45 năm giải phóng miền Nam: Chỉ có một con đường đi tới sự hòa hợp

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
30/04/2020 - 06:45
45 năm giải phóng miền Nam: Chỉ có một con đường đi tới sự hòa hợp
Chiến tranh đã làm cho bao gia đình phải rời bỏ quê hương. Nhưng thời gian đã dần dần làm mờ đi và tan biến nhiều đau khổ, thù hận. Rất nhiều người Việt Nam ra đi bởi chiến tranh đã trở về Tổ quốc.

Cho dù một đất nước bị chia cắt bởi bất cứ lý do nào cũng là nỗi đau đớn của người dân đất nước ấy và đất nước ấy không thể lớn mạnh đúng nghĩa nhất của nó. Cuộc chiến tranh mà người Mỹ tiến hành trên mảnh đất Việt Nam đã chấm dứt 45 năm. Non sông đất nước đã liền một dải, nhưng lòng người vẫn còn một khoảng cách nào đó cho dù rất mong manh và mơ hồ. Trong rất nhiều năm qua, vào những ngày này, tôi vẫn đặt câu hỏi: Vì sao cái khoảng cách mong manh và đầy mơ hồ tưởng như chỉ nhích khẽ bàn chân về phía trước, chỉ cần đưa bàn tay thêm một chút nữa về phía trước là cái khoảng cách ấy lập tức tan biến lại vẫn còn tồn tại giữa những người Việt Nam chúng ta cho tới tận bây giờ?

Chiến tranh đã làm nên cái gọi thông thường Bắc – Nam lại thành một sự xa lạ và cách biệt. Chiến tranh đã làm cho bao gia đình phải rời bỏ quê hương. Nhưng thời gian đã dần dần làm mờ đi và tan biến nhiều đau khổ, thù hận. Rất nhiều người Việt Nam ra đi bởi chiến tranh đã trở về Tổ quốc. Họ trở về thăm lại gia đình, họ hàng, bạn bè, quê hương. Họ trở về để hợp tác làm ăn với Chính phủ và với những người Việt Nam trong nước. Họ trở về để sống cho hết cuộc đời mình. Bởi với họ, cho dù thế nào thì việc định cư ở nước ngoài cũng là điều ngoài ý muốn của họ. Nhà thơ Du Tử Lê, một nhà thơ đã phải rời dất nước ra đi bởi chiến tranh và đã trở về đất nước nhiều lần trong những năm tháng hòa bình và xuất bản nhiều tác phẩm trong nước đã từng kêu lên "khi tôi chết hãy mang tôi ra biển". Ông phải trở về cố hương ông bằng mọi cách kể cả khi ông không còn sống trên cõi đời.

Chỉ có một con đường đi tới sự hòa hợp - Ảnh 1.

Người dân Sài Gòn chào đón những người lính giải phóng. Ảnh TL

Có rất nhiều cuộc trở về từ sau năm 1975 của những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Và mới đây, cuộc trở về để tránh đại dịch Covid-19 để lại nhiều xúc động và nhiều suy nghĩ. Chính phủ và người dân Việt Nam đã làm tất cả những gì có thể để đón những người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài trở về với một tình cảm chân thành và vô cùng xúc động. Tất cả chỉ là để không một người Việt Nam nào phải mất đi sinh mạng của mình bởi đại dịch. Sự trở về lần này bởi lý do an toàn tính mệnh nhưng cao hơn là tiếng gọi của cố hương. Khi một người cảm thấy bất trắc họ thường tìm về ngôi nhà của họ, cố hương của họ như một bản năng. Tôi đã theo dõi sự trở về những ngày này của người Việt Nam và tất cả những gì mà Chính phủ và người dân đã làm cho tới lúc này và tôi nhận ra: Trong một hoàn cảnh nào đó văn hóa Việt lại hiện ra một cách trọn vẹn nhất. Và tiếng gọi thẳm sâu nhất, vang xa nhất lúc này là tiếng gọi của Tổ quốc đối với những đứa con của mình, tiếng gọi của đồng bào với nhau. Đấy chính là sức mạnh lớn lao nhất để gắn kết tất cả những người Việt trên toàn thế giới.

Mọi thứ có thể khác biệt, nhưng dân tộc mãi mãi là một mẫu số chung. Khi đất nước giành được độc lập năm 1945 từ người Pháp, thay mặt đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi những người Việt Nam đặc biệt là các trí thức đang sinh sống ở nhiều nước trên toàn thế giới khác biệt về chính trị và về điều kiện sống trở về xây dựng đất nước. Có rất nhiều người Việt Nam đang có một cuộc sống yên bình và no đủ từ nước ngoài đã trở về Tổ quốc. Họ đã dấn thân vào con đường đầy chông gai và nguy hiểm để dâng hiến cho Tổ quốc. 

45 năm giải phóng miền Nam: Chỉ có một con đường đi tới sự hòa hợp - Ảnh 2.

Bắc Nam sum họp (Cà Mau 1976). Ảnh: VÕ AN KHÁNH

Dân tộc là lý do duy nhất để những người Việt Nam trong và ngoài nước sẽ tìm thấy con đường cho sự hòa hợp và gắn kết với nhau.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Sau năm 1975, rất nhiều những nhân vật nổi tiếng như tướng Cao Kỳ, nhạc sỹ Phạm Duy, ca sỹ Khánh Ly... đã trở về Tổ quốc tham gia vào công cuộc hàn gắn và xây dựng đất nước sau chiến tranh ở một khía cạnh nào đó. Tướng Cao Kỳ đã nói ông trở về Tổ quốc chỉ vì một lý do: TỔ QUỐC. Tôi đã từng trò chuyện với một số nhà văn người Việt định cư ở nước ngoài về con đường đi tới hòa hợp dân tộc. Có những người đã đưa ra điều kiện của mình để hòa hợp. Và cũng có một số người trong nước cũng đưa ra những điều kiện cho công cuộc quan trọng này. Tôi nghĩ, nếu mỗi phía đều đòi hỏi một điều kiện cho "riêng mình" đôi khi giống như một sự "đánh đố" thì con đường đi tới hòa hợp sẽ khó khăn và dài đến nhường nào. Những người tôi vừa nói tới đã không thực sự vì quyền lợi lớn nhất là quyền lợi của dân tộc. Dân tộc là lý do duy nhất để những người Việt Nam trong và ngoài nước và cả ở ngay trong nước thôi sẽ tìm thấy con đường cho sự hòa hợp và gắn kết với nhau. Ngôi nhà chung mà những người Việt Nam ở mọi hoàn cảnh khác nhau tìm về mang tên DÂN TỘC và con đường duy nhất để họ trở về nơi ấy cũng mang tên DÂN TỘC. Dân tộc không phải là tài sản riêng của bất cứ một ai. Dân tộc thuộc về tất cả những người mang trong mình dòng máu Việt, thuộc về cả những người đã khuất hàng ngàn năm, thuộc về cả những người vẫn mang trong lòng sự cách biệt thậm chí cả sự thù hận một ai đó hay một điều gì đó.

45 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc là khoảng thời gian quá đủ và cũng quá dài để những ngăn cách giữa những người Việt Nam ở bất cứ nơi nào trên thế giới này phải được xóa bỏ. Nếu chúng ta không làm được điều đó thì sự ngăn cách ấy sẽ trở thành một vết thương không không bao giờ lành được trong chính những trang lịch sử của tương lai dân tộc chứ không chỉ là một vết thương quá khứ. Bởi đó là một vết thương không chỉ nằm trên một phần thân thể lịch sử cụ thể mà là một vết thương văn hóa. Đừng để sau này, những công dân của dân tộc chúng ta phải đặt một câu hỏi như một lời phán xét về sự hèn nhát và ích kỷ của chúng ta bây giờ, mà với sự ích kỷ và hèn nhất ấy chúng ta đã không thể bước qua sự ngăn cách hết sức mong manh và mơ hồ giữa những người cùng Tổ quốc.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm