1.000 từ trong Di chúc của Bác thể hiện tầm vóc một vĩ nhân

02/09/2019 - 07:45
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xác định là tài sản vô giá đối với Đảng và dân tộc ta. Bản Di chúc rất cô đọng chỉ khoảng 1.000 từ nhưng đã thể hiện tầm vóc của một vĩ nhân.
anh-1.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với bà Nguyễn Thị Ráo, thành viên đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hà Nội ngày 28/2/1969. Ảnh tư liệu

 

Nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Người, Báo PNVN đã có cuộc phỏng vấn GS. TS. NGƯT Mạch Quang Thắng, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, về những giá trị to lớn của bản Di chúc.

PV: Kính thưa GS. Mạch Quang Thắng, là một học giả dành nhiều công sức và tâm huyết nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin GS có thể cho bạn đọc Báo PNVN biết những giá trị cơ bản nhất trong Di chúc của Người?

GS Mạch Quang Thắng: Giá trị cơ bản nhất trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ: Đây chính là những lời dặn dò của lãnh tụ về những việc mà toàn Đảng, toàn dân cần phải làm thời hậu chiến. Những việc này có việc trước mắt nhưng có việc lâu dài. Tất cả đều là những việc rất cần kíp, quan trọng.

Tôi đồng cảm với một số người coi Di chúc là một cương lĩnh hành động xây dựng đất nước Việt Nam sau chiến tranh để thực hiện mục tiêu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về “điều mong muốn cuối cùng” là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đồng thời, Di chúc cũng thể hiện tình cảm đằm thắm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với toàn Đảng, toàn dân Việt Nam cũng như tình hữu ái của Người đối với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Sống trong một hoàn cảnh thế giới rất phức tạp, rối ren lúc bấy giờ nhưng trong tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cao cả. Đó là sự hướng thiện, là luôn luôn vươn tới sự nhân ái bao la như đại dương, vươn lên những điều thánh thiện vô cùng của vũ trụ.

Chiến lược hành động xây dựng đất nước Việt Nam thể hiện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay đã được toàn Đảng, toàn dân ta thực thi 50 năm. Có nhiều thành tựu, nhưng cũng còn không ít hạn chế. Dường như Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang vẫy gọi chúng ta tiến lên phía trước phấn đấu vì một nước Việt Nam hùng cường và vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

anh.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949. Ảnh tư liệu

 

 

PV: Giữa những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt tay vào việc viết Di chúc. Bản Di chúc rất ngắn gọn (khoảng 1.000 từ) được Người coi như những lời dặn dò nhưng bao quát gần như tất cả. Người đặc biệt tin tưởng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và nêu lên những vấn đề hệ trọng sau chiến tranh. Kính thưa GS, phải chăng những điều đó nói lên tầm vóc tư tưởng và những giá trị vượt thời gian của bản Di chúc?

GS Mạch Quang Thắng

Tầm vóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tầm vóc của một nhà chiến lược cách mạng. Phong cách diễn đạt (nói và viết) của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán ở ba điểm: 1) Ngắn gọn, súc tích; 2) Đủ những ý cơ bản; 3) Hấp dẫn. Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1965 đến năm 1969 cũng biểu đạt được phong cách đó. Ngắn gọn thôi, nhưng đủ những ý cơ bản cần nêu và lại còn hấp dẫn người đọc nữa. Đó là những dòng chứa chan tình người, là lời dặn của một người trước khi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng.

Hồi năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, lòng người xúc động, tiếc thương. Đã đành là vậy. Nhưng, ngay cả đến hôm nay, sau 50 năm đọc lại Di chúc, tôi thấy vẫn còn nguyên xúc động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những dòng chữ chắt ra từ con tim khối óc của mình. Đoạn viết nào, nội dung nào cũng thế. Đặc biệt, tôi thấy cảm động nhất là những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về việc riêng. Riêng, nhưng lại mang ý nghĩa đại sự, là cái chung cho nhân cách, cho hậu thế. Bác viết đoạn bổ sung năm 1968 trong Di chúc như sau: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Hối hận thì không, nhưng tiếc thì có; không phải tiếc vì mình chưa có vật chất đủ đầy cao sang…mà tiếc là không còn sống lâu nữa để phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đó là sự tiếc nuối của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, sự tiếc nuối của người “Anh hùng dân tộc vĩ đại”, của người “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”.

Cái tầm cao trí tuệ của một nhà chiến lược cách mạng, cái đức dày của một nhà văn hóa đã thể hiện trong mạch văn tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, mà Bác nhấn một câu: “Đó là một điều chắc chắn”. Tư tưởng chiến lược đó còn bao quát cả vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, vấn đề mấu chốt nhất của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đến cả những vấn đề chăm lo đến con người, vấn đề quan hệ quốc tế. Nhà chiến lược cách mạng Hồ Chí Minh, anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh là thế.

gs-thang.jpg
GS Mạch Quang Thắng: “Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Ảnh: NVCC

 

 

PV: GS đánh giá thế nào về việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay?

GS Mạch Quang Thắng: Trong Di chúc, trong phần “Trước hết nói về Đảng”, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề cốt tử nhất của cách mạng Việt Nam. Bác đề cập các vấn đề: đoàn kết trong Đảng; thực hành dân chủ rộng rãi; thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; nêu lên 4 chữ “thật” trong một đoạn ngắn: thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch; phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Rồi Bác nêu phải quan tâm giáo dục thanh niên, đào tạo bồi dưỡng họ.

50 năm nhìn lại, tôi thấy Đảng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần đó trong Di chúc. Tuy nhiên, còn có người tỏ ý không hài lòng điểm này điểm nọ về chất lượng của Đảng. Nghiêm khắc nhìn lại, chúng ta thấy, trong công tác này, Đảng vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn nữa mới đạt tới yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong Di chúc.

 

PV: Trong Di chúc, tuy phần viết về phụ nữ rất ngắn nhưng suốt cuộc đời hoạt động và sự nghiệp cách mạng của mình, Bác luôn tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ. Xin GS có thể nêu một cách khái quát nhất về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác phụ nữ?

GS Mạch Quang Thắng: Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết về phụ nữ, tuy ngắn, nhưng cũng toát lên được sự quan tâm rất lớn của Người đối với một nửa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.

Điều này thể hiện rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đồng khởi xướng và là người tiên phong trong sự nghiệp ba giải phóng: Giải phóng dân tộc – Giải phóng xã hội (trong đó có giải phóng giai cấp) – Giải phóng con người. Mục tiêu/đích cuối cùng là giải phóng con người, hai giải phóng trước là điều kiện cho mục tiêu giải phóng thứ ba này. Mà nói đến giải phóng con người thì nhất thiết phải đề cập giải phóng phụ nữ. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập bình đẳng thật sự cho phụ nữ. Mà muốn thế thì đây là trách nhiệm của tổ chức, của Đảng và toàn hệ thống chính trị, nhưng, không chỉ trong Di chúc đâu, mà trong nhiều lần khác, Bác đều nhấn mạnh đến việc là bản thân phụ nữ phải tự cố gắng vươn lên.

Tôi cũng đang rất băn khoăn khi đánh giá xem trong 50 năm qua, Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội ở nước ta đã thực hiện tốt chưa cái điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn trong Di chúc: “Cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”. Vì thế, cần chú ý nhiều thêm về việc này, nhất là trong một thế giới hiện đại, năng động, khi mà phụ nữ ngày càng chứng tỏ được sức mạnh của mình cả trên hai phương diện: Đức độ và tầm trí tuệ, chứ không phải là “phái yếu” như một số người lầm tưởng.

Có như thế thì phụ nữ mới góp phần cùng toàn Đảng và toàn dân giành thắng lợi như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – một sự nghiệp khó khăn nhưng vẻ vang, đúng như Bác viết: đó là những việc “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Gọi đó là “cuộc chiến đấu khổng lồ” – thật chính xác!

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm