5 nhiệm vụ thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

PV
13/10/2022 - 12:09
5 nhiệm vụ thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Tại Phiên họp thứ 16 về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTGG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhiệm vụ cốt lõi nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình này.

Tham gia thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ở Trung ương, địa phương sau 1 năm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc triển khai Chương trình đang chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đến nay, văn bản hướng dẫn mới cơ bản hoàn thành, tuy nhiên còn một số văn bản của tiểu dự án vẫn chưa được ban hành. Việc phân bổ vốn đầu tư tính đến tháng 6/2022, Chính phủ mới trình Quốc hội nhưng vẫn chưa phân bổ hết; chưa bố trí đủ vốn đối ứng, nhiều tỉnh chưa thành lập ban chỉ đạo, tiến độ giải ngân vốn cho chương trình đến thời điểm này mới đạt hơn 7%.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc bởi đây là sự nghiệp lâu dài, đề nghị thời gian tới Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ, tăng cường cơ chế điều phối; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vào cuộc, đẩy mạnh truyền thông tạo ra phong trào xã hội, phong trào thi đua.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc. Tuy nhiên, Chương trình triển khai chậm so với yêu cầu, nhiệm vụ, cả ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; đến nay còn có đề án vẫn chưa được ban hành. Phân bổ giải ngân vốn đầu tư còn rất thấp; cần làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân chủ quan, khách quan, rút kinh nghiệm từ 2 chương trình mục tiêu đã thực hiện, tăng cường cơ chế điều phối, đẩy mạnh truyền thông, tăng tốc thực hiện.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý cần rà soát kỹ cơ chế điều phối của Chương trình; việc lồng ghép trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành nhiều văn bản nhưng cần rà soát tính đồng bộ, liên thông, tính khả thi của các văn bản đã ban hành của Chương trình này và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tiến độ giải ngân phải gắn liền với chất lượng, hiệu quả; tiêu chí phân bổ, lựa chọn địa bàn, tránh dàn trải địa bàn, nguồn lực và khả năng giám sát; tính khả thi của các địa phương trong thực hiện vốn đối ứng.

Tập trung 5 nhiệm vụ thực hiện Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp

Để triển khai thực hiện Chương trình đạt được mục tiêu trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương sơ kết đánh giá 1 năm việc triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời, rà soát lại một số nội dung cơ chế, chính sách đã ban hành để có sự điều chỉnh phù hợp.

Thứ hai, đề ra tiến độ thời gian cụ thể phương án phân bổ số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ ba, bảo đảm nguyên tắc đầu tư công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện.

Thứ tư, đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng, có ý nghĩa quyết định; đồng thời huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cấp, các ngành; phòng tránh các biểu hiện tiêu cực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, để nhân dân tích cực tham gia trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát Chương trình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm