Triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn chậm

PV
11/10/2022 - 20:18
Triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn chậm

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục chương trình làm việc chiều 11/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trình bày thẩm tra báo cáo này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, Ủy ban Dân tộc (được Chính phủ giao chủ trì xây dựng báo cáo) và các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng, cơ quan Chủ trì Chương trình có nhiều nỗ lực trong quá trình chuẩn bị tổ chức để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo Báo cáo của Chính phủ, đến nay đã cơ bản hoàn thiện công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định về cơ chế, chính sách vận hành Chương trình. Tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc cho rằng, Chương trình triển khai rất chậm, đến nay hầu hết các dự án, tiểu dự án chưa được tổ chức thực hiện, nguồn vốn ngân sách Trung ương chưa được giải ngân.

Đến tháng 10/2022 mới cơ bản hoàn thành ban hành các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn của Chương trình đã ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sẽ không phát huy được hiệu quả vốn đầu tư năm 2021-2022; khó hoàn thành các mục tiêu của Chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Bày tỏ sự quan tâm đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao kết quả thực hiện của chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới và bước đầu triển khai chương trình cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn về việc chậm tổ chức triển khai thực hiện.

Băn khoăn tiến độ thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết từ khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia cho đến tháng 5/2022 trước khi Quốc hội cho ý kiến thì gần như việc ban hành các văn bản, chế độ chính sách để triển khai chương trình gần như là "đứng tại chỗ". Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ lý do của tình trạng này.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương băn khoăn về cơ chế điều phối, lồng ghép thực hiện các chương trình. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết thực tế tại địa phương và cơ sở, thực hiện lồng ghép với các chương trình để tăng nguồn lực mà không có sự điều phối, chỉ huy chung thì khó khăn.

Có đến 7 tỉnh chưa phân bổ nguồn vốn của chương trình, 6 tỉnh chưa ban hành kế hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề sự chậm trễ của những tỉnh này là nguyên nhân từ đâu, do không chấp hành chỉ đạo của Bộ, của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ và Ban điều phối chương trình, hay là do vướng mắc về thể chế và pháp luật? Cùng với đó, chưa có địa phương nào bố trí kinh phí đối ứng theo dự kiến của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc này.

Băn khoăn tiến độ thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi - Ảnh 2.

Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại cuộc họp

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc triển khai Chương trình đang quá chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đến nay, văn bản hướng dẫn mới cơ bản hoàn thành, tuy nhiên còn một số văn bản của tiểu dự án vẫn chưa được ban hành. Việc phân bổ vốn đầu tư tính đến tháng 6/2022 Chính phủ mới trình Quốc hội nhưng vẫn chưa phân bổ hết; chưa bố trí đủ vốn đối ứng, nhiều tỉnh chưa thành lập ban chỉ đạo, tiến độ giải ngân vốn cho chương trình đến thời điểm này mới đạt hơn 7%...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm