pnvnonline@phunuvietnam.vn
100 ca tử vong do sốt xuất huyết, biện pháp nào để phòng bệnh hiệu quả?
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết
Ngày 12/10, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 247.202 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 100 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,7 lần, tử vong tăng 80 trường hợp.
Tại Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến cuối tháng 9/2022, thành phố đã ghi nhận trên 4.700 ca mắc SXH (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), đã có 5 ca tử vong. Trong đó, tuýp virus Dengue lưu hành trên địa bàn thành phố được xác định là tuýp D1; D2 và D4.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, theo thống kê, hiện nay có khoảng 75% số trường hợp tử vong do SXH là người lớn. Để hạn chế số ca tử vong do SXH, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã quyết định áp dụng kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19 để ứng phó. Theo đó, Sở Y tế đã có văn bản gửi tới các cở sở y tế trên địa bàn về việc áp dụng mô hình tháp 3 tầng để điều trị bệnh nhân SXH. Đồng thời, tăng cường nguồn lực, phối hợp triển khai các giải pháp để hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong do SXH.
Tại Đồng Tháp, số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay là 9.983 ca (tăng 9.091 ca so với cùng kỳ năm 2021). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp đã duy trì hệ thống thống kê báo cáo phần mềm bệnh truyền nhiễm, cập nhật ca bệnh hàng ngày từ các BV và các đơn vị y tế trong tỉnh. Đồng thời, trung tâm cũng điều tra xác minh từng ca bệnh và cộng đồng nơi có ca bệnh, chủ động xử lý ổ dịch không để lan rộng; tổ chức tập huấn giám sát, phòng, chống bệnh SXH để củng cố năng lực cán bộ tuyến huyện. Bên cạnh đó, duy trì thường xuyên phát thanh trên loa, đài và tăng số lượt phát tại những nơi nguy cơ và khi triển khai các chiến dịch.
Còn theo thống kê của Sở Y tế Lâm Đồng, đến ngày 27/9 đã ghi nhận 2.967 ca mắc SXH (1 trường hợp tử vong), tăng 2.572 ca so với cùng kỳ 2021.
Giải pháp phòng sốt xuất huyết
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc mới SXH Dengue tăng trên 30 lần trong vòng 50 năm qua. Theo ước tính, có tới 50-100 triệu trường hợp mắc SXH Dengue hàng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành.
Theo các chuyên gia, bệnh SXH có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Bộ Y tế khuyến cáo, đến nay, bệnh SXH chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Các biện pháp phòng bệnh SXH:
1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyết đối không tự ý điều trị tại nhà.