phụ nữ dân tộc thiểu số không phải đi làm ăn xa  - Ảnh 7.

Dù còn nhiều khó khăn trong công việc nhưng chị Lập và Hội LHPN xã luôn động viên chị em chịu khó làm lụng để có thu nhập ổn định.

Có công việc ổn định cuộc sống của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đã có những thay đổi tích cực, phát huy được vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm